Đầu tư dệt – nhuộm - thành phẩm: Hài hòa kinh tế, môi trường

Ngọc Hà 07/05/2018 12:41

Đầu tư vào hoạt động dệt, nhuộm là một trong những cách mấu chốt để tháo gỡ khó khăn của ngành dệt may hiện nay. Tuy nhiên, để hiện thực hoá điều này không phải là dễ dàng.

Đặc thù hoạt động đầu tư vào khâu dệt, nhuộm trong ngành dệt may cần phải có công nghệ cao và chi phí lớn, vì vậy, phần lớn hoạt động đầu tư trong những khâu này là do nhà đầu tư ngoại chiếm ưu thế, nhà đầu tư nội có nhưng vẫn còn chưa nhiều.

Địa phương “ngại” cấp phép

Đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành dệt may đang có sự mất cân đối,

Đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành dệt may đang mất cân đối, khâu dệt, nhuộm chỉ chiếm 8,3%, trong khi may chiếm 90% tổng giá trị FDI "đổ" vào ngành dệt may.

Được biết, thống kê ngành dệt may cho thấy, hoạt động đầu tư vào khâu dệt, nhuộm trong chuỗi cung ứng ngành may mới chỉ chiếm 8,3% giá trị vốn đầu tư FDI, trong khi đó khâu may nhận được 90% tổng vốn đầu tư FDI của toàn ngành, còn lại đâu đó khoảng hơn 1% giá trị vốn là đầu tư những khâu khác.

Như vậy, chỉ qua 2 con số đơn giản đã có thể nhìn thấy được điểm mất cân đối trong hoạt động thu hút đầu tư trong ngành dệt may. Điều quan trọng là, xu hướng mất cân bằng đầu tư trong nội tại chính ngành sẽ ngày càng có xu hướng gia tăng khi hoạt động đầu tư vào khâu dệt, nhuộm đang “bị” các địa phương “ngại” cấp phép.

Câu chuyện nhiều địa phương “ngại” cấp phép cho các dự án đầu tư dệt, nhuộm vì lo ngại ô nhiễm môi trường đã xuất hiện từ nhiều năm nay.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, dư luận đã xôn xao trước thông tin Đà Nẵng từ chối một dự án dệt nhuộm và may mặc của doanh nghiệp Trung Quốc với mức vốn lên tới 200 triệu USD vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Trước đó, hàng loạt địa phương khác như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xếp dự án dệt nhuộm, may mặc vào diện không khuyến khích đầu tư. Cụ thể, trước đề nghị mở rộng sản xuất của Công ty TNHH dệt J.M ở khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai đã không đồng ý sau khi xem xét nhiều khía cạnh, do đây là ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Theo đó, hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp Long Thành hiện đã hoạt động gần hết công suất, trong khi nước thải từ dệt nhuộm rất lớn và việc xử lý đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường không đơn giản. Vì vậy, tỉnh đã từ chối để bảo vệ môi trường nước cho các suối và sông Đồng Nai.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải, dự án đầu tư nhà máy dệt nhuộm của nhà đầu tư đến từ Hong Kong Tập đoàn TAL trị giá 350 triệu USD vẫn đang “nằm chờ” quyết định cuối cùng từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc rằng có đồng ý đầu tư hay không? Bởi, kết quả chung được đưa ra tại Hội thảo Khoa học về đánh giá tác động của dự án này, các nhà khoa học, chuyên gia đều khuyến cáo tỉnh Vĩnh Phúc nên thận trọng và thậm chí là không đồng ý cấp phép cho dự án này.

Nên ưu tiên doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý hiện đại

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU về yêu cầu xuất xứ từ vải hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương về yêu cầu xuất xứ từ sợi là vấn đề xa vời.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS cho biết: "Nếu các địa phương không cấp phép, ngành dệt may vẫn chủ yếu gia công, làm gì có sợi, vải mà xuất khẩu".

Cũng theo ông Cẩm, đúng là các dự án về dệt, nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao là có nhưng nếu các nhà máy đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì phải cấp phép. Hơn nữa, địa phương từ chối có thể là có nhiều lựa chọn, họ thấy ngành khác thu hút đầu tư vào địa phương sẽ tốt hơn.

Vì vậy, VITAS đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố “không kỳ thị và không ngăn cản ngành dệt nhuộm như hiện nay, cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với đầu tư dệt – nhuộm – thành phẩm, bởi hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải.

Đây là yếu tố cốt lõi để ngành dệt may có thể đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong sản phẩm XK”, Bộ trưởng  Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở góc độ địa phương, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, các địa phương rất muốn thu hút DN vào đầu tư, nhưng đối với các dự án dệt nhuộm, địa phương cần Chính phủ, Bộ TN&MT thẩm định dự án.

Nếu dự án đó đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, cần đưa ra kết luận thông báo tới địa phương để chúng tôi yên tâm. Các bộ, ngành không nên bắt địa phương phải tự tìm hiểu vì trình độ thẩm định, công nghệ của địa phương có hạn”, ông Nam chia sẻ.

Không chỉ doanh nghiệp FDI, với các doanh nghiệp nội địa, các chuyên gia ngành may mặc cũng kiến nghị cần có giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành dệt may. Hiện, chính sách hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có bông sợi từ Nhà nước và cơ quan quản lý là có, tuy nhiên còn rất chung chung và chưa sát sườn, hay nói cách khác là khi tận dụng chính sách về đến doanh nghiệp là rất yếu.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết hiện nay, doanh nghiệp bông sợi đang loay hoay tìm nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải. Tiêu chuẩn xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường đã lên tiêu chuẩn 175 cột A.

Muốn đạt được điều này phải đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải đủ hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn xả thải trước khi ra môi trường và có công suất đủ lớn, vì vậy doanh nghiệp cần được hỗ trợ vay vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư dệt – nhuộm - thành phẩm: Hài hòa kinh tế, môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO