Để tạo sự yên tâm, thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư vào các dự án mới thì Nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án đã triển khai...
Ở bài trước, chúng tôi đã nêu những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư của các dự án BOT giao thông. Chỉ rõ những bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Luật PPP đã lần đầu tiên đưa cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu vào Luật. Theo đó, Luật PPP có quy định khi doanh thu có sự thay đổi (tăng hoặc giảm), được cơ quan nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư thì nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này.
Tuy nhiên, điều đáng nói, Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa có quy định cụ thể đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Đơn cử như tại Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn trong quá trình triển khai đã có các thay đổi so với Hợp đồng dự án đã ký mà nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như: UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị giảm đi 01 trạm thu phí theo thoả thuận trong Hợp đồng dự án đã ký kết dẫn đến giảm nguồn thu trong suốt thời gian thu phí, phân lưu làm giảm lưu lượng xe trên tuyến cao tốc.
Cơ quan nhà nước chậm triển khai theo quy hoạch dẫn đến chưa xác định thời điểm thi công, hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối đến TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị. Do đó lưu lượng phương tiện giao thông tăng trưởng thấp hơn dự báo làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Các thay đổi này diễn ra trong quá trình đầu tư, được nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng báo cáo cơ quan chức năng và Kiểm toán nhà nước đánh giá, kết luận dự án không còn đảm bảo hiệu quả đầu tư ban đầu, thời gian hoàn vốn tăng lên, gây rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành có liên quan về khả năng cân đối nguồn vốn NSNN, nguồn vốn hợp pháp khác và các giải pháp hỗ trợ trong trường hợp dự án thiếu hụt nguồn vốn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội và kéo dài thời gian thu phí. Tuy nhiên, do chưa làm rõ phạm vi cơ chế cũng như hướng dẫn áp dụng nên hiện tại dự án chưa thể sử dụng vốn ngân sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
“Để tạo sự yên tâm, thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư vào các dự án mới, nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án đã triển khai, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, thông thoáng và phù hợp với thực tiễn”, PGS TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng với đó, trong quá trình xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn Luật PPP, cần làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro cho các dự án đã và đang thực hiện.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư đặt quan hệ giữa nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng, hài hoà lợi ích các bên.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều chính sách bất cập. Trong khi cơ quan Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết (về chất lượng, tiến độ,...), thực hiện các bảo lãnh (tạm ứng, thực hiện hợp đồng,...), nếu nhà đầu tư (bên Tư) không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý vi phạm nhưng ở chiều ngược lại, cơ quan Nhà nước (bên Công) trong các trường hợp không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, Ngân hàng thì không bị xử lý vì không có chế tài.
Điển hình cam kết của nhà nước về bố trí vốn ngân sách tại dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế, Hầm đường bộ qua Đèo Cả,... Theo báo cáo của Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả thì Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả có tổng mức đầu tư là 21.612 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, phần vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng. Đến nay, dự án này mới giải ngân 3.868 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân như cam kết trong hợp đồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn, phát sinh lãi vay tín dụng trong quá trình thực hiện dự án, ảnh hưởng đến phương án tài chính tổng thể của dự án.
“Mặc dù nhà đầu tư, Ngân hàng cho vay tín dụng đã có nhiều văn bản kiến nghị các Bộ, ngành, Chính phủ, nhưng đến nay sau gần 3 năm vẫn chưa được giải quyết”, văn bản của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nêu rõ.
Trên cơ sở đó, VARSI đề nghị VCCI sớm kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, chỉ đạo để tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại của các dự án PPP, trong đó tập trung thực hiện đúng các cam kết của cơ quan Nhà nước, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
“Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật PPP, trong đó sớm làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro cho dự án đã và đang thực hiện; Nhà nước cần tham gia đầu tư công một số hạng mục có suất đầu tư lớn như cầu vượt, nút giao,... để đảm bảo hiệu quả đầu tư”, VARSI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
15:18, 25/08/2020
12:25, 10/07/2020
11:20, 25/06/2020
04:30, 22/06/2020
09:50, 19/06/2020
15:35, 18/06/2020