Sau khi tính toán lại quy mô GDP tăng 25,4%, tác động là tích cực về mặt hình ảnh của quốc gia.
Theo Tổng cục Thống kê, có 4 nhóm nguyên nhân dẫn đến làm tăng quy mô GDP, bao gồm bổ sung những doanh nghiệp trước đây bị bỏ sót; thống kê thêm giá trị hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) hay giá trị dịch vụ của những cơ quan hành chính sự nghiệp có thu ngoài ngân sách; cập nhật lại phân ngành kinh tế. Điều này làm GDP và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trên sổ sách tăng lên.
Mang kinh tế chưa quan sát vào GDP
Theo cách tính GDP mới của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng thêm khoảng 15,8% so với cách tính hiện tại, lên 3.000 USD/người/năm. Đây cũng không phải là việc chưa có tiền lệ.
Tôi lấy đơn cử như trước đây, nhà ở tự có không tính vào GDP nhưng từ năm 2014, nhà ở tự có cũng đã được đưa vào để tính GDP.
Ví dụ bạn có 1 ngôi nhà. Nếu như ngôi nhà đó bạn đi thuê thì phải mất 10 triệu đồng/tháng. Thay vì bạn phải trả tiền thuê cho chủ ngôi nhà và nó trở thành thu nhập của người cho thuê, nhưng nếu bạn chính là chủ sở hữu ngôi nhà thì cũng giống như bạn tự trả tiền cho bạn là 10 triệu đồng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê tính toán rằng, giá trị của ngôi nhà đó tạo ra cho bạn bao nhiêu tiền và số tiền này được đưa thêm vào tính GDP và làm gia tăng GDP của nền kinh tế.
Tương tự, theo cách tính mới của Tổng cục Thống kê, cơ quan này sẽ tìm thêm giá trị những hàng hóa và dịch vụ trước đây chưa được quan sát, hoặc quan sát chưa đầy đủ, để tính vào GDP.
Đấy là còn chưa tính đến hàng hóa và dịch vụ được tạo ra bởi khu vực phi chính thức như con gà, mớ rau mà các gia đình đang tự sản xuất, tự tiêu dùng. Đặc biệt là các gia đình nông thôn chẳng hạn, họ tự trồng rau, nuôi con gà, con lợn và tự tiêu thụ. Hay như các hoạt động phi chính thức khác như cắt tóc, bán hàng rong… Nếu ước tính được giá trị của những hoạt động này thì Tổng Cục Thống kê cũng có thể đưa vào GDP trong thời gian tới.
Những yếu tố sẽ thay đổi khi cách tính GDP mới
Thu nhập bình quân đầu người theo cách tính mới tăng từ 2.590 USD lên 3000 USD (~15,8%). Với dân số hiện nay vào khoảng 97,53 triệu người thì quy mô GDP của cả nền kinh tế tăng từ 253 lên 293 tỷ USD (tăng 40 tỷ USD).
Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam sẽ cải thiện được vài thứ bậc về mặt hình ảnh trên bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người các nước của Ngân hàng Thế giới. Ví dụ như Việt Nam sẽ vượt qua Lào (năm 2018 GDP/người của Lào là 2.568 USD còn của Việt Nam là 2.564 USD), hay Papua New Guinea (2723 USD) và tiến sát mức của Phillipines hay Ukraine.
Đồng thời, nợ công sẽ giảm từ 58,4% GDP hiện nay xuống còn khoảng dưới 50% GDP mới, nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 46,0% GDP hiện nay xuống còn dưới 40,0% GDP mới. Xếp hạng tín nhiệm của quốc gia cũng theo đó mà tăng lên. So với trần nợ công 65% GDP thì Chính phủ còn rất nhiều dư địa để vay nợ.
Sử dụng GDP mới để tính toán cũng có thể làm giảm thặng dư tài khoảng vãng lai/GDP và can thiệp mua vào ngoại tệ/GDP, hai trong ba tiêu chí mà chính quyền Mỹ đang sử dụng để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ để từ đó trừng phạt thương mại.
Không chỉ có thế, với mức GDP cao hơn hệ thống tài chính – tiền tệ của Việt Nam có vẻ như sẽ lành mạnh hơn bởi các chỉ tiêu như tỷ lệ tín dụng, cung tiền, nợ xấu… tính theo tỷ trọng với GDP mới sẽ giảm xuống.
Có thể bạn quan tâm
05:02, 17/10/2019
07:00, 16/10/2019
05:00, 01/10/2019
05:00, 26/09/2019
05:00, 25/09/2019
05:00, 24/09/2019
05:00, 23/09/2019
05:00, 23/09/2019
Không làm thay đổi an toàn nợ công
Việc đánh giá lại tác động của GDP còn được kỳ vọng sẽ làm thay đổi an toàn về nợ công.
Tuy nhiên, tôi cần phải nhấn mạnh rằng, đó chỉ là con số trên sổ sách, còn thực tế nền kinh tế hiện tại của Việt Nam như thế nào thì vẫn như thế. Chính vì vậy, khi GDP tăng lên theo cách tính mới nếu chúng ta không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, xã hội thì về mặt pháp lý, Việt Nam sẽ được tăng khả năng vay nợ.
Tính toán lại GDP không đồng nghĩa với việc khả năng thu ngân sách tăng lên bởi việc làm đó không làm thay đổi số doanh nghiệp hay cơ sở thuế trong nền kinh tế. An toàn nợ không chỉ tính theo GDP mà còn dựa vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt thu ngân sách của Chính phủ. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào việc Chính phủ sử dụng đồng vốn vay đó như thế nào. Trước khi điều chỉnh hay sau khi điều chỉnh GDP thì khả năng trả nợ và an toàn nợ của Việt Nam không thay đổi; Con số tuyệt đối của khoản nợ Việt Nam đang gánh cũng không hề mất đi hay giảm bớt; Khả năng thu ngân sách không hề tăng thêm. Vì vậy, nếu sau khi GDP được điều chỉnh tăng thêm, chúng ta tiếp tục vay nợ thì khả năng an toàn nợ sẽ kém đi.
Tóm lại, phương pháp tính mới hay phương pháp tính cũ không làm thay đổi an toàn nợ công bởi vì thu nhập của nền kinh tế, của Chính phủ như thế nào trước đây thì nay vẫn thế, không có tăng thêm đồng nào, chỉ khác ở con số ghi chép trên sổ sách.
GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau. Điều cần là làm sao tăng chất lượng GDP để nền kinh tế mạnh lên, chất lượng cuộc sống của người dân tăng cùng với sự gia tăng quy mô nền kinh tế. Kinh nghiệm của Đan Mạch, Thụy Điển, Đức… cho thấy điều đó.
PGS. TS. Phạm Thế Anh nhận bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ Kinh tế tại Trường Đại học Tổng hợp Manchester, Anh quốc. Hiện tại, Ông là Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, giảng dạy các môn học Kinh tế Vĩ mô và Kinh tế lượng Vĩ mô ở các cấp bậc đại học và sau đại học. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm tăng trưởng kinh tế, giá cả, tài chính công và các chính sách kinh tế vĩ mô. |