Đây là chủ đề của Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương.
Sáng 14/11, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”.
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, TP. Hải Phòng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang.
Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng đại diện các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, tư tưởng chính của diễn đàn tập trung 2 định hướng là: phát triển kinh tế số bằng thúc đẩy cả cung và cầu về kinh tế số và chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực. Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, các lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động là chủ đề chính của diễn đàn năm nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 25% vào năm 2025 việc này nằm trong mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn 2019 - 2023, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đạt bình quân 9%/năm, đạt mức cao so với khu vực và trên thế giới, trong đó, một số ngành có tỷ lệ tăng trưởng năng suất lao động cao như: Nông nghiệp (16%); cung cấp nước, quản lý và xử lý nước, rác thải (14%); y tế và trợ giúp xã hội (11%); tài chính (10%)…
Thực tiễn phát triển đã cho thấy, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nền kinh tế số phải là động lực trọng tâm, giúp kích cầu, thúc đẩy đầu tư và nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là một xu thế, mà còn là một cơ hội lịch sử để Việt Nam chúng ta vươn lên, phát triển lực lượng sản xuất mới và xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững - ông Thái Thanh Quý chia sẻ.
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những thay đổi về nhận thức và hành động từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để chuyển đổi số trở thành hiện thực. Thông qua diễn đàn này sẽ góp phần xác định rõ hơn con đường phát triển kinh tế số tại Việt Nam, từ đó tìm ra những giải pháp sáng tạo, tạo động lực mới cho sự phát triển đột phá và nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt. Diễn đàn lần này là cơ hội để tất cả cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số và định hướng phát triển kinh tế số và xã hội số cho các địa phương. Bình Dương mong muốn học hỏi từ những mô hình, sáng kiến hiệu quả để nâng cao năng lực chuyển đổi số. Diễn đàn sẽ mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, giúp Việt Nam đón đầu các xu thế công nghệ của thời đại.
Bình Dương đã có 6 khu công nghiệp đang áp dụng quản trị và điều hành thông minh của Tổng Công ty Becamex IDC; đang triển khai chuyển đổi số tại các nhà sản xuất, điển hình như: Orion, Takako, VNM với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và mạng 5G, giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, nguồn năng lượng tối ưu và giảm tác động đến môi trường. Chuyển đổi số trong lĩnh vực Logistics cũng được chú ý với các giải pháp tự động hóa kho bãi và dịch vụ giao nhận, khuyến khích giảm chi phí logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ; thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới cũng là hướng đi quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương.
Hiện nay, tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng số và các hoạt động thương mại điện tử, mở rộng thị trường và kết nối với các nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc phát triển công ty công nghệ thông tin, bán dẫn cũng là ưu tiên chiến lược của Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương đang hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, thu hút đầu tư vào các sản phẩm điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng; góp phần hình thành một vùng năng lực công nghệ cao kết nối với các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một trong những chiến lược Bình Dương hướng dẫn để tăng cường năng lực lao động là phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền tảng kinh tế số, xã hội số.
Bình Dương phấn đấu trở thành một tỉnh đi đầu trong việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao.Định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 phát triển hệ thống sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo đóng vai trò cốt lõi.
Trình bày chủ đề “Chuyển đổi số công nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn phát triển khai tại Becamex IDC”, ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh cho biết, Becamex IDC đầu tư vào mạng hạ tầng số hiện đại , bao gồm trung tâm dữ liệu và kết nối thông tin để hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ giao diện trong sản phẩm. Công nghệ IoT và AI được ứng dụng để giám sát, tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình, nâng cao hiệu suất và độ chính xác trong sản phẩm.
Becamex xây dựng hệ thống kết nối doanh nghiệp sinh thái, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu, cung cấp hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh cho toàn bộ khu công nghiệp. Song đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số, phát triển các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng công nghệ, giúp nhân viên thích ứng và vận hành hiệu quả các công nghệ mới trong môi trường số hóa.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.
Cụ thể: Phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động; Triển khai có hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, gắn với chủ đề của năm 2024: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”; Phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế số, xã hội số; Xây dựng văn hóa trên môi trường số, kiến tạo môi trường số văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, thời gian tới, các bộ, cơ quan liên quan, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội thúc đẩy; tập trung phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao, đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực mới; thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm Make in Viet Nam; huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.