Trong cuộc đua sản xuất và phân phối sản phẩm bánh kẹo, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các công cụ quản lý và đo lường hiện đại như Lean, Kaizen, Six Sigma và TPM.
Ngành bánh kẹo là một trong những lĩnh vực sản xuất có tốc độ phát triển nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng, việc nâng cao năng suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng sản phẩm trở thành mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp.
Để đạt được những mục tiêu này, các công ty hàng đầu trong ngành đã và đang áp dụng nhiều công cụ quản lý và đo lường tiên tiến như Lean Manufacturing, Kaizen, Six Sigma, OEE và TPM.
Những công cụ này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua việc giảm lãng phí, cải tiến chất lượng và tăng năng suất.
Lean Manufacturing là triết lý sản xuất tập trung vào việc loại bỏ lãng phí trong quy trình, tối ưu hóa nguồn lực, và cải thiện giá trị cho khách hàng. Trong ngành bánh kẹo, một công cụ phổ biến của Lean Manufacturing là 5S, gồm Sort (sàng lọc), Set in Order (sắp xếp), Shine (vệ sinh), Standardize (chuẩn hóa) và Sustain (duy trì).
Việc áp dụng 5S không chỉ giúp tổ chức không gian làm việc gọn gàng mà còn giảm thời gian tìm kiếm nguyên vật liệu và công cụ, từ đó tăng hiệu suất lao động. Như tại Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam, 5S đã được áp dụng rộng rãi để sắp xếp và chuẩn hóa các hoạt động trên dây chuyền sản xuất, giúp cải thiện tốc độ xử lý sản phẩm và giảm thiểu chi phí lãng phí.
Ngoài ra, Lean Manufacturing còn hỗ trợ giảm thiểu lỗi sản xuất và tăng năng suất thông qua việc tối ưu hóa các quy trình, chẳng hạn như điều chỉnh luồng công việc và loại bỏ các bước không cần thiết.
Kaizen, có nghĩa là "cải tiến liên tục" trong tiếng Nhật, là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để duy trì sự đổi mới và cải thiện năng suất. Kaizen không đòi hỏi các thay đổi lớn, mà tập trung vào những cải tiến nhỏ, tích lũy dần qua thời gian để tạo ra giá trị lớn.
Việc triển khai Kaizen cũng thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể, khuyến khích mọi nhân viên tham gia đóng góp ý tưởng sáng tạo. Đây không chỉ là một công cụ kỹ thuật mà còn là một chiến lược quản lý hiệu quả để xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực.
Six Sigma là một phương pháp quản lý chất lượng hiện đại dựa trên dữ liệu và phân tích thống kê để giảm biến động và cải tiến quy trình sản xuất. Chu trình DMAIC (Define - Measure - Analyze - Improve - Control) trong Six Sigma đã được chứng minh là một công cụ mạnh mẽ trong việc giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm và nâng cao chất lượng.
OEE (Overall Equipment Efficiency) là một công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị trong sản xuất. OEE đo lường ba yếu tố chính: tính sẵn sàng (Availability), hiệu suất (Performance) và chất lượng (Quality).
Tại Công ty Cổ phần Bibica, việc theo dõi OEE đã giúp công ty phát hiện các điểm yếu trong quy trình sản xuất. Một ví dụ cụ thể là đầu tư vào dây chuyền sản xuất bánh quy mới với công suất 20 tấn/ngày, giúp cải thiện đáng kể hiệu suất và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, việc sử dụng OEE còn giúp Bibica tối ưu hóa kế hoạch bảo trì máy móc, giảm thời gian chết và đảm bảo sản xuất liên tục, đặc biệt trong các mùa cao điểm như Tết Nguyên Đán.
TPM (Total Productive Maintenance) là một chiến lược bảo trì máy móc chủ động, nhằm giảm thiểu thời gian dừng máy và nâng cao hiệu quả thiết bị. TPM không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn giúp duy trì chất lượng sản phẩm ổn định.
Nhiều doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam đã ghi nhận thành công từ việc áp dụng các công cụ đo lường và cải tiến hiện đại. Trong đó, Công ty Cổ phần Bibica là đơn vị tiên phong trong ngành bánh kẹo áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và tiêu chuẩn ISO 22000, đồng thời triển khai công cụ MFCA (Material Flow Cost Accounting) giúp giảm hao phí sản xuất từ 1,69% xuống 1,57%. Công ty cũng thực hiện cải tiến độ ẩm bánh bông lan, tiết kiệm 400 triệu đồng/năm và cải thiện chất lượng sản phẩm; giải pháp nghiên cứu cải tiến chất lượng bánh trung thu (điều này đã góp phần gia tăng doanh số lần đầu tiên cán mức 100 tỷ, vượt 3% kế hoạch).
Đối với Công ty Bánh Kẹo Hải Hà, sử dụng các công cụ như Kaizen, Lean, và TPM để giảm lãng phí và tăng hiệu quả trên dây chuyền sản xuất. Còn Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam đã đã áp dụng các phương pháp Lean Manufacturing, Six Sigma để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Công ty đã áp dụng các công cụ như 5S, Kaizen,TPM để nâng cao hiệu quả làm việc, giảm thiểu lãng phí, cải tiến chất lượng sản phẩm. Các công cụ đo lường năng suất và hiệu quả của thiết bị (như OEE) cũng được sử dụng để theo dõi và cải thiện hiệu suất của các dây chuyền sản xuất.
Việc áp dụng các công cụ đo lường và cải tiến sản xuất như Lean, Kaizen, Six Sigma, OEE và TPM không chỉ mang lại hiệu quả kỹ thuật mà còn tạo ra lợi ích kinh tế rõ rệt cho các doanh nghiệp bánh kẹo. Những công cụ này giúp tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng năng lực cạnh tranh.