Một cán bộ trẻ mẫn cán, tận tình với nhân dân... nhưng đã ra đi và không bao giờ trở lại sau một vụ tai nạn. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, đã khiến nhiều người dân tiếc nuối.
Người lãnh đạo luôn vì tập thể
Sự ra đi đột ngột của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã để lại nhiều dấu ấn với bao tiếc nuối, đau thương cho TP.HCM. Một lãnh đạo trẻ mẫn cán, nhiệt huyết với công việc nhưng đã phải ra đi trong một vụ tai nạn giao thông trên đường đi công tác.
Có lẽ đây là sự mất mát lớn nhất đối với gia đình, người thân của Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình. Bên cạnh đó, nhân dân TP mất đi một cán bộ trẻ hết lòng vì công việc, trong đó phải kể đến những vụ việc khiếu nại của nhân dân trong suốt nhiều năm không được xử lý tại huyện Nhà Bè.
Còn nhớ, vụ việc khiếu nại về đất đai của một người dân ở H.Nhà Bè hơn 20 năm chưa được cấp sổ đỏ, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo vẫn chưa giải quyết. Thế nhưng, kể từ tháng 8/2021, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM, khi đại biểu đặt vấn đề thì ông Bình tiếp thu rất nghiêm túc, nhận khuyết điểm về mình vì chưa giải quyết thấu đáo cho người dân.
Nói và nhận xét như TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, thì Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình là một cán bộ có năng lực thực sự, chuyên môn vững vàng, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn. Sâu sắc hơn, đó là sự nhạy bén, tinh thần trách nhiệm cao, luôn đau đáu tìm giải pháp phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh; để từ đó chính quyền tăng hiệu lực và hiệu quả quản trị, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng được nhiều tiện ích, thuận lợi.
“Sự thẳng thắn và sẵn sàng nhận khuyết điểm trước nhân dân của ông Lê Hoà Bình làm tôi hơi ngạc nhiên. Thay vì thoái thác, hứa hẹn thì ông Bình lại nhận lỗi về mình. Đó là cách ứng xử của một người lãnh đạo luôn vì tập thể, vì cái chung, vì lợi ích chính đáng của người dân” - TS Thắng nói.
Do đó, theo ông Thắng, sự ra đi đột ngột của Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình là tổn thất lớn đối với TP.HCM, vì có một lãnh đạo vừa giỏi chuyên môn, hết lòng với công việc không phải chuyện dễ dàng.
Cả một đời tâm huyết với công việc
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Công ty Cổ phần Băng Dương TP.HCM chia sẻ: ông Lê Hòa Bình được đánh giá là lãnh đạo trẻ, có năng lực và hết sức tâm huyết với công việc. Vì vậy, sự qua đời một cách đột ngột của ông do tai nạn giao thông trên đường đi công tác đã làm rất nhiều người dân TP, các doanh nghiệp cũng như các sở, ban ngành, quận, huyện bàng hoàng, đau thương.
Theo ông Tuấn, là một đoanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS trên địa bàn TP, có thể nói, ông Bình đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, nhưng cũng đầy đau thương, tiếc nuối không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp mà còn cả những người dân TP.
Còn nhớ, thời điểm ông Bình đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch UBND TP thì đã có hàng chục dự án đang gặp vướng mắc được tháo gỡ và chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cũng nhờ sự tâm huyết của ông mà các dự án đã được tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng. Nhiều dự án nhà ở thương mại tại trung tâm TP như: Phú Mỹ, quận 7; dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (phường Phú Thuận, quận 7); dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) – ông Tuấn chia sẻ.
Còn theo một vị lãnh đạo trong ngành Y tế tại TP.HCM thì: Khi Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vào tháng 12/2020 cũng là lúc dịch COVID-19 ập đến, chính quyền TP ban đầu còn có sự lúng túng vì chưa có đủ vaccine, hệ thống y tế đang thiếu và quá tải trầm trọng. Ngay thời điểm đó, chính quyền TP xác định phải khẩn cấp thành lập hàng loạt Bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức để tiếp nhận, thu dung điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Ông Bình lúc này được giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ vấn đề xây dựng, cải tạo các Bệnh viện dã chiến và phải làm thần tốc trong thời gian ngắn để đưa vào sử dụng.
Và chỉ tính từ đầu tháng 7 đến tháng 10/2021, TP đã thành lập 16 Bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng. Nhiệm vụ của các Bệnh viện dã chiến này là thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Cùng với đó, bốn trung tâm hồi sức cấp cứu cũng được thành lập để tiếp tục cứu chữa cho bệnh nhân.
Chia sẻ về những đau thương mất mát và cả những tiếc nuối, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tâm sự: “Sáng qua (29/3/2022), tôi đã chuẩn bị báo cáo kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị gỡ vướng cho 64 dự án để chuẩn bị tham gia cuộc họp do ông Bình chủ trì. Tuy nhiên, cuộc họp với ông Bình đã không thể nào diễn ra là một tiếc nuối và vô cùng đau xót”.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP đánh giá ông Bình là cán bộ trẻ, có năng lực và bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc với gia quyến cũng như với chính quyền TP. “Đây là một sự thiệt thòi lớn cho TP.HCM. Mong rằng những nỗ lực của ông còn dang dở sẽ tiếp tục được hoàn thiện” - ông Châu tiếc nuối và chia buồn.
Kể về những dấu ấn của Phó Chủ tịch Lê Hoà Bình, ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ: Sự quyết liệt trong việc xây dựng các bệnh viện dã chiến để chống dịch COVID-19, chính là dấu ấn đặc biệt của ông Bình trong thời gian cao điểm nhất và gian khổ nhất của dịch bệnh. Chỉ trong vài tuần, hàng chục Bệnh viện dã chiến và bốn trung tâm hồi sức đã được thành lập với đầy đủ thiết bị và ôxy tới tận từng giường bệnh. “Một sự nỗ lực cao độ của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình” - ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, bản thân từng là Phó giám đốc rồi giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc anh Bình đột ngột qua đời khiến cho cá nhân ông cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên Sở Xây dựng bàng hoàng và tiếc thương vô hạn. “Trong công việc, không chỉ riêng Sở Xây dựng mà các sở, ngành khác, anh đều chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt. Anh cũng là người rất gần gũi, chân tình, hòa đồng như anh em với tất cả mọi người” - ông Kiên nhận xét.
Liên quan đến đầu tư các dự án giao thông chiến lược - một trong những nhiệm vụ cấp bách cho mục tiêu phát triển bền vững của một siêu đô thị khoảng 13 triệu dân như TP.HCM, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng bày tỏ sự khâm phục trước một lãnh đạo tâm huyết như ông Lê Hòa Bình - đã chỉ đạo quyết liệt, hết lòng vì công việc và giải quyết được rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đô thị.
“Ông Bình quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, từng công việc. Các dự án trọng điểm như đường vành đai 3, nút giao An Phú, mở rộng QL50, đường nối Trần Quốc Hoàn, 2 tuyến đường sắt đô thị…, bất kể ngày đêm cần sự chỉ đạo thì anh Bình xử lý ngay”, ông Bằng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đông Tùng - Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, cho hay: Theo phân công của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, bên cạnh phụ trách lĩnh vực đô thị, ông Lê Hòa Bình cũng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 4 địa bàn: TP.Thủ Đức, Q.Phú Nhuận, H.Bình Chánh và H.Hóc Môn.
Và cũng từ đây, dấu ấn của Phó chủ tịch Lê Hoà Bình với quận là một người lãnh đạo đầy nhiệt huyết và trí tuệ, “cháy” hết mình trong công việc, luôn năng nổ và quyết đoán trước các vấn đề dân sinh, đời sống xã hội của TP. "Ông Lê Hòa Bình đã quan tâm sâu sát đến hoạt động của quận bằng cả tấm lòng, sự thông cảm, thấu hiểu và luôn đồng hành, hỗ trợ quận trong những lúc khó khăn với tấm lòng và tâm huyết vì dân, vì sự nghiệp chung phát triển" – ông Tùng nhận xét.
Tiểu sử Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hoà Bình: Đồng chí Lê Hòa Bình, sinh ngày 1/4/1970, tại xã Tịnh Hà - huyện Sơn Tịnh - tỉnh Quảng Ngãi. Trình độ chuyên môn: Kỹ sư xây dựng, Thạc sĩ kỹ thuật. Trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị. Từ năm 1994 đến năm 2014, ông Lê Hoà Bình công tác tại Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn, Công ty Xây dựng Rodio, Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn, Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12/2014, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10/2015, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Tháng 3/2016, ông được điều động làm Chủ tịch UBND quận 7. Tháng 4/2019, ông được điều động về lại Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở này. Tháng 10/2020, ông được bầu vào Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 8/12/2020, tại kỳ họp thứ 23, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kì 2016 - 2021. Ngày 24/6/2021, tại kỳ họp thứ 1, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, ông tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kì 2021 - 2026. Ngày 25/12/2021, UBND TP.HCM có quyết định phân công ông làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, phụ trách giúp chủ tịch UBND TP chỉ đạo, giải quyết hồ sơ, công việc hàng ngày và phân công phó chủ tịch, ủy viên UBND TP tham dự các hoạt động của các cơ quan trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, các cơ quan, đơn vị thuộc TP.HCM. |
Có thể bạn quan tâm
21:47, 14/05/2020
07:38, 03/11/2019
19:40, 30/08/2021