Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Để “triệt” được biệt thự bỏ hoang nói riêng và nạn đầu cơ nhà đất nói chung, các chuyên gia cho rằng tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất.
Thành phố Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp đang có dự án còn hơn 100 căn biệt thự bỏ hoang tại phía Tây Hà Nội thì phân nửa số biệt thự hiện xây thô, bỏ hoang trong dự án đã được bán từ thời điểm cách đây cả chục năm.
"Bản thân doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ai chẳng muốn bán nhanh hết hàng, số phân nửa biệt thự còn đó là cả vốn và lời lãi của chúng tôi, sau bấy nhiêu năm, lãi mẹ đẻ lãi con, thu hồi vốn còn khó chứ chưa nói đến việc mong có lãi. Nếu bây giờ nhà nước thu thuế chúng tôi không biết lấy tiền đâu ra trả, biệt thự không bán được, dù có những mảng kinh doanh khác nhưng cũng đang điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19" - vị lãnh đạo này chia sẻ.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng giám đốc công ty Tấc Đất Tấc Vàng cho rằng việc tính thuế với biệt thự, nhà ở bỏ hoang nhằm hạn chế sự lãng phí về nhà, chống sự đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, nguồn cơn sâu xa của việc đầu cơ, sự lãng phí là do những bất cập về chính sách quản lý nhà ở, quản lý thị trường bất động sản của Nhà nước chứ không phải là do vài trăm căn biệt thự này.
"Khi có lệnh cấm phân lô bán nền, các doanh nghiệp buộc phải xây dựng nhà thô để bán. Việc người dân mua căn nhà để ở, cho thuê, bán lại hoặc để không là quyền của họ – quyền sử dụng và định đoạt tài sản. Không thể dùng một mệnh lệnh hành chính để ép người dân phải sử dụng tài sản thế này hay thế kia" - ông Tuấn chia sẻ.
Ở góc độ khác, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng các doanh nghiệp hiện đang rất băn khoăn về việc thế nào là biệt thự bỏ hoang.
Theo ông Điệp một dự án nhà ở phải đầu tư dài hạn, có thể kéo dài 3-5 năm, thậm chí 10 năm mới xong nên quá trình mua bán và hoàn chỉnh nhà ở cũng kéo dài bởi nó liên quan đến hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật rất lớn. Nhiều khi người mua nhà phải chờ hạ tầng xã hội xong mới có thể ở được. Do đó, cần làm rõ khái niệm thế nào là bỏ hoang trước khi nói đến việc đánh thuế.
Đối với việc đánh thuế hoặc xử phạt chủ sở hữu nhà, biệt thự bỏ hoang, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng việc dùng chính sách thuế để chống đầu cơ, chống lãng phí tài sản nhà đất là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các chính sách ấy đều phải có lộ trình, thời gian để các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư thứ cấp chuẩn bị và thích ứng.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để “triệt” được biệt thự bỏ hoang, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất. Ở nước ngoài, người ta đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế cao. Như vậy không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê.
"Ở ta cũng nên tăng thuế nhà đất vì với nền kinh tế thị trường không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần. Cần đánh thuế nhà đất ở mức 1%/năm. Thuế nhà đất như hiện nay chỉ ở mức 0,15% giá trị nhà đất không thể chống được đầu cơ” - GS-TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của một chuyên gia bất động sản với Diễn đàn Doanh nghiệp, thay vì làm một công việc rất tốn kém là xác định được tiêu chí căn nhà ấy thế nào là bỏ hoang, thời gian bỏ hoang... nên áp dụng chính sách đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi như đã từng đề xuất.
"Đơn giản chỉ bổ sung: Nếu đứng căn nhà thứ ba thì thuế sẽ cao hơn căn nhà thứ hai và cứ thế luỹ tiến. Thuế sẽ dần tăng lên đối với những người sử dụng căn nhà có giá trị hơn"- vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
CẬN CẢNH DỰ ÁN PHÍA TÂY HÀ NỘI: Anlac Green Symphony "mọc" sân tập golf trái phép
06:20, 30/09/2020
CẬN CẢNH DỰ ÁN PHÍA TÂY HÀ NỘI: Hoang vắng khu đô thị Xuân Phương Viglacera
07:00, 22/09/2020
CẬN CẢNH DỰ ÁN PHÍA TÂY HÀ NỘI: Biệt thự sinh thái Foresa Villa... rêu phong, cỏ lấn
05:00, 16/09/2020
CẬN CẢNH DỰ ÁN PHÍA TÂY HÀ NỘI: "Điểm nhấn" bất đắc dĩ VICEM Tower
14:04, 01/09/2020