Kinh tế địa phương

Bình Dương: Phát triển hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, tạo sự bứt phá mới

Thùy Linh 04/11/2024 08:46

Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng KCN theo quy hoạch; ưu tiên phát triển các KCN chất lượng cao để tạo động lực tăng trưởng mới.

Đến nay, Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy diện tích sử dụng đạt gần 94%, đã đưa Bình Dương trở thành địa phương có tỷ lệ lấp đầy KCN cao nhất cả nước.

Khu công nghiệp VSIP II
Khu công nghiệp VSIP II

Các KCN đã đi vào hoạt động đều có tỉ lệ lấp đầy diện tích cao, góp phần đưa Bình Dương vào nhóm các địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước. Đến tháng 10/2024, các KCN tại Bình Dương có 3.179 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.493 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 30,24 tỷ USD và 686 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 95.051 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng KCN của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao, các KCN được xây dựng theo hướng xanh và thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị và các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị này đã tạo ra sự bình đẳng về thụ hưởng hạ tầng xã hội, hệ thống y tế và giáo dục cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Theo phương án phát triển hệ thống KCN tại Bình Dương, đến năm 2030 toàn tỉnh có 43 KCN với tổng diện tích khoảng 18.600 ha.

Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý Các KCN Bình Dương, cho biết, tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh việc mở rộng diện tích các KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc tập trung nâng cấp các KCN hiện hữu và đầu tư các KCN thế hệ mới như: KCN Việt Nam - Singapore III, KCN đô thị - dịch vụ, khu công nghệ thông tin tập trung, KCN cơ khí… sẽ mang đến một hệ sinh thái mới cho các hoạt động áp dụng công nghệ và tri thức.

Hiện nay, Ban Quản lý Các KCN Bình Dương đang tổ chức lập nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5000) KCN chuyên ngành cơ khí (KCN Bắc Tân Uyên I), dự kiến xây dựng tại địa bàn TP.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. KCN này có diện tích khoảng 800 ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa, ít thâm dụng lao động.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã hoàn tất việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) KCN Mỹ Phước I và KCN Mỹ Phước II; đã thẩm định và phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) KCN Việt Nam - Singapore III (giai đoạn 2) với diện tích 803,55 ha và Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) KCN Cây Trường với diện tích 700 ha. Ban quản lý cũng đang tiếp tục tổ chức thực hiện lập nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) KCN Đất Cuốc.

Ban Quản lý các KCN tỉnh thăm và làm việc với Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (KCN Mỹ Phước III)
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương thăm và làm việc với Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (KCN Mỹ Phước III)

Bình Dương cũng đang đẩy nhanh xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía Nam của tỉnh sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương định hướng trong thời gian tới sẽ thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, Bình Dương đang tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm xây dựng KCN cơ khí và KCN công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh. KCN cơ khí không chỉ phục vụ lĩnh vực ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Đồng thời, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư các KCN Đại Đăng, Rạch Bắp, Đất Cuốc, Sóng Thần III… để các KCN này vận hành ổn định, tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư.

Ông Mai Hùng Dũng cho biết, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN; chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác hiệu quả cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn FDI mới.

Ngoài những dự án động lực đang được triển khai, Bình Dương tiếp tục thực hiện tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; song song đó hoàn thiện nhiều tuyến đường cấp huyện, kết nối liên vùng và nội vùng, tạo thuận lợi trong thông thương hàng hóa đến sân bay và cảng biển. Bằng nhiều giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng... các KCN tiếp tục là khu vực tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bình Dương tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu, hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Dương: Phát triển hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại, tạo sự bứt phá mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO