Đầu tư PPP: Rủi ro do phía Nhà nước, ai chịu?

Ngọc Hà 19/04/2019 00:00

Quy định hợp đồng triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP rất chặt chẽ, rủi ro do cơ quan Nhà nước gây ra thì Nhà nước phải đền bù thiệt hại, nhưng thực tế rất khó để thực hiện quy định này.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) tại Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để phục vụ xây dựng Dự án Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây. Nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước đối với hợp đồng PPP được nhà đầu tư đặt ra.

Cơ chế đền bù rủi ro như thế nào?

d

Quy định hợp đồng triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP rất chặt chẽ (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Bày tỏ rõ hơn quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, vậy cụ thể ở đây đơn vị nào sẽ đền? Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng đền hay cơ quan nào? Trong trường hợp có đền bù thì thủ tục để nhà đầu tư nhận được đền bù là như thế thế nào?

Cũng liên quan đến rủi ro từ phía cơ quan nhà nước, một nhà đầu tư khác có nhiều năm kinh nghiệm tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT cho biết, nhiều quy định liên quan đến dự án PPP thường xuyên thay đổi, mà lại không đảm bảo việc không hồi tố vì vậy các nhà đầu tư rất e dè.

Đáng nói, đây là những vấn đề nằm hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của nhà đầu tư, tuy nhiên khi có bất cứ rủi ro nào xảy ra, thì chính họ là những người “chịu hậu quả”.

Đối với các dự án PPP có sự tham gia vốn của Nhà nước, nếu Nhà nước chậm giải ngân phần vốn này, gây ảnh hưởng đến dự án, thậm chí phá vỡ phương án tài chính, thì hướng giải quyết và trách nhiệm, vai trò của cơ quan nhà nước sẽ như thế nào?

Đó thực sự là những câu hỏi lớn cần có những lời giải thoả đáng, từ đó làm cơ sở căn cứ để việc xây dựng Dự án Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì đi được vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cần cơ chế phối hợp rõ ràng

Để có thể thu hút được các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tham gia vào các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn, suất đầu tư cao như dự án cao tốc Bắc – Nam đang gọi đầu tư, thì cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cần đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, một trong những nhà thầu lớn đến từ Đài Loan có hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam ông Peter Chang – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà đất Xuân Pha (Đài Loan, Trung Quốc) cũng đồng tình với quan điểm này, rằng cơ chế phối hợp phải rõ ràng, để nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể dự tính trước những phương án rủi ro có thể xảy ra, cũng như đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nhà nước và người dân.

Ông Nguyễn Viết Tân - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco kiến nghị, trong Dự thảo Luật PPP cần có các quy định rõ ràng để hạn chế sự can thiệp bằng biện pháp hành chính từ phía cơ quan nhà nước, nhằm đảm bảo tuân thủ hợp đồng đã ký kết.

Đồng thời, cần quy định rõ xử lý trách nhiệm như thế nào nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp sâu, gây ảnh hưởng đến phương án tài chính đã nêu tại hợp đồng.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, đã có 336 dự án thực hiện theo hình thức PPP, trong đó, chủ yếu theo hợp đồng BOT và BT. Hìnhthức PPP đã tạo ra một “lực hấp dẫn” đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng. Theo đó, PPP không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực, mà còn là phương thức đầu tư đem lại nhiều hiệu quả. Các dự án PPP tận dụng được sự sáng tạo của nhà đầu tư, thực hiện nhanh, đảm bảo không chỉ hiệu quả kinh tế mà cả hiệu quả xã hội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư PPP: Rủi ro do phía Nhà nước, ai chịu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO