Theo báo cáo của CTCK Tân Việt (TVSI), VN-Index dự báo vẫn sẽ biến động trong vùng 1.300 – 1.400 điểm trong tháng 8.
Các chuyên gia của TVSI cho rằng, thị trường chứng khoán trong tháng 8 có nhiều yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là các yếu tố dòng tiền, kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết và sức tăng trưởng của một số nhóm ngành. Cụ thể:
Thứ nhất, dòng tiền hiện vẫn đang chảy vào thị trường: mặc dù VN-Index sụt giảm 7% trong tháng 7 với thanh khoản khớp lệnh 3 sàn giảm 22,4% xuống còn 22.935 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền vẫn chưa rút ra khỏi thị trường. Số lượng tài khoản mở mới tháng 7 đạt 101,5 nghìn tài khoản, tháng thứ 5 liên tiếp có trên 100 nghìn tài khoản mở mới. Số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK cuối quý 2/2021 tăng 21 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản nhanh tăng lên 24.241 tỷ đồng trong tuần đầu của tháng 8 và đang tiếp tục tăng theo nhịp hồi phục của thị trường. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang chờ đợi và sẵn sàng giải ngân khi thị trường điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn.
Thứ hai, kết quả kinh doanh (KQKD) quý 2/2021 tăng mạnh đưa định giá thị trường về mức hợp lý: Tính đến hiện tại đã có 843/1.717 doanh nghiệp công bố KQKD quý 2/2021, chiếm 93,7% vốn hóa toàn thị trường với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 65,2%YoY, trong đó các doanh nghiệp trên HOSE ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 54,7%YoY, thấp hơn so với quý 1/2021 nhưng vẫn là mức tăng trưởng rất cao.
VN-Index giảm 7% trong tháng cùng với các doanh nghiệp công bố KQKD quý 2/2021 tích cực giúp định giá P/E của thị trường giảm về 16,7 lần. Hiện TVSI ước tính EPS của các doanh nghiệp trên HOSE có thể tăng trưởng 28% trong năm 2021, như vậy hiện thị trường đang giao dịch ở mức P/E F 2021 là 16,2 lần, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh năm 2018 là 22,2 lần và là mức hấp dẫn khi so sánh với các nước trong khu vực.
Thứ ba, các nhóm Ngân hàng, Bất động sản và Tài nguyên cơ bản dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận:
Tài nguyên cơ bản tăng trưởng ấn tượng cả ở doanh thu và lợi nhuận nhờ thứ nhất giá bán tăng cao. Thứ hai, sản lượng tăng nhờ nhu cầu cải thiện ở cả trong và ngoài nước. Nhóm Ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận 41% trong quý 2/2021, thấp hơn mức 77,4% của quý 1 do các doanh nghiệp đẩy mạnh trích lập dự phòng.
Nhóm Bất động sản cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 92% nhờ mức nền thấp của quý 2/2020 và nhu cầu nhà ở đối với thị trường bất động sản phục hồi trong nửa đầu năm 2021. Trong đó VHM tăng trưởng 172%YoY về lợi nhuận là động lực chính.
Nhóm Hàng hóa và Dịch vụ công nghiệp tăng trưởng tới 108% lợi nhuận, trong đó nổi bật là nhóm vận tải và cảng biển nhờ giá cước vận tải container tăng và giao thương hàng hóa tăng trưởng theo sự hồi phục của nền kinh tế toan cầu.
Bên cạnh các yếu tố tích cực, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường là rủi ro từ dịch bệnh COVID-19 còn lớn.
Theo đó, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đang bùng phát mạnh mẽ trên khắp cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Hiện Chỉ thị 16 đã áp dụng cho hầu hết các tỉnh thành phố lớn trong hơn 2 tuần vừa qua, điều này sẽ giúp ngăn chặn được đà lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên tác động của nó đến nền kinh tế là rất lớn trong quý 3/2021, đặc biệt những doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong khu vực phía Nam. Lợi nhuận quý 3/2021 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ làn sóng COVID-19 lần thứ tư này.
Tính đến ngày 9/8/2021, Việt Nam đã tiêm 9,99 triệu liều vaccine, tuy nhiên chỉ có khoảng 1% dân số là tiêm đủ 2 liều. Hiện tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam đang chậm đáng kể so với thế giới do tinh trạng khan hiếm vaccine. Qua đó làm gia tăng rủi ro bùng phát dịch bệnh khi hết giãn cách xã hội cũng như khiến sự hồi phục của kinh tế Việt Nam “lệch nhịp” so với thế giới.
VN-Index đã tạo đáy thành công tại vùng giá 1.220 điểm và đang hồi phục mạnh mẽ trong những ngày đầu tháng 8. Đà tăng được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân, thứ nhất do KQKD quý 2/2021 tăng trưởng tích cực đưa định giá thị trường về mức hấp dẫn. Thứ hai, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên tác động tiêu cực từ làn sóng COVID-19 lần thứ 4 là rất lớn.
“Vì vậy trong tháng 8, VN-Index dự báo sẽ biến động trong vùng 1.300 – 1.400 điểm. Đi cùng với đó là sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó hiện nhóm Thép, Vận tải & Cảng biển cùng một số cổ phiếu nhóm Ngân hàng đang được chúng tôi đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm. Vì vậy nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu này trong danh mục”, chuyên gia phân tích của TVSI nhận định.
Có thể bạn quan tâm