Lào Cai: Dấu ấn thu hút đầu tư

Diendandoanhnghiep.vn Với những nỗ lực vượt khó và sáng tạo trong huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, sau 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã xác lập thành công vị trí, vai trò của mình nơi tuyến đầu Tổ Quốc.

Đó là trao đổi với DOANH NHÂN của ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai. 

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai.

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai.

Xác định là tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn... nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực không ngừng trong thu hút đầu tư cho phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh. 

- Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua?

Riêng giai đoạn 2016 -2020, tổng huy động lực đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 170.754 tỷ đồng với tốc độ tăng bình quân trên 12%/năm. Kết quả huy động các nguồn vốn có xu hướng tích cực là: vốn ngân sách giảm, vốn huy động ngoài ngân sách tăng dần trong tỷ trọng tổng vốn đầu tư xã hội hàng năm (tỷ trọng vốn nhà nước giảm từ 27% năm 2016, còn khoảng 19% năm 2020). Trong nguồn vốn ngân sách nhà nước thì vốn địa phương tăng dần, từ 50% năm 2016 lên 64% năm 2020. Theo kết quả đạt được thì trong giai đoạn này tính bình quân 1 đồng vốn ngân sách nhà nước sẽ thu hút được 5 đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Các nguồn vốn đã tập trung đầu tư cho công trình, dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Vốn ODA đầu tư chủ yếu cho các dự án hạ tầng đô thị, giảm nghèo, được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ổn định. Kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, cửa khẩu tiếp tục được đầu tư phát huy hiệu quả khai thác. Đặc biệt, các công trình trọng điểm, kết nối vùng được xúc tiến mạnh mẽ như: Cảng hàng không Sa Pa, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, Lai Châu, Cầu Bản Vược (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), Cầu Phú Thịnh, Cầu Làng Giàng…

Có thể nói những thành quả trong thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt ở mức cao, bình quân cả giai đoạn gần 10%.

Giai đoạn 2021-2025, Lào Cai dự kiến huy động 265.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội (bình quân tăng 7-8%/năm). Trong đó, huy động vốn Nhà nước 45.000 tỷ đồng, chiếm 17% (riêng vốn NSNN: 36.730 tỷ đồng, chiếm 14%); vốn ngoài Nhà nước: 220.000 tỷ đồng, chiếm 83% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Có được kết quả trên chắc hẳn công tác cải thiện môi trường đầu tư được Lào Cai đặc biệt chú trọng?

Đúng vậy, trong những năm qua, việc cải thiện môi trường đầu tư luôn được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Là cơ quan tham mưu tổng hợp cho UBND tỉnh trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và phát triển, nhận thức được xếp hạng chỉ số PCI có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hằng năm ngay sau khi VCCI công bố chỉ số PCI, Sở KHĐT tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị chuyên đề PCI để tiến hành đánh giá phân chỉ số PCI của tỉnh đồng thời đưa ra các giải pháp để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới.

Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp các ngành, địa phương của tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và chỉ số PCI như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy nhà nước; lắng nghe những phản hồi của doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi cán bộ công chức có biểu hiện sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp;… Tỉnh cũng đã xây dựng thành công Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành huyện, thành phố (DDCI), qua đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Tỉnh cũng đặc biệt thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh trên địa bàn như: Ưu đãi về đất đai, tiền thuê đất, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, san tạo mặt bằng, các chính sách khuyến khích phát triển các ngành kinh tế như nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện và quy định hiện hành.

- Theo ông đâu là điểm đột phá trong thu hút đầu tư của Lào Cai giai đoạn tới?

Lào Cai đã xác định phát triển “đột phá” về hạ tầng giao thông và đô thị tạo nền tảng thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn tới. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển vượt bậc về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng bao gồm đường bộ cao tốc, đường sắt nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh và giữa các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là với các tỉnh trên hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cụ thể: Đầu tư Cảng hàng không Sa Pa đáp ứng kết nối vùng và quốc tế ở tầm trung, tạo đột phá trong thu hút khách vào ’’mũi nhọn” du lịch và đầu tư vào ”nền tảng” công nghiệp tại tỉnh Lào Cai và 2 tỉnh lân cận là Lai Châu, Hà Giang.

Đầu tư nâng cấp, xây dựng mạng lưới đường tỉnh để kết nối nhanh từ mạng lưới giao thông quốc gia đến các khu vực kinh tế động lực khác là Bắc Hà, Bát Xát (nhất là giao thông kết nối Y Tý và Sa Pa), khu vực có vai trò quốc phòng an ninh, khu vực khó khăn gồm Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai. Đồng thời, mở rộng các đoạn tuyến quốc lộ quan trọng là 4D, 279, 4E hướng tới chất lượng phục vụ tốt nhất cho các vùng kinh tế động lực tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bảo Thắng.

Tỉnh cũng phát triển mở rộng cụm cảng cạn Lào Cai trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống Logistics của khu vực Tây Bắc, tham gia tích cực vào sự ”đột phá” của kinh tế cửa khẩu. Kết nối được đường sắt với Trung Quốc, đồng thời có chính sách tạo thuận lợi để giảm chi phí và thời gian, thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hoá giữa tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Xây dựng một số cầu lớn vượt sông Hồng nhằm giảm chia cắt gồm cầu Bản Vược, Phú Thịnh, Làng Giàng.

Lào Cai cũng sẽ phát triển đô thị tạo động lực, sức lan tỏa trong phát triển bao trùm, trong đó tập trung tổ chức mạng lưới đô thị theo hướng: Xây dựng đô thị thông minh thành phố Lào Cai và đô thị Sa Pa; Phát triển, mở rộng thành phố Lào Cai là đô thị loại I, đô thị trung tâm vùng Tây Bắc, đô thị giáp biên giới Việt – Trung, là cầu nối quan trọng của hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) với Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là điểm nối quan trọng trong hợp tác du lịch về nguồn của ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và du lịch Tây Bắc mở rộng; Phát triển đô thị thị xã Sa Pa là đô thị du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế có vai trò hỗ trợ phát triển vùng phía Tây của Lào Cai. Phát triển Sa Pa là đô thị loại III gắn với thành lập thành phố Sa Pa. Nâng cấp Bảo Thắng, Bắc Hà lên đô thị loại IV để thành lập thị xã trước 2025.

- Ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn Lào Cai?

“Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” là mục tiêu và cũng là mong muốn của các cấp chính quyền Lào Cai với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Lào Cai. Chúng tôi luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội… đưa Lào Cai trở thành vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến phát triển sản xuất kinh doanh, góp sức đưa Lào Cai hướng tới sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giai đoạn 2015 -2020, Lào Cai đã thẩm định chủ trương đầu tư cho 190 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 31.106 tỷ đồng; thẩm định điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 119 dự án; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 45 dự án. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Lào Cai đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3.819,542 tỷ đồng. Hiện nay Lào Cai có 23 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 571,45 triệu USD.

Giai đoạn 2015 -2020, Lào Cai đã thẩm định chủ trương đầu tư cho 190 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 31.106 tỷ đồng; thẩm định điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 119 dự án; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 45 dự án. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Lào Cai đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3.819,542 tỷ đồng. Hiện nay Lào Cai có 23 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 571,45 triệu USD.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lào Cai: Dấu ấn thu hút đầu tư tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711710937 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711710937 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10