Việc chuyển hướng từ đánh bắt tàn lan, đánh bắt tận diệt sang đánh bắt có kiểm soát và phát triển nuôi biển là hết sức cấp thiết, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.
>>Đột phá kinh tế biển
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (4/6/2024).
Trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển cần đánh giá tác động môi trường kĩ lưỡng, không khai thác tận diệt, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển.
Theo đó, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.
Theo Bộ trưởng, cần ưu tiên bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, không khai thác tận diệt tài nguyên biển. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng từ đánh bắt tàn lan, đánh bắt tận diệt sang đánh bắt có kiểm soát và phát triển nuôi biển là hết sức cấp thiết, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ về công tác quy hoạch; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng về các cơ chế chính sách thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, nuôi biển, nuôi xa biển…
>>Phát triển kinh tế biển xanh
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Trong nghị quyết 36-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đây cũng là mục tiêu quan trọng thể hiện sự phát triển của kinh tế biển.
Từ Nghị quyết này, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Vừa qua quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương đã được lồng ghép tổ chức thực hiện. Ngoài các khu bảo tồn đa dạng chúng ta phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặt sử dụng đa mục đích, vừa bảo tồn vừa phát triển, vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi trông thủy hải sản.
Hiện nay, Bộ đang tích cực thực hiện các nghị quyết của Trung ương về các chiến lược thực hiện những mục tiêu này.
Liên quan đến hoạt động lấn biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần phải được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học.
Có thể bạn quan tâm
12:30, 03/06/2024
03:30, 30/05/2024
17:58, 20/04/2024
20:42, 12/04/2024
12:45, 12/02/2024