Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Góc nhìn từ thực tiễn

Diendandoanhnghiep.vn “Chất” đảng viên là khung khổ tuyệt vời để những người làm kinh doanh tự răn mình, tránh trượt ngã bởi cám dỗ vật chất, vững bước trên thương trường.

Một thập kỷ rưỡi cho thấy, Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28/8/2006, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về đảng viên làm kinh tế tư nhân, là một quyết sách hoàn toàn đúng đắn.

“Chất” đảng viên trong kinh tế

Thật trùng hợp, hai đảng viên trẻ mà tôi tiếp xúc đều là những người sinh ra từ những vùng quê rất nghèo ở tỉnh Quảng Trị. Kinh doanh thì vẫn kinh doanh, sinh hoạt chi bộ vẫn đều đặn, cùng với đó là cách nói chuyện, làm việc chỉnh chu, khiêm nhường, từ tốn rất… đảng viên.

Anh Nguyễn Đặng Tôn Cảnh ở Triệu Sơn - Triệu Phong - Quảng Trị tốt nghiệp Thạc sĩ loại ưu, mấy năm làm việc cho một công ty Hồng Kông ở TP HCM, thu nhập ổn, đãi ngộ tốt, môi trường năng động nhưng nghề truyền thống 3 đời của gia đình sắp sửa mai một nếu không có người nối nghiệp.

Đảng viên Nguyễn Đặng Tôn Cảnh và giấc mơ làm giàu liêm chính

Đảng viên Nguyễn Đặng Tôn Cảnh và giấc mơ làm giàu liêm chính (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nghĩ vậy, Cảnh bỏ phố về quê, tiếp quản xưởng bún của gia đình. Trẻ, có kiến thức, giàu nhiệt huyết, chàng thanh niên đã làm thay đổi nghề bún của quê hương, mở thương hiệu, đăng ký bản quyền, phát triển thị trường ra ngoại tỉnh, có triết lý hẳn hoi.

Không chờ tôi hỏi, Cảnh mở lời, vào đảng rèn cho mình tính kỷ luật, làm gì cũng phải cẩn thận, suy xét thiệt hơn không chỉ cho mình mà còn giữ hình ảnh cho chi bộ, hài hòa cá nhân và tập thể, cố gắng làm gương trước quần chúng.

Áp quy chuẩn đảng viên vào công việc kinh doanh, chàng trai sinh năm 1991 tâm sự, ngành nghề sản xuất thực phẩm của mình khá nhạy cảm, vấn nạn thực phẩm “bẩn”, buôn gian bán lận là một dạng suy thoái đạo đức trầm trọng rất đáng lên án loại bỏ.

Chỉ có con đường kinh doanh liêm chính mới vững bền, nhiều khi phải tiết chế lợi ích cá nhân để không phương hại đến cộng đồng. Sản phẩm của mình phục vụ sức khỏe hằng ngày nên cần có cái tâm, với phương châm lợi cho mình là lợi cho xã hội.

Nâng cấp nghề truyền thống, một nhà xưởng rộng lớn đang được anh Cảnh xây dựng trong cụm công nghiệp

Nâng cấp nghề truyền thống, một nhà xưởng rộng lớn đang được anh Cảnh xây dựng trong cụm công nghiệp (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Không công tác trong cơ quan nhà nước, được kết nạp đảng là vinh dự đồng thời rất thuận lợi cho công việc kinh doanh của Cảnh, "nhờ đó tôi hiểu thêm chính sách, chủ trương của đảng, đường lối, pháp luật của nhà nước, nhất là pháp luật về kinh doanh, thương mại" - Cảnh nói.

Cô Diệu Linh, điều hành công ty TNHH Hoàng Mây ở Hải Thượng - Hải Lăng - Quảng Trị là một công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã, gần 10 năm tuổi đảng, nhiều năm lăn lộn với thương trường. Người biến cây tràm hoa vàng mọc trên cát trắng thành tinh dầu thơm phức ở mọi nghĩa và tạo ra việc làm, thu nhập từ may mặc công nghiệp.

Xưởng may mới đi vào hoạt động của công chức Diệu Linh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xưởng may mới đi vào hoạt động của công chức Diệu Linh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Suy nghĩ đầu tiên của nữ giám đốc trẻ tuổi là “kinh doanh gương mẫu” tròn vai một người hưởng lương ngân sách, kinh doanh là quan trọng nhưng trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ được giao tại cơ quan.

Tôi cũng bắt gặp “chất” đảng viên trong người phụ nữ này, điều hành hàng chục công nhân, Diệu Linh quan điểm đơn giản trong đối nhân xử thế với người lao động, hãy lịch sự, nhẹ nhàng, gần gũi, tôn trọng, chia sẻ, vì mình là cán công chức, là đảng viên.

Kinh doanh liêm chính

Hai điển hình trên tuy còn khiêm tốn so với hàng vạn đảng viên đang kinh doanh, sản xuất khắp mọi miền đất nước, nhưng đó là hình ảnh phản chiếu trung thực và khách quan từ cơ sở chứng minh tính đúng đắn của Quy định số 15-QĐ/TW.

Quả thật, “chất” đảng viên là khung khổ tuyệt vời để những người làm kinh doanh tự răn mình, tránh trượt ngã bởi cám dỗ vật chất, vững bước trên thương trường. Thực tiễn từ các vụ án kinh tế bị phanh phui cho thấy, những người phạm pháp đều “bỏ quên” đạo đức cá nhân, trách nhiệm cộng đồng, không thắng được dục vọng.

Thương trường là chiến trường, bởi vậy, ở đó có cuộc chiến nảy lửa vì lợi ích kinh tế, vì sự tồn vong, thành bại, vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”; giữa nền kinh tế thị trường đầy rẫy mâu thuẫn đan xen, chằng chéo; sự nhập nhoạng trong buổi bình minh quá độ ắt để lộ những kẻ hở dễ bị kẻ xấu lợi dụng, nối đuôi xuyên tạc, đơm đặt.

TS Vũ Tiến Lộc - kinh doanh liêm chính là giấy thông hành

TS Vũ Tiến Lộc: "Kinh doanh liêm chính là giấy phép thông hành tham gia hội nhập kinh tế quốc tế".

Kinh doanh liêm chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đi trước hãy là đảng viên và đạo đức người cộng sản, nó chẳng xa xôi, mà đó chính là nền tảng đạo đức xã hội, truyền thống dân tộc rất gần gũi như cơm ăn nước uống.

Tính liêm chính và minh bạch trong kinh doanh cũng là thông lệ quốc tế, không liêm chính thì không thể hội nhập, tự khu biệt mình với thị trường toàn cầu, nói như nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc “kinh doanh liêm chính là giấy phép thông hành tham gia hội nhập kinh tế quốc tế”.

Kinh tế tư nhân được nâng cấp thành “một động lực quan trọng của nền kinh tế” là bước chuyển phù hợp, song cần có lớp “doanh nhân đảng viên” cầm cương để tránh rơi vào tư hữu, tư bản - nguồn cơn sinh ra bóc lột, bất công như lý thuyết Marx-Lenin chỉ ra.

Vài vấn đề lý luận

Lenin đúc kết: “Vì chúng ta chưa có điều kiện để chuyển trực tiếp từ nền tiểu sản xuất lên chủ nghĩa xã hội, bởi vậy, trong một mức độ nào đó, chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi, nó là sản vật tự nhiên của nền tiểu sản xuất và trao đổi; bởi vậy, chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản”.

Thứ nhất, trong quá trình làm kinh tế đảng viên khó tránh khỏi những tác động tiêu cực về mặt tư tưởng bởi cám dỗ vật chất: Xa rời đảng, xa rời tổ chức, coi trọng phạm trù “kinh tế” mà bỏ quên “chính trị”, phai nhạt lý tưởng, hiện tượng cán bộ, đảng viên rời khu vực công qua khu vực tư ngày một nhiều, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, suy thoái biến chất. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khuyến cáo tình trạng “nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị”.

Đại hội VI là bước ngoặt đổi mới (Ảnh tư liệu)

Đại hội VI là bước ngoặt đổi mới (Ảnh tư liệu)

Thứ hai, nhanh chóng làm rõ luận điểm và nhất quán mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phải đảm bảo yếu tố “định hướng” đồng thời tôn trọng quy luật khách quan trong kinh tế thị trường. Giải quyết một cách biện chứng mối quan hệ giữa “kinh tế” và “chính trị”, “vật chất” và “ý thức”, “cá nhân” và “tập thể”, “chủ quan” và “khách quan”, “cái chung” và “cái riêng”…

Thứ ba, đặt ra yêu cầu cao hơn với công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng chỉnh đốn đảng hiện nay, đòi hỏi đảng phải nhạy bén hơn trong quản lý Đảng viên, đổi mới phương thức sinh hoạt, học tập trau dồi lý luận, tư tưởng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Góc nhìn từ thực tiễn tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713419777 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713419777 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10