Chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, bảo đảm thương mại cân bằng, bền vững và không ảnh hưởng các cam kết quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, diễn ra sáng 6/5/2025.
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm 2025 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5, đến hết quý II và thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp. Đánh giá khái quát, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái và cao hơn phương án trước đây, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.
Những kết quả đạt được là cơ bản, quan trọng, song Thủ tướng cho rằng, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn do mục tiêu này đang gặp thách thức hơn bởi một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát trước những biến động bên ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế; đầu tư tư nhân còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4 chỉ đạt 45,6 điểm do tác động ngắn hạn của chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ.
Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng; việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh; nhưng đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dang hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khai mở các thị trường mới; đồng thời vừa là "thước đo", vừa là cơ hội, có thêm kinh nghiệm để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Tinh thần đặt ra là kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược - đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đồng thời yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch các địa phương trước mắt phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, công việc được giao để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra.
Thứ hai, tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp.
Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả việc sắp xếp địa giới hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, thực sự chuyển trạng thái từ bị động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự lực, tự cường; hoàn thiện, rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn sáp nhập; rà soát lại toàn bộ việc phân cấp, phân quyền của ngành mình và đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phân cấp, phân quyền, những gì làm được thì làm ngay.
Thứ tư, tổ chức thực hiện hiệu quả "bộ tứ chiến lược" theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị; khẩn trương trình Quốc hội Nghị quyết và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai các nghị quyết 66, 68 của Bộ Chính trị.
Thứ năm, tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ với phương châm "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ" và trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Khẩn trương ký kết, triển khai các hợp đồng, mua bán hàng hóa với phía Hoa Kỳ.
Tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 5/5/2025, Thủ tướng cho biết phiên đàm phán đầu tiên với Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2025.
Thứ sáu, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó lưu ý tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng chống buôn lậu, thao túng, găm hàng, lợi dụng tình hình, Bộ Công an cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hình sự; các cơ quan khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng.
Thứ bảy, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các bộ, cơ quan, địa phương lưu ý đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội. Bộ Công Thương chủ trì đẩy mạnh xuất khẩu và đàm phán, mở rộng các thị trường mới; kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP. Bộ Xây dựng tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đôn đốc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tám, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bộ Tài chính chủ trì phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; phát huy vai trò các đoàn công tác, tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao. Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ chín, thực hiện tốt chính sách ưu đãi visa, mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp để tăng cường thu hút du khách; sửa đổi Luật Quốc tịch.
Thứ mười, tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài; tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm đưa vào triển khai hơn 2,2 nghìn dự án; đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết 170/2024/QH15.
Thứ mười một, chú trọng các lĩnh vực văn hoá; phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, phát huy sức mạnh nội sinh.
Chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh và Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp này; đặc biệt là chuẩn bị lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chuẩn bị khởi công 80 công trình, dự án lớn trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.
Thứ mười hai, Bộ Xây dựng chủ trì đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt phong trào thi đua"Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025".
Thứ mười ba, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hoàn thiện Tờ trình, báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về giáo dục đào tạo. Bộ Y tế tập trung hoàn thiện Tờ trình, báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, công tác dân số và phát triển.
Thứ mười bốn, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đặc biệt chú trọng chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và triển khai hiệu quả các cam kết.
Thứ mười lăm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông đặc biệt chú trọng truyền thông chính sách, tổ chức thực hiện phong trào thi đua thực chất, hiệu quả, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, tạo sức lan toả, đồng thuận xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.