Dù không mua sầu riêng tại thôn 19/8 (xã Ea Yông, Krông Pắc, Đắk Lắc), nhưng Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Trung vẫn sử dụng mã vùng trồng tại nơi này để xuất khẩu hàng trăm tấn sầu riêng…
>>Đắk Lắk: Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc kêu cứu
Lần theo lá đơn kêu cứu của Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc (có địa chỉ tại thôn Tân Đông, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) về việc bị chính quyền địa phương thu hồi Giấy đăng ký hợp tác xã trái luật, nhiều dấu hiệu bất minh, nhóm phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã phát hiện, năm 2022, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Trung (viết tắt là Công ty Thanh Trung) có địa chỉ tại số 20 đường Hồ Xuân Hương, KP1, phường Xuân Trung, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã sử dụng mã vùng trồng sầu riêng của hợp tác xã này để làm thủ tục xuất khẩu hàng trăm tấn sầu riêng quả tươi, với giá trị hàng chục tỉ đồng.
Điều đáng nói, thời điểm Công ty Thanh Trung xuất hàng sang Trung Quốc thì các vườn trồng tại huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đã hết vụ và không còn sầu riêng từ 3 tuần trước đó. Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Thanh Trung không có hoạt động thu mua từ các chủ vườn tại thời điểm này.
Cụ thể, theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) cung cấp cho phóng viên ngày 04/7/2023, trong tháng 10/2022, Công ty Thanh Trung đã mở 43 tờ khai để xuất khẩu 814 tấn sầu riêng quả tươi với trị giá 90 tỉ đồng.
Còn theo thông tin từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật) cung cấp cho thấy, Công ty Thanh Trung đã sử dụng mã vùng trồng VN-ĐLOR-0077 của Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc để làm thủ tục xuất khẩu 683,932 tấn sầu riêng quả tươi đi Trung Quốc theo mã đóng gói VN-DNPH-060.
Trước nghi vấn Công ty Thanh Trung đã sử dụng mã vùng trồng trái phép để làm thủ tục xuất khẩu sầu riêng, đại diện Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết, Công ty Thanh Trung không sử dụng trái phép mã vùng trồng, mà đã được sự ủy quyền của hợp tác xã.
Cụ thể theo thông tin, tài liệu từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cung cấp, chi cục có nhận được Giấy ủy quyền xuất khẩu của Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc, đại điện là ông Lê Minh Tâm, chức vụ Giám đốc hợp tác xã.
Bên nhận ủy quyền là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Trung, mã đóng gói: VN-DNPH-060; mã số thuế 3603544076, trụ sở tại số 20 đường Hồ Xuân Hương, KP1, phường Xuân Trung, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, đại diện là bà Võ Thị Trúc Thanh, giám đốc công ty.
Theo Giấy ủy quyền này, Công ty Thanh Trung được phép sử dụng các mã vùng trồng VN-ĐLOR – 0077; VN- ĐLOR – 0081; VN- ĐLOR – 0090 để xuất khẩu sầu riêng quả tươi bằng đường bộ tại các cửa khẩu thuộc khu vực tỉnh Lạng Sơn. Giấy ủy quyền này có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 đến ngày 1/10/2023.
Chiều ngày 3/7/2023, trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Bế Thị Thu Hiền – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết, chi cục thực hiện kiểm dịch theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. “Khi doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cho các lô hàng xuất khẩu thì chúng tôi phải xác nhận cho họ, đó là trách nhiệm của chúng tôi”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII nói.
Cũng liên quan đến sự việc này, bà Nguyễn Thị Hà – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết, ngày 12/6/2023, Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc (đại diện là ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch hợp tác xã - PV) cũng có gửi công văn đề nghị xác thực thông tin về việc sử dụng mã vườn trồng xuất khẩu trái phép.
Theo văn bản này, Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc cho biết, vừa qua hợp tác xã có nhận được thông tin có một số contener sầu riêng xuất khẩu từ tỉnh Đồng Nai đi cửa khẩu Hữu Nghị có sử dụng mã vườn trồng của hợp tác xã để xuất khẩu.
“Chúng tôi là những người nông dân lại ở vùng xa nên không có khả năng chứng thực những thông tin trên có chính xác hay không và rất lo lắng, vì nếu mã vườn trồng của hợp tác xã bị bán hoặc bị lợi dụng làm giả để bán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của hàng ngàn hộ nông dân trong hợp tác xã”, nội dung văn bản của Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc nêu.
>>Đắk Lắk: Hợp tác xã “điêu đứng” bởi quyết định “trái luật”?
Quay trở lại những thông tin liên quan đến lô hàng của Công ty Thanh Trung từ phía các đơn vị chức năng cung cấp, nhóm phóng viên tiếp tục quay trở lại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk để xác minh thông tin.
Trong nội dung trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc cho biết, hợp tác xã không hề biết việc ông Lê Minh Tâm có sự hợp tác cũng như ký Giấy ủy quyền xuất khẩu cho Công ty Thanh Trung, bởi lúc đó sầu riêng tại các mã vùng trồng đã hết trái trước ngày 14/9/2022.
“Tôi không biết, cũng không chỉ đạo ông Tâm hợp tác hay ký Giấy ủy quyền cho các công ty, lợi nhuận như thế nào hợp tác xã không nắm được, bởi không hề có khoản thu chi nào về việc này”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Vị Chủ tịch HĐQT hợp tác xã này cũng cho biết, đây là tài sản của bà con nhân dân. “Nếu Công ty Thanh Trung liên kết với ông Lê Minh Tâm để dùng mã VN-ĐLOR – 0077 xuất khẩu là trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến mã vùng trồng của bà con nhân dân. Chúng tôi mong cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ để tránh tình trạng bị bán mã vùng trồng trục lợi”, ông Tuấn bày tỏ.
Đáng chú ý, cũng theo tài liệu từ lãnh đạo hợp tác xã này cung cấp cho thấy, thời điểm tháng 10/2022 khi Công ty Thanh Trung xuất khẩu sầu riêng thì địa phương đã hết vụ thu hoạch.
Cụ thể, tại biên bản cuộc họp ngày 15/10/2022 về việc làm rõ xác nhận mã vùng trồng sầu riêng còn trái trên cây hay không gồm: đại diện Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk; đại diện phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắc; đại diện hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc và đại diện bên mã vùng trồng đã kết luận, “vụ sầu riêng năm 2022 đã kết thúc trước ngày 14/9/2022”.
Được biết, mã vùng VN-ĐLOR – 0077 có 48 chủ vườn trồng sầu riêng, với tổng diện tích 27,6ha. Tiếp tục kiểm chứng những nội dung thông tin này, nhóm phóng viên đã nhờ sự phối hợp của các thôn trưởng, Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc, đồng chí trưởng mã vùng VN-ĐLOR – 0077 để tiến hành khảo sát 20 chủ vườn có tổng diện tích vườn trồng gần 20ha cho thấy, hầu hết các chủ vườn đã thu hoạch trước ngày 14/9/2022 và không có chủ vườn nào bán sầu riêng cho Công ty Thanh Trung.
“Bình quân 1ha sẽ thu hoạch được từ 20- 30 tấn sầu riêng, nhưng vụ năm trước bị mất mùa nên sản lượng rất thấp, thậm chí chỉ được hơn 50% so với các năm”, một số chủ vườn cho biết.
Trong một diễn biến khác, đại diện lãnh đạo Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc cho biết, mới đây do phát hiện ông Lê Minh Tâm (thời điểm còn là giám đốc hợp tác xã - PV) đã bắt tay với một số thành viên trong hợp tác xã để ký “khống” Giấy ủy quyền cho một số doanh nghiệp ở miền tây xuất khẩu sầu riêng để trục lợi nên lãnh đạo hợp tác xã đã quyết định khai trừ những thành viên này ra khỏi hợp tác xã.
Ngày 10/7/2023, trao đổi nhanh với phóng viên về việc xuất khẩu sầu riêng theo mã vùng tại Krông Pắc nhưng doanh nghiệp lại không thu mua tại nơi này, bà Võ Thị Trúc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Trung cho biết, công ty có nhận làm gia công cho một đơn vị khác.
“Chúng tôi có cử cán bộ về mua sầu riêng của bà con, làm gì có chuyện không mua, Công ty Thanh Trung làm vì cái tâm, vì bà con nhân dân”, bà Thanh khẳng định. Đáng chú ý, khi phóng viên hỏi Công ty thu mua của bà con vào thời điểm nào thì giám đốc Công ty Thanh Trung trả lời không nhớ, “một năm đã qua rồi, giờ em hỏi thì làm sao mà chị nhớ được”, bà Võ Thị Trúc Thanh nói.
Quay trở lại thông tin, tháng 10/2022, Công ty Thanh Trung đã xuất khẩu 683,932 tấn sầu riêng quả tươi đi Trung Quốc. Dư luận băn khoăn cho rằng, không hiểu đơn vị này đã thu gom gần 700 tấn sầu riêng ở đâu để xuất khẩu? Và với hàng chục tỉ đồng hàng hóa đã xuất đi, liệu chăng người ký Giấy ủy quyền xuất khẩu cho doanh nghiệp này có được hưởng lợi?
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm