Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok bất ngờ cho biết sẽ rời ghế CEO vào cuối năm nay vì cho rằng mình thiếu một số kỹ năng để trở thành một giám đốc điều hành giỏi.
Sự phổ biến của ứng dụng chia sẻ video Tiktok đã giúp cho nhà sáng lập Zhang Yiming ghi tên mình vào top những tỷ phú của Trung Quốc.
Tránh số phận như Jack Ma?
ByteDance - được thành lập vào năm 2012 - là công ty Internet đầu tiên của Trung Quốc vươn tầm toàn cầu. TikTok của ByteDance đã đạt thành công về cả thương mại lẫn tầm ảnh hưởng văn hóa mà chưa một tập đoàn Trung Quốc nào làm được ở bên ngoài đất nước.
Đang đứng ở đỉnh cao của sự nghiệp nhưng vừa qua, ông Zhang cho viết sẽ không còn làm CEO vào cuối năm nay và chuyển sang giữ vai trò chiến lược trong công ty vào cuối năm 2021.
Trong thư gửi nhân viên được công ty tiết lộ hôm 20.5, ông Zhang bày tỏ: "Vẫn còn nhiều điều chúng tôi cần cải thiện, tôi nghĩ rằng ai đó khác có thể làm tốt hơn trong những lĩnh vực như cải thiện quản lý hằng ngày. Sự thật là tôi thiếu một số kỹ năng để trở thành một người quản lý lý tưởng".
Ông viết: "Tôi thích phân tích các nguyên tắc tổ chức thị trường và vận dụng những lý thuyết này để giảm bớt công việc quản lý hơn là đích thân quản lý con người. Tôi cũng không phải người xã giao, tôi thích các hoạt động một mình như lên mạng, đọc sách, nghe nhạc, mơ mộng về các khả năng".
Theo New York Times, ông Zhang từ chức trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh đang siết chặt giám sát các công ty Internet lớn, từ Alibaba, Tencent, Meituan cho đến ByteDance. Đây là lý do một số ông chủ doanh nghiệp Internet muốn lui về phía sau để tránh sự chú ý quá lớn của chính quyền.
Tỷ phú Ma lần lượt từ chức giám đốc điều hành và chủ tịch điều hành Alibaba vào năm 2013 và 2019. Nhưng kể cả như vậy, ông vẫn là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất đất nước tỷ dân. Chỉ đến khi Bắc Kinh "xử lý" Alibaba và Ant Group, Jack Ma mới hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Mã Hóa Đằng - ông chủ Tencent Holdings - từng vươn lên vị trí số một trên danh sách tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Và Tencent đã bị đưa vào danh sách điều tra vì các hoạt động fintech (công nghệ tài chính) và sáp nhập.
Nguồn tin Bloomberg cho biết ông Mã Hóa Đằng cũng tình nguyện đến gặp cơ quan quản lý Trung Quốc để trao đổi về việc tuân thủ những quy định chống độc quyền.
Năm 2020, ông Hoàng Tranh - nhà sáng lập Pinduoduo - cũng từ chức CEO công ty. Khoảng 8 tháng sau, ông rời bỏ vị trí chủ tịch. Trước đó, ông Hoàng đã quyên góp hơn 10% cổ phần tại Pinduoduo cho các hoạt động từ thiện và nghiên cứu khoa học. Tổng giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập Pinduoduo do đó giảm hơn 10 tỷ USD.
"Ở Trung Quốc, việc quá giàu có có thể dẫn tới những rủi ro bất ngờ. Các đại gia từng đứng đầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc - từ doanh nhân bất động sản đến tỷ phú công nghệ - đều đối mặt với không ít rắc rối", Bloomberg nhận định.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, ông Zhang Yiming hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 44,5 tỷ USD. Ông đứng thứ 31 trong danh sách tỷ phú toàn cầu và là một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Thời điểm hiện tại, ByteDance đang chuyển hướng tấn công mạnh thị trường thương mại điện tử. Công ty này càng mở rộng tầm ảnh hưởng, vị thế và cả tài sản của Zhang Yiming sẽ càng lớn, và rất có thể sự chú ý của chính quyền Trung Quốc với nhà sáng lập ByteDance sẽ càng tăng cao.
Do đó, nhiều nhà quan sát cho rằng việc thoái lui là nước cờ khôn ngoan của Zhang để hạn chế những rắc rối sau này. "Sự thật là tôi thiếu một số kỹ năng để trở thành nhà quản lý lý tưởng", ông Zhang viết trong thông báo từ chức. "Tôi không phải người thích quan hệ xã hội. Tôi thích ở một mình lướt mạng, đọc sách, nghe nhạc và mơ mộng về tương lai".
Bất chấp những rắc rối với chính quyền Mỹ, ByteDance vẫn tiếp tục mở rộng đế chế của mình dưới thời ông Zhang Yiming.
Dấu ấn của Zhang
"Cha đẻ" của TikTok, ông Zhang Yiming, sinh năm 1983 tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, có cái tên mang ý nghĩa “khiến mọi người bất ngờ ngay từ nỗ lực đầu tiên”.
Ông từng làm việc tại Microsoft trước khi thành lập ByteDance. Công ty mẹ của TikTok ra đời năm 2012 và hiện có giá trị khoảng 250 tỷ USD, là công ty tư nhân lớn nhất thế giới. Không chỉ sở hữu TikTok, ByteDance còn có trong tay một số ứng dụng mạng xã hội khác tại Trung Quốc, chẳng hạn FlipChat, Duoshan.
Zhang giới thiệu TikTok vào tháng 9/2016 dưới cái tên “Douyin”. Năm 2020, Business Insider đưa tin TikTok là ứng dụng iOS số 1 nước Mỹ (không tính game). Nó là một trong các mạng xã hội phổ biến nhất trong giới trẻ Mỹ, được tải hơn 1 tỷ lượt. Hiện tại, phiên bản Trung Quốc vẫn giữ tên Douyin, còn phiên bản quốc tế là TikTok.
Sự phổ biến của TikTok trên toàn cầu khiến cuộc sống của ông trở nên thú vị hơn. Ông muốn ứng dụng tiếp tục tăng trưởng và kỳ vọng ByteDance có thể hoạt động không biên giới như Google. Để làm được điều đó, ông Zhang nói “phải chăm chỉ hơn, phải hoàn hảo hơn…. Doanh nhân Trung Quốc phải cải thiện khả năng khi họ đi ra thế giới”.
Dù vậy, ảnh hưởng ngày một lớn của TikTok lại đặt ra nhiều lo ngại từ phía nhà chức trách Mỹ. Tháng 7/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cấm TikTok vì nguy cơ bảo mật, buộc ByteDance phải đàm phán bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho các người mua tiềm năng. Sự việc khiến ông Zhang bị mạng xã hội Trung Quốc tấn công, gọi ông là kẻ phản bội, hèn nhát. Dù vậy, ByteDance cuối cùng không ký kết thỏa thuận nào sau khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.
Thành công ngày hôm nay của ông Zhang gắn liền với đạo đức làm việc của mình. Ông Zhang học được giá trị của việc theo đuổi sự xuất sắc khi còn làm công việc đầu tiên.
“Khi đó, tôi phụ trách công nghệ, song khi sản phẩm có vấn đề, tôi cũng chủ động tham gia thảo luận phương án. Nhiều người nói đây là điều tôi không nên làm. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng: tính trách nhiệm của bạn và đam mê làm mọi thứ thật xuất sắc sẽ dẫn dắt bạn làm được nhiều thứ hơn và có thêm kinh nghiệm”.
TikTok trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu và là ứng dụng không phải trong lĩnh vực game được tải nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau WhatsApp và Facebook Messenger.
Trong đợt dịch Covid-19, TikTok chính thức trở thành ứng dụng được cài nhiều nhất hành tinh với 2 tỷ lượt tải.
Sau vòng huy động vốn mới nhất, ByteDance hiện được định giá hơn 100 tỷ USD. Trong năm 2019, công ty này đạt lợi nhuận ròng tới 3 tỷ USD, gấp đôi con số năm 2018.
Gã khổng lồ Internet đang tìm cách tăng doanh thu quảng cáo cho các hoạt động tại Trung Quốc lên 260 tỷ NDT (40 tỷ USD) trong năm 2021. ByteDance cũng đặt mục tiêu tăng tổng giá trị giao dịch hàng hóa thương mại điện tử (GMV) năm nay lên 600 tỷ NDT từ 170 tỷ NDT năm 2020. Douyin muốn có 680 triệu người dùng tích cực hàng ngày, tăng từ 610-620 triệu hồi tháng 3.
Các mục tiêu “khủng” cho thấy tham vọng vượt qua những tên tuổi lớn nhất Trung Quốc như Alibaba, Tencent của ByteDance. ByteDance đã kích hoạt các hoạt động để IPO một số bộ phận kinh doanh chính, bao gồm Douyin và lựa chọn giữa Mỹ hoặc Hong Kong.
Nếu ByteDance đạt được mục tiêu doanh thu, chi nhánh Trung Quốc sẽ làm được điều mà Facebook mất 13 năm mới hoàn thành chỉ trong 9 năm. Với doanh thu 40 tỷ USD, mảng quảng cáo của ByteDance sẽ cao gấp đôi của YouTube.
Có thể bạn quan tâm
Youtube bỏ ra 100 triệu đô để lôi kéo người có tầm ảnh hưởng của TikTok
04:08, 15/05/2021
Crocs và TikTok - “sinh ra để cho nhau”!
05:00, 05/05/2021
Snack: Khi Tinder kết hợp cùng Tiktok
05:08, 21/04/2021
Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam: Luật Thương mại điện tử cho chúng tôi có rất nhiều quyền
05:03, 24/03/2021