Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Bước tiến của lý luận trên con đường thực tiễn

Diendandoanhnghiep.vn Trong vòng 30 năm, Đảng chuyển tư duy từ tách biệt với Chủ nghĩa tư bản sang hợp tác và phát triển, cạnh tranh song trùng là bước tiến dài về mặt lý luận.

Trải qua chặng đường hơn sáu thập kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với chặng đường đầy biến động của tình hình trong nước và quốc tế làm phát sinh nhiều vấn đề quyết định đến sự tồn vong của chế độ. Nhưng có thể khẳng định, Đảng đã tìm ra lời giải cho bài toán khó.

Bước tiến của lý luận

Từ Nghị quyết Trung ương 5 khoá VI (1988) “cánh cửa” Đảng viên làm kinh tế tư nhân được hé mở. Bắt đầu cho phép Đảng viên đóng góp cổ phần vào các đơn vị kinh tế tập thể và kinh tế quốc doanh. Đến sau Hội nghị BCH TW lần thứ 3 khóa X (2006) Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký ban hành Quyết định số 15-QĐ/TW tạo hành lang pháp lý cho Đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Mác, Ăngghen cũng như Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông không phải là cái đã xong xuôi, bất biến, không phải là giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Mác đã xây dựng nên học thuyết của mình bắt nguồn từ việc nghiên cứu, tiếp thu một cách chọn lọc những tinh hoa về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của nhân loại mà trực tiếp là ba nguồn tư tưởng ở thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX ở Tây Âu.

Vì vậy, việc bổ sung phát triển lý luận là công việc thường xuyên và cần kíp, trước hết là của các chính Đảng cộng sản. Giải quyết vấn đề Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân hay không cũng chính là đáp ứng yêu cầu phát triển củng cố lý luận với tư cách là tấm gương phản chiếu thực tiễn xã hội vận động không ngưng nghỉ.

Các nhà kinh điển đã chỉ rõ hai đặc trưng nhận diện của hai chế độ chủ nghĩa tư bản (TBCN) và CNXH là “sở hữu tư nhân” và “sở hữu tập thể” tư liệu sản xuất. Vì khi nghiên cứu CNTB ở Châu Âu, Mác và Ăngghen rút ra kết luận, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của bóc lột và bất công xã hội.

Sẽ là máy móc nếu áp dụng một cách rập khuôn, muốn triệt tiêu bóc lột bất công thì đập tan chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tùy thời điểm phải dựa vào CNTB để đạt được mục tiêu quá độ. Trước đây Đảng viên không được làm kinh tế vì quan ngại sự manh nha của tư hữu, tư nhân sẽ là mầm mống làm chệch đường lối chủ trương.

Đại hội lần thứ VI đánh dấu quá trình đổi mới tư duy lý luận (Ảnh: Tư liệu)

Đại hội lần thứ VI đánh dấu quá trình đổi mới tư duy lý luận (Ảnh: Tư liệu)

Lênin đúc kết: “Vì chúng ta chưa có điều kiện để chuyển trực tiếp từ nền tiểu sản xuất lên chủ nghĩa xã hội, bởi vậy, trong một mức độ nào đó, chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi, nó là sản vật tự nhiên của nền tiểu sản xuất và trao đổi; bởi vậy, chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản [i].

Thời kỳ quá độ lên CNXH là tất yếu khách quan, các nhà kinh điển chỉ ra hai con đường: con đường trực tiếp từ CNTB lên CNXH; con đường gián tiếp từ tiền CNTB lên CNXH. Chúng ta đang đi theo con đường gián tiếp, bỏ qua một cách biện chứng CNTB. Với học thuyết hình thái - kinh tế xã hội, Mác và Ăngghen xem sự phát triển xã hội loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Đúng như Đảng ta vận dụng. “theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.

Vậy nên không thể không có những giai đoạn song trùng tương hỗ với CNTB trong quá trình đi lên XHCN. Nếu trước đây những người cộng sản luôn có cái nhìn phiến diện, siêu hình với thế giới tư bản thì ngày nay Đảng đã đúng đắn khi mở toang quan điểm “hợp tác, cạnh tranh luôn đi đôi với nhau”. Đó là con đường giúp chúng ta tiệm cận và tận dụng những lợi thế mà CNTB đã tạo ra. Giữa thế kỷ XIX Mác và Ăngghen nhận thấy, CNTB tuy ra đời và tồn tại chưa đầy 100 năm nhưng tạo ra lượng của cải vật chất khổng lồ bằng tất cả các thế hệ trước gộp lại.

Trong vòng 30 năm, Đảng chuyển tư duy từ tách biệt với CNTB sang hợp tác và phát triển, cạnh tranh song trùng là bước tiến dài về mặt lý luận. Ngoài chủ trương cho phép Đảng viên làm kinh tế tư nhân là sự đóng góp rất lớn từ nguồn vốn FDI trong xây dựng đất nước, không ngại học tập cung cách quản lý hiện đại chuyên nghiệp của CNTB.

Phù hợp với sự vận động của thực tiễn

Trong tiến trình đổi mới tư duy, Đảng viên được làm kinh tế tư nhân hay không là một trong những vấn đề được xem xét thận trọng. Xung quanh câu trả lời có hay không, tồn tại hai luồng ý kiến. Nếu câu trả lời là không, tức là phủ định sạch trơn yếu tố tích cực của CNTB; nếu câu trả lời là có thì phải chứng minh được sự đổi mới của Đảng hoàn toàn đúng đắn, khoa học, phù hợp với sự vận động của thực tiễn.

Trong quá trình xây dựng XHCN, một vài “căn bệnh” được tổng kết là “chủ quan, nóng vội, duy ý chí”. Vội vàng xác lập quan hệ sản xuất XHCN trong khi lực lượng sản xuất chưa theo kịp. Khủng hoảng giữa “Quan hệ sản xuất và lực Lượng sản xuất” một lần nữa đặt ra bài toán. Đổi mới hay tiếp tục trì trệ? Đại hội VI - Đại hội đổi mới tư duy (1986) đã tháo gỡ nhiều nút thắt.

Hai năm sau Đại hội đổi mới, Bộ Chính trị quyết định ban hành Nghị quyết 10 trong nông nghiệp, gọi tắt là “khoán 10”. Những năm sau đó ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông dân hăng say với ruộng đồng, đến những năm cuối thập niên 90 Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.

Hơn một thập kỷ từ khi Quyết định 15-QĐ/TW đi vào cuộc sống, hàng trăm nghìn Đảng viên trở thành ông chủ doanh nghiệp tư nhân, đóng góp không nhỏ cho sự thịnh vượng của đất nước. Rất nhạy bén, sau Hội nghị BCH TW lần thứ 5 khóa XII (2017), Bộ Chính trị đã “nâng cấp” kinh tế tư nhân bằng Nghị quyết “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân tạo động lực lớn cho sự phát triển (Ảnh: internet)

Kinh tế tư nhân là một trong những động lực lớn thúc đẩy phát triển

Trong quá khứ bước tiến pháp lý đầu tiên là Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty được Quốc hội thông qua, trong vòng 10 năm kể từ khi hai đạo luật này ra đời có khoảng 40.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Bước nhảy vọt kể từ năm 1999 khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế tư nhân, mỗi năm luôn có 25 đến 30 ngàn doanh nghiệp được thành lập, đến nay con số khoảng 100 ngàn.

Hiện nay, khu vực tư nhân có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp trên 40% GDP và 39% vốn đầu tư toàn xã hội, theo một thống kê sơ bộ, cứ 10 người lao động thì khoảng 8 - 9 người làm việc trong khu vực này. Hiệu quả sử dụng vốn trong khu vực kinh tế tư nhân (chỉ số ICOR) cao hơn 1,2 lần so với các khu vực khác và 1,9 lần so với khu vực nhà nước.

Kinh tế tư nhân vẫn còn dư địa rất lớn để đóng góp cho nền kinh tế, giải phóng động lực sáng tạo của cá nhân luôn là cách làm đúng trong mọi hoàn cảnh. Trong tác phẩm “Góp phần phê phán khoa Kinh tế chính trị”, Mác viết: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”.

Lịch sử cho thấy những người cộng sản xuất sắc như Mác, Ăngghen, sau này là Lênin, Hồ Chủ tịch, Trần Phú, Lê Hồng Phong đều là những điển hình hoạt động thực tiễn nhiệt huyết, thâm nhập vào đời sống giai cấp công nhân. Ngày nay trong bối cảnh mới, những người Đảng viên vẫn phải hoạt động thực tiễn bằng phương cách tiếp cận mới.

Sự vận động của thực tiễn cho phép rút ra lý luận rằng, quan điểm coi CNXH và CNTB ngăn cách bởi vực thẳm hoàn toàn lỗi thời. CNTB không phải là vật cản trên con đường đến XHCN mà đó là một tiền đề tốt nếu chúng ta biết cách phủ định biện chứng, gạn đục khơi trong.

Đảng viên cần nhất "vừa hồng, vừa chuyên"

Tư duy lý luận của Đảng ta đã vượt ra ngoài khuôn khổ bó hẹp như cách đây vài thập kỷ. Việc cho phép Đảng viên làm kinh tế tư nhân là phù hợp với những gì các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin từng khái quát, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới. Song, bên cạnh đó Đảng vẫn phải đối mặt nhiều vấn đề.

Thứ nhất, trong quá trình làm kinh tế tư nhân Đảng viên khó tránh khỏi những tác động tiêu cực về mặt tư tưởng bởi cám dỗ vật chất: Xa rời Đảng, xa rời tổ chức, coi trọng phạm trù “kinh tế” mà bỏ quên “chính trị”, phai nhạt lý tưởng, hiện tượng cán bộ, Đảng viên rời khu vực công qua khu vực tư ngày một nhiều, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, suy thoái biến chất. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khuyến cáo tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.

Thứ hai, nhanh chóng làm rõ luận điểm và nhất quán mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phải đảm bảo yếu tố “định hướng” đồng thời tôn trọng quy luật khách quan trong kinh tế thị trường. Giải quyết một cách biện chứng mối quan hệ giữa “kinh tế” và “chính trị”, “vật chất” và “ý thức”, “cá nhân” và “tập thể”, “chủ quan” và “khách quan”, “cái chung” và “cái riêng”…

Thứ ba, đặt ra yêu cầu cao hơn với công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Đòi hỏi Đảng phải nhạy bén hơn trong quản lý Đảng viên, đổi mới phương thức sinh hoạt, học tập trau dồi lý luận, tư tưởng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Bước tiến của lý luận trên con đường thực tiễn tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711675475 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711675475 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10