Tỉnh Đắk Nông đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích...
Tỉnh Đắk Nông đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân; chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN 4.0.
>>Đắk Nông hút “sếu đầu đàn”
Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử là một trong những giải pháp quan trọng để Đắk Nông hiện đại hoá nền hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Văn Thương, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Nông cho biết, trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 01/11/2021, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 21/ 03/ 2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-UBND của triển khai thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TU. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thành công việc chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.
Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng CNTT - viễn thông, xây dựng các nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số, thời gian qua Đắk Nông đã tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đến nay Đắk Nông đang từng bước xây dựng hệ thống Chính quyền điện tử theo hướng hiện đại, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng nâng lên, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Đến nay, Đắk Nông đã xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh (LGSP) và Kho dữ liệu dùng chung theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông phiên bản 2.0. đã kết nối với với Chính phủ, đặc biệt là cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sơ dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, cơ sơ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến… phục vụ phát triển Chính quyền số.
Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh cung cấp 516 dịch vụ công mức độ 3 và 545 dịch vụ công mức độ 4. Đã thực hiện kết nối thành công 416 thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng 4G đến 97% thôn, buôn. Tỷ lệ người dân sử dụng internet và có thuê bao điện thoại thông minh đạt lần lượt trên 73% và trên 88%.
Tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động 33 tổ công nghệ số cộng đồng với 93 thành viên tại 4 xã, phường của huyện Đắk Mil và TP. Gia Nghĩa. Tổ công nghệ số cộng đồng là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số để triển khai các nền tảng số đền với công động dân cư.
Tỉnh đã có trên 21.000 hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa, 35 sản phẩm OCOP đã đưa lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart.
Hiện tại, đã có trên 21.000 hộ, tương đương 27% hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin, cùng 125 sản phẩm hàng hóa, trong đó có 35 sản phẩm OCOP do doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh sản xuất được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart. Công tác triển khai ứng dụng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, thí điểm chuyển đổi số tại TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil cũng đang được các đơn vị, địa phương tích cực thực hiện.
Với mục tiêu đến năm 2030, Đắk Nông sẽ trở thành tỉnh trung bình khá của cả nước về chuyển đổi số; hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong thời gian tới, Đắk Nông sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số ...
Trong đó, chính quyền số tập trung xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh, cấp huyện; nâng cấp và tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển Kho dữ liệu dùng chung; triển khai an toàn thông tin 4 lớp; phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, triển khai và phủ sóng mạng di động 4G, 5G.
Trong lĩnh vực kinh tế số, tỉnh sẽ đẩy mạnh trọng tâm phát triển thương mại điện tử, doanh nghiệp công nghệ số, đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, triển khai Chương trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chú trọng chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, xây dựng nông thôn mới… Từng bước hình thành hệ thống doanh nghiệp số, đưa kinh tế số chiếm 10 % GRDP của tỉnh.
Ông Thương cho biết, cùng với việc nhân rộng mô hình Tổ công nghệ số công đồng, Đắk Nông tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Thúc đẩy và nâng cao tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hạ tầng, thiết bị tại Trung tâm Hành chính công, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến...
Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, Đắk Nông sẽ sớm chuyển mình trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy Đắk Nông phát triển toàn diện, nhanh, bền vững.
Có thể bạn quan tâm