Nghiên cứu - Trao đổi

Đánh thuế mua bán nhà, đất theo thời gian sở hữu: Cân nhắc thời điểm thực hiện

Gia Linh 13/02/2025 11:05

Đề xuất đánh thuế mua bán nhà, đất theo thời gian sở hữu đang được dư luận đặc biệt quan tâm, vì điều này sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản…

Theo dự thảo Tờ trình mới nhất gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu quy định thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.

danh-thue-bat-dong-san-theo-thoi-gian-so-huu-can-dong-bo-ha-tang-thong-tin-ve-dat-dai-2.jpg
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu quy định thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ. Ảnh minh hoạ

Nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước

Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành của nước ta không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế, trong đó có thuế TNCN.

Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại bất động sản. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, giao dịch diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.

Đơn cử, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.

Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nội dung: “Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả”.

Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã nêu: “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất...”.

Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV yêu cầu: “Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản”.

Theo đó, nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng nêu trên, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính đề xuất “có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với TNCN từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước. Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản”.

Bộ Tài chính lưu ý, việc áp dụng chính sách thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý để có được các thông tin liên quan đến thời gian nắm giữ bất động sản.

Tại Điều 247 Luật Đất đai năm 2024 cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 Luật thuế TNCN quy định cụ thể: “Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần; trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất”. Bộ Tài chính cho rằng cần cập nhật quy định này vào dự thảo Luật thuế TNCN (thay thế) để đảm bảo đồng bộ của hệ thống pháp luật.

danh-thue-bat-dong-san-theo-thoi-gian-so-huu-can-dong-bo-ha-tang-thong-tin-ve-dat-dai-1.png
Hiện nay chưa có sự đồng bộ trong quản lý nhà nước giữa thuế và đất đai đề xuất giải pháp này không khả thi. Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chính sách. Ảnh minh hoạ

Cần cân nhắc thời điểm thực hiện

Bình luận về nội dung này, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh đánh giá, việc thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên phải tính toán hợp lý để đảm bảo nếu chính sách này được thực hiện sẽ hiệu quả và khả thi.

“Nguyên tắc đánh thuế phải phân tách ra chủ thể mua bất động sản để sử dụng và chủ thể mua nhằm mục đích đầu cơ, từ đó áp dụng chính sách đánh thuế phù hợp. Tôi đồng tình với việc phải đánh thuế thu nhập cá nhân cao hơn đối với các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất trong thời gian ngắn, còn đánh thuế như thế nào thì quá trình xây dựng chính sách cần có tính toán cụ thể. Có thể hướng đến phương án mua bán ngay trong năm thì đánh thuế cao, càng về sau càng thấp, sau 5 năm có thể đánh thuế rất thấp hoặc không đánh thuế…”, ông Đỉnh chia sẻ.

Ủng hộ việc đánh thuế mua bán bất động sản, tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội lưu ý, cần cân nhắc về thời điểm thực hiện. “Trong giai đoạn hiện nay thị trường đang còn nhiều khó khăn, việc đề xuất có thể tạo hiệu ứng đến tâm lý. Do đó, cần có giai đoạn, lộ trình cụ thể”, ông Điệp nói.

Theo ông Điệp, lộ trình có thể trong 2-3 năm tới và đưa ra một mức phù hợp. Tiếp đến trong 5-7-10 năm nữa thay đổi mức khác theo từng bước. Bước đầu mức thuế sẽ thấp sau đó nâng dần lên khi thị trường ổn định, có data dữ liệu đất đai đầy đủ.

Cũng nhận định về tác động của chính sách với thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam gần đây có dấu hiệu phát triển mất cân đối, thiếu lành mạnh. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu nguồn cung, từ đó đẩy giá bán bất động sản luôn trong xu hướng tăng lên. Với thực tế nguồn cung khan hiếm, trong khi giá bất động sản không ngừng “leo thang”, việc đánh thuế nhằm mục đích để giảm đầu cơ và giảm giá nhà sẽ khó đạt được.

Người có tiền nhàn rỗi hoặc giới đầu tư nếu không đi vào kênh đầu tư khác thì vẫn tiếp tục đầu tư vào nhà, đất chứ không “nao núng”, bởi tiền thuế là quá nhỏ so với lợi nhuận có thể thu được. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, đề xuất đánh thuế trên chưa phải là giải pháp tốt nhất cho thị trường bất động sản, bởi trọng tâm vấn đề nằm ở chỗ tăng nguồn cung bất động sản.

Không khả thi ở thời điểm này

Mới đây, góp ý về đề nghị xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), đối với đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh lại việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự đồng bộ trong quản lý nhà nước giữa thuế và đất đai đề xuất giải pháp này không khả thi. Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đánh thuế mua bán nhà, đất theo thời gian sở hữu: Cân nhắc thời điểm thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO