Đắk Nông: Doanh nghiệp “kêu cứu” vì người dân cản trở thi công nhà máy điện gió

PHAN NAM 24/05/2021 03:58

03 dự án nhà máy điện gió của Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng đứng trước nguy cơ chậm tiến độ bởi sự cản trở của một số hộ dân có đất trong dự án.

Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, các dự án nhà máy điện gió (NMĐG) Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 với tổng công suất là 300MW đã được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1468/QĐ-UBND ngày 1/10/2020, Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 1/10/2020, Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 1/10/2020 cho các Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông, Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông 1, Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông 2.

Doanh nghiệp thiệt hại 5-7 tỷ đồng mỗi ngày

Ngày 29/4/2021, Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông đã nhận được thẩm định và hồ sơ phê duyệt thiết kế kỹ thuật cho cả ba dự án NMĐG Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 với tổng công suất là 300MW từ Bộ Công Thương. Các dự án này được đặt trên địa bàn huyện Đắk Song.

Như vậy đối chiếu với quy định tại thông tư số 02/20219/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương thì cả ba dự án NMĐG Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 đã đạt đủ điều kiện thi công dự án theo quy định của pháp luật.

Một số hộ dân cố tình ngăn cản dự án thi công

Một số hộ dân cố tình ngăn cản dự án thi công

Cụ thể trong thông tư này quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện gió (gọi tắt là Thông tư 02), dự án được thi công xây dựng khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về quản lý xây dựng, yêu cầu bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện bao gồm: thứ nhất hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành; thứ hai, có hợp đồng mua bán điện được ký với bên mua điện; và thứ ba có hợp đồng cung cấp tài chính , cam kết về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình đúng với tiến độ được phê duyệt trong dự án đầu tư xây dựng công trình.

Ngay sau khi UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1468/QĐ-UBND ngày 1/10/2020, Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 1/10/2020, Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 1/10/2020, nhà đầu tư đã huy động tối đa nhân lực, vật lực chạy đua với thời gian để hoàn thành khối lượng lớn các thủ tục pháp lý, thiết kế, mua sắm, thu xếp tài chính, xây dựng với mục tiêu hoàn thành và chính thức phát điện thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021, để được hưởng giá bán điện quy định tại Quyết định 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 22/04/2021, Công ty đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 100% vị trí turbine và trạm biến áp đồng thời hoàn thành giải phóng mặt bằng 50% tổng diện tích dành cho các tuyến đường và trên 70% số hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng đã được bồi thường. Tổng chi phí Công ty đã đầu tư vào các dự án NMĐG khoảng 10.000 tỷ đồng bao gồm vật tư, thiết bị (turbine gió, trụ…), thanh toán cho nhà thầu EPC.

Tuy nhiên, đến nay, các dự án đang bị đình trệ nghiêm trọng do việc một số hộ dân có đất đền bù trong dự án cản trở lối vào công trường thi công, ngăn chặn công nhân và nhà đầu tư tiến vào các khu vực Dự án mà nhà đầu tư đã hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Một số hộ dân không đồng thuận với mức giá đề bù của doanh nghiệp đưa ra dù mức giá này đã cao hơn rất nhiều so với phương án áp giá 100% đơn giá đền bù của địa phương. Các hộ này yêu cầu tăng giá 3-4 lần đơn giá đất, cây trồng do tỉnh ban hành. Hiện tượng khoan giếng, trồng thêm cây sau khi đã kiểm đếm để trục lợi đền bù diễn ra nhiều.

Theo quan sát của Diễn đàn Doanh nghiệp một số hộ dân đã và đang phản đối một cách rất cực đoan như cho phụ nữ, người già ngăn đường, đóng cọc, tạt nước để xe chở vật tư và thiết bị không thể di chuyển. Thậm chí, có những hộ dân chặn xe không cho thi công để đòi tiền ủng hộ phạm vi ảnh hưởng 300 m.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông cho biết: Người dân viện dẫn an toàn công trình điện gió quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương về khoảng cách an toàn 300m tính từ tim trụ turbine gió để yêu cầu phía công ty phải đền bù toàn bộ giá trị tài sản trên đất, cây cối, hoa màu trên đất trong phạm vi 300m là không chính xác và vô lý.

Cũng theo ông Tuấn, để giải quyết vấn đề này, Công ty và chính quyền đã đối thoại, giải thích các thắc mắc của người dân cùng với công văn của UBND huyện là không có văn bản quy định nào về đền bù xung quanh phạm vi 300m tính từ trụ turbine gió nhưng một số hộ dân vẫn tiếp tục phản đối. Do sự ngăn cản, chống phá tới từ phía một số hộ dân, hàng ngày phía doanh nghiệp cũng đang phải chịu phạt từ nhà thầu do không được thi công, khiến máy móc, nhân công phải chờ, cùng với các thiệt hại khác khiến công ty đang phải chịu tổn thất từ 5 đến 7 tỷ đồng mỗi ngày. Hơn nữa, nếu tình hình này vẫn tiếp diễn, không tìm được cách giải pháp triệt để thì các dự án sẽ không được hoàn thành đúng hạn, không được hưởng ưu đãi giá điện.

"Việc này không những gây tổn hại đến doanh nghiệp mà còn tới ngân sách của huyện Đắk Song vì nếu các dự án NMĐG Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 với tổng công suất là 300MW được đi vào hoạt động đúng tiến độ sẽ đóng góp số tiền thuế là 300 tỷ vào ngân sách của huyện hàng năm trong vòng ít nhất là 20 năm. Thậm chí, đây sẽ trở thành một ví dụ, tiền lệ xấu khiến các doanh nghiệp sau này e ngại khi đầu tư vào huyện Đắk Song, cũng như tỉnh Đắk Nông", ông Tuấn nói.

Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, lý do người dân ngăn cản thi công các dự án NMĐG là trong quá trình xây dựng Dự án, công tác thi công đã gây nứt nhà của một số hộ dân sinh sống gần khu vực Dự án. Chính vì vậy người dân sẽ chỉ cho nhà đầu tư tiến vào công trường thi công khi đã hoàn tất việc đền bù các thiệt hại liên quan này.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Tuấn cho biết: Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và hỗ trợ, đền bù cho những thiệt hại của người dân mà nguyên nhân là việc thi công các Dự án nhà máy điện gió (NMĐG) Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3. Nhưng hiện nay công tác đền bù và đánh giá thiệt hại đang vấp phải hai điều bất cập lớn. Một là chưa có một mức giá hay tiêu chuẩn nào để doanh nghiệp tiến hành đền bù. Thứ hai là nhà đầu tư không thể xác nhận được những vết nứt hay thiệt hại mà người dân nêu lên có thực chất phát sinh trong và do quá trình thi công Dự án không.

"Bước đầu, chủ đầu tư đề nghị được cùng một cơ quan giám định độc lập gặp gỡ trực tiếp người dân, xem xét thiết hại và thương thảo đền bù một cách hợp lý, tuy nhiên hầu hết các hộ gia đình đều không cho phép doanh nghiệp vào nhà giám định mà nhất quyết yêu cầu đền bù theo một mức giá không có cơ sở, cao gấp nhiều lần giá trị thực của tài sản họ phản ánh là bị hư hại", ông Tuấn cho biết thêm.

Một số hộ dân ép nhà đầu tư trả thêm chi phí

Một số hộ dân ép nhà đầu tư trả thêm chi phí

Được biết, Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông đã đề nghị UBND Huyện Đắk Song thành lập Tổ công tác để đánh giá mức độ thiệt hại đối với nhà, công trình nằm ngoài phạm vi thu hồi đất và bị ảnh hưởng do việc thi công các Dự án nhà máy điện gió (NMĐG) Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3.

Để trả lời cho kiến nghị này từ phía doanh nghiệp, UBND Huyện Đắk Song đã ra Quyết định số 628/QĐ-UBND được phát hành vào ngày 13/05/2021 chỉ đạo thành lập Tổ công tác bao gồm: đại diện chính quyền Tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, đại diện đơn vị tư vấn là Trung tâm kiểm định xây dựng – Sở xây dựng tỉnh Đắk Lắk; thực hiện công tác đánh giá thiệt hại. Nhưng hiện Tổ công tác vẫn chưa được triển khai và các khó khăn Dự án gặp phải tới từ phía người dân ngày càng căng thẳng và leo thang.

Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục thi công Dự án, đảm bảo đúng tiến độ cũng như để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chủ đầu tư cụm NMĐG Đắk N’Drung 1,2, 3 đề nghị UBND huyện Đắk Song giúp đỡ và chỉ đạo:

Thứ nhất, thông báo và sớm ngày triển khai Tổ công tác để đánh giá mức độ thiệt hại đối với nhà, công trình nằm ngoài phạm vi thu hồi đất và bị ảnh hưởng do việc thi công các Dự án NMĐG Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3.

Thứ hai, cho phép và hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp tục thi công trong quá trình chờ kết quả thẩm định, đánh giá thiệt hại của các hộ dân từ phía Tổ công tác do Huyện thành lập.

Thứ ba, thực hiện Công văn số 2323/UBND-KTN của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phát hành ngày 13 tháng 5 năm 2021, trong đó yêu cầu UBND Huyện Đắk Song thông báo cho người dân về Dự án, chính sách của Đảng và quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các trường hợp gây mất trật tự, an ninh trên địa bàn.

Thứ tư, theo Công văn số 2323/UBND-KTN của UBND tỉnh Đắk Nông phát hành ngày 13 tháng 5 năm 2021, đối với các diện tích đất đã được nhà đầu tư bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, giao công an tỉnh bám sát địa bàn chỉ đạo cho công an huyện, xã xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng lợi dụng Dự án để gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện, cản trở hoặt động hợp pháp của nhà đầu tư.

Thứ năm, chỉ đạo doanh nghiệp hướng giải quyết trong trường hợp người dân không đồng ý với kết quả đánh giá về thiệt hại cũng như phương án đền bù của Tổ công tác đề xuất, và vẫn tiếp tục biểu tình ngăn cản thi công.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc

Có thể bạn quan tâm

  • Mặc kệ điện gió tự xoay

    Mặc kệ điện gió tự xoay

    11:00, 20/05/2021

  • Điện gió gặp khó vì các luật “vênh” nhau

    Điện gió gặp khó vì các luật “vênh” nhau

    14:30, 14/05/2021

  • Khánh thành Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam

    Khánh thành Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam

    21:27, 17/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đắk Nông: Doanh nghiệp “kêu cứu” vì người dân cản trở thi công nhà máy điện gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO