Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được một số thành tích đối nội, đối ngoại sau một năm cầm quyền 20/1/2021 - 20/1/2022.
>> Mấy nét lớn qua một năm cầm quyền của Joe Biden
Quyết tâm thay đổi nước Mỹ
Khi còn là Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, Ông Biden đã đưa ra rất nhiều lời hứa hẹn và cam kết về mặt đối nội, tựu trung ở năm điểm chính:
Một là, đoàn kết, thống nhất lại người Mỹ trên cơ sở khắc phục sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ về mặt chính trị, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa... đã bị khoét sâu dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Hai là, có giải pháp đặc biệt để xử lý dịch bệnh Covid-19 đã khiến nước Mỹ bị tổn thất nhân mạng và lụn bại rất nhiều về mặt kinh tế dưới thời Donald Trump. Khi ông Biden lên nắm quyền ngày 20/1/2021, nước Mỹ đã chịu tổn thất nặng nề khi có tới 400.000 người chết và 25 triệu người bị nhiễm do Covid-19.
Ba là, tăng thuế đánh vào doanh nghiệp và người giàu để dùng số tiền này giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội của nước Mỹ, cũng như thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vốn là nguyên nhân của các bất ổn xã hội tiềm tàng trong lòng nước Mỹ.
Bốn là, tập trung phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đặc biệt là hồi phục nước Mỹ sau đại dịch.
Năm là, đưa ra các gói kích cầu lớn để xây dựng, cải thiện cơ sở "hạ tầng cứng" của nước Mỹ như hệ thống đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, cũng như "hạ tầng mềm" là đầu tư vào con người với các gói an sinh xã hội mới dành cho người nghèo, giáo dục, bảo hiểm y tế, chống biến đổi khí hậu... Để làm được việc này thì cần có sự hậu thuẫn của Quốc hội nhằm thông qua các dự luật chi tiêu quan trọng.
Thành tích nổi bật và những việc chưa làm được
Người Mỹ có xu hướng đánh giá Tổng thống của mình qua các thành tích đối nội, còn người nước ngoài thì thường nhìn thành tích của Tổng thống Mỹ qua lăng kính đối ngoại. Cách đánh giá tương đối chính xác là xem kết quả các cuộc thăm dò dư luận đánh giá những việc Tổng thống Mỹ đã làm được một năm qua ra sao.
Sau khi kết thúc một năm cầm quyền, tổng hợp các cuộc thăm dò dư luận của các hãng tin độc lập, cánh tả lẫn cánh hữu, cho thấy mức độ ủng hộ, đánh giá tích cực công việc của ông Biden (Job Approval Ratings) trên cương vị tổng thống là rất thấp, chỉ 40%. Đây là mức thấp thứ hai trong lịch sử dành cho một tổng thống Mỹ sau một năm cầm quyền kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Vậy ông Biden đã làm được gì và không làm được gì?
Có thể điểm qua một số thành tích đối nội nổi bật của ông Biden trong một năm cầm quyền như sau:
Thứ nhất, ông Biden đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ. Năm 2021 tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 5,6% (so với -3,5% năm 2020) một con số hết sức ấn tượng đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nước Mỹ quay trở lại đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới. Chỉ số chứng khoán Dow Jones cũng tăng kỷ lục gần 20% và đạt mức đỉnh của lịch sử với gần 36000 điểm. Thất nghiệp của nước Mỹ hiện ở mức dưới 4%, mức thấp nhất trong 50 năm qua.
Thứ hai, chính quyền và Biden đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ sau khi nhiều loại vắc xin chống Covid-19 được phát triển dưới thời Donald Trump và được Cơ quan Thực phẩm và Dược của Mỹ (FDA) chấp thuận sử dụng như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson. Tính đến nay 71% người Mỹ đã tiêm một liều, 62% tiêm hai liều, và 24,5% tiêm ba liều.
Ba là, Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua được hai đạo luật quan trọng và sau đó được Tổng thống Biden ký thành luật là Đạo luật xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1000 tỷ USD và Đạo luật chi tiêu trị giá 1900 tỷ USD giúp phục hồi kinh tế.
Những điều trên cho đến nay được xem là những điểm sáng nhất trong chính sách đối nội của Tổng thống Biden trong một năm qua. Tuy chính quyền Biden đã cố gắng rất nhiều, nhưng đối với phần đông người Mỹ thì chừng đó vẫn là quá ít và chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ. Vậy những gam màu tối trong chính sách đối nội của Chính quyền Biden trong 1 năm qua là gì?
Một là, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng lạm phát phát lại tăng mạnh hơn. Trong tháng 12/2021, lạm phát của nước Mỹ là 7%, mức cao nhất trong 50 năm qua kể từ năm 1972. Mức lạm phát này lớn hơn rất nhiều mức tăng trưởng kinh tế cũng như mức tăng lương hàng năm. Điều này có nghĩa đa phần người Mỹ phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày với giá thuê nhà, giá gas, điện, nước, nhu yếu phẩm... tăng vọt.
Hai là, mặc dù nước Mỹ dưới thời Biden đang dư thừa vắc-xin, có trong tay nhiều loại thuốc trị bệnh Covid-19 mới... tuy nhiên số ca mắc Covid-19 mới lại không giảm. Trong vòng 3 tuần qua, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, trung bình mỗi ngày nước Mỹ có 800.000 đến 1 triệu người nhiễm bệnh. Nhìn tổng thể, số người chết do Covid-19 trong 1 năm qua dưới thời Biden (450.000) và số người nhiễm bệnh (48 triệu) đều cao hơn nhiều so với thời Donald Trump (số tương ứng là 400.000 và 25 triệu). Điều này cho thấy chống Covid-19 là câu chuyện nan giải và cả Chính quyền Trump lẫn Biden đều chả có phép màu gì để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này.
Ba là, Chính quyền Biden bất lực trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư ồ ạt vào nước Mỹ và từ đó gây ra một loạt các vấn nạn về nhân đạo, buôn người, ma túy và tình trạng tội phạm gia tăng ở một loạt các thành phố lớn của nước Mỹ như Chicago, Baltimo, New York, Los Angeles...
Bốn là, các mâu thuẫn, chia rẽ trong xã hội không những không được hàn gắn mà còn tiếp tục bị hằn khoét sâu hơn, như mâu thuẫn khó có thể thỏa hiệp được giữa phe Dân chủ và Cộng hòa thể hiện qua việc bỏ phiếu thông qua các dự luật quan trọng trong thời gian gần đây đều mang tính chất phe đảng như việc toàn bộ các nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ, còn các nghị sĩ Cộng hòa thì bỏ phiếu chống hoặc ngược lại; và mâu thuẫn nội tại không thể thỏa hiệp ngay trong phe Dân chủ giữa các nghị sĩ cấp tiến và các nghị sĩ ôn hòa...
Năm là, ngay trước ngày kỷ niệm một năm cầm quyền, chính quyền Biden và Đảng Dân chủ lại chịu hai thất bại lập pháp quan trọng mà ông Biden hứa hẹn sẽ thúc đẩy ngay sau khi trở thành Tổng thống, đó là Dự luật chi tiêu xã hội trị giá 1750 tỷ USD và Dự luật về Quyền bầu cử, tức tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những cử tri thiểu số, thân đảng Dân chủ bỏ phiếu...
Dấu ấn đối ngoại
Mặc dù gặp không ít vấn đề, nhưng so với đối nội, đối ngoại vẫn được xem là một trong số ít các "điểm sáng" trong một năm đầu cầm quyền của chính quyền Biden. Có thể thấy 3 điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Biden như sau:
Một là, chính quyền Biden đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ "nước Mỹ đã quay trở lại" (America is back) theo nghĩa Mỹ đã quay trở lại các cam kết quốc tế lớn và các định chế quan trọng như các cam kết về chống biến đổi khí hậu với sự tham gia hùng hậu của đoàn Mỹ tại COP-26, tham gia trở lại vào Hội đồng nhân quyền, Tổ chức y tế thế WTO, Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc UNESCO...
>> Joe Biden nhức đầu vì “núi tiền” 1,7 nghìn tỷ USD
Hai là, thắt chặt quan hệ với các đồng minh châu Âu trong EU, NATO và các đồng minh ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Mỹ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump đặt Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên quan trọng trong chính sách an ninh - đối ngoại của mình, với một số điểm nhấn: (i) lôi kéo sự can dự của các đồng minh ngoài khu vực như Anh, EU vào các vấn đề của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; (ii) thúc đẩy việc thiết chế hóa nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản; (iii) lập các "liên minh an ninh mini" như AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ.
Ba là, trong quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc và Nga, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố cạnh tranh chiến lược, coi cạnh tranh chiến lược là nhân tố có tính chi phối. Tuy nhiên khác với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump, Chính quyền Biden còn nhấn mạnh đến mặt hợp tác và sự can dự ở cấp cao với mục đích không để sự cạnh tranh hoặc hiểu lầm chiến lược dẫn đến xung đột hoặc chiến tranh giữa Mỹ với hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này. Trong năm 2021, Biden đã có hai cuộc họp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin, hai cuộc điện đàm và một cuộc họp Thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những nhân tố đó giúp thế giới có sự lạc quan dè dặt rằng hòa bình vẫn tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong 5 đến 10 năm tới.
Vậy các gam màu tối trong chính sách đối ngoại là gì?
Cần thấy ngay rằng, cuộc rút quân vội vã thiếu tổ chức của Mỹ khỏi Afghanistan, cũng như việc lên nắm quyền ngay sau đó của Taliban là một trong những thất bại lớn nhất về đối ngoại, an ninh và quân sự của Chính quyền Biden. Không chỉ dân chúng Mỹ mất lòng tin, mà các đồng minh của Mỹ trong NATO cũng cảm thấy bất ngờ về việc không được chia sẻ thông tin tình báo và tham khảo đầy đủ.
Tiếp đó là quan hệ với các đồng minh. Tuy Chính quyền Biden đã rất cố gắng, nhưng quan hệ với đồng minh vẫn có lúc "cơm không lành, canh chẳng ngon". Điển hình là việc Pháp bị bất ngờ trong vụ Mỹ nẫng tay trên, bán tàu ngầm cho Australia. Quan hệ xấu đến mức Ngoại trưởng Pháp gọi việc này là bị Mỹ "đâm nhát dao sau lưng" và thậm chí Pháp còn triệu hồi (trong thời gian ngắn) Đại sứ của mình tại Washington về nước để tham khảo ý kiến.
Cuối cùng là quan hệ của Mỹ với Nga vẫn tiếp tục căng thẳng và thiếu lòng tin nghiêm trọng, thể hiện trong việc xử lý vấn đề Ucraina trong thời gian qua.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ trong năm 2022
Trước hết cần thấy rằng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia và vấn đề đối ngoại mà Mỹ có sự nhất trí của lưỡng đảng. Kể từ khi hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, quan hệ Việt - Mỹ liên tục phát triển, dù là nước Mỹ dưới thời chính quyền cộng hòa hay chính quyền dân chủ. Do vậy, việc Chính quyền Biden tiếp tục coi trọng và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong năm tới sẽ không nằm ngoài xu hướng chung đó.
Thứ hai, trong 27 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng được nền tảng quan hệ vững chắc. Về chính trị, các cuộc thăm viếng cấp cao của lãnh đạo hai nước, cũng như các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên cấp Bộ trưởng, các đối thoại chính sách... được duy trì đều đặn, qua đó giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp các khác biệt. Về kinh tế, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ, còn Mỹ là nguồn đầu tư quan trọng và là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước không ngừng được củng cố và tiếp tục phát triển. Các quan hệ giáo dục, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng được mở rộng. Tất cả các nhân tố đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ song phương trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.
Thứ ba, xét từ góc độ chiến lược, Mỹ nhìn nhận Việt Nam có vị trí chiến lược, có vai trò quan trọng trong tổ chức ASEAN - một tổ chức mà Mỹ hết sức coi trọng, tranh thủ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình dương của mình. Mỹ còn nhìn nhận vị trí và vai trò quan trọng của Việt Nam tại rất nhiều diễn đàn trong đó ASEAN đóng vai trò dẫn dắt, chi phối và có sự tham gia của Mỹ như ASEAN + 1 (giữa ASEAN và Mỹ), Hội nghị cấp cao Đông Á EAS, Diễn đàn khu vực ASEAN ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM PLUS...
Cuối cùng, Mỹ nhìn nhận vị thế và vai trò của Việt Nam đang lên ở quốc tế, có tiếng nói và ảnh hưởng trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như chống biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu, sở hữu trí tuệ... Đặc biệt, Mỹ thấy vai trò quan trọng của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và sự phối hợp hiệu quả giữa Việt Nam Nam và các thành viên Thường trực, trong đó có Mỹ, và thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an trong 2 năm 2020-2021 khi Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ "vồ vập" Đông Nam Á: (Kỳ 1) Chuyến đi lịch sử của Joe Biden
05:26, 16/12/2021
Tổng thống Biden mang thông điệp "nước Mỹ trở lại" tại Liên Hợp Quốc
09:07, 22/09/2021
Thách thức của Tổng thống Biden tại Liên Hợp Quốc
11:00, 21/09/2021
"Cơn ác mộng" Afghanistan của ông Biden trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022
12:08, 03/09/2021
Vì sao ông Joe Biden không ngán “dòng chảy phương Bắc”?
11:00, 03/09/2021
Đằng sau những chính sách công nghệ mới của Tổng thống Joe Biden
16:18, 17/08/2021