Ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ có một bữa tối với nhiều điều để kỳ vọng giữa bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn còn đang căng thẳng.
>>Trung Quốc "vũ khí hóa" các khoáng sản quan trọng
2.000 USD là giá vé mà mỗi Giám đốc điều hành doanh nghiệp sẽ phải trả để được ăn tối với nhà lãnh đạo Trung Quốc tại San Francisco tuần này. Theo những nguồn tin không chính thức mà New York Times có được, bữa tối và tiệc chiêu đãi này do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung chủ trì. Theo đó, với 40.000 USD, các công ty sẽ có 8 ghế tại một bàn trong bữa tiệc và một ghế VIP tại bàn của ông Tập.
Bữa tối là một hoạt động bên lề cuộc gặp dự kiến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và phương Tây, đây là dịp không thể tốt hơn để trực tiếp lắng nghe những cam kết của ông Tập trong tái ổn định lại quan hệ thương mại đang dần tách rời với Hoa Kỳ.
Sự hấp dẫn của chương trình này cho thấy một câu hỏi lớn mà các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ muốn ông Tập trả lời, rằng quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ra sao trong xu hướng hiện tại; và liệu thị trường Trung Quốc có còn hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài.
Gần 1 thập kỷ đã qua, Hoa Kỳ đã ngày càng bày tỏ lo ngại về tham vọng quân sự và chính trị của Trung Quốc, qua đó tìm cách cắt đứt khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với công nghệ có thể được sử dụng để chống lại Hoa Kỳ. Để phản ứng, Trung Quốc cũng ngày càng siết chặt hoạt động của các công ty phương Tây, khiến các công ty đặt câu hỏi về sự bền vững khi đầu tư vào Trung Quốc.
Các công ty nước ngoài đặc biệt lo ngại về các quy định của Trung Quốc ngăn cản họ bán hàng cho chính phủ hoặc vào một số thị trường nhất định, cũng như luật chống gián điệp rộng hơn có thể dẫn đến án tù đối với các giám đốc điều hành công ty và nhà nghiên cứu kinh doanh trong các ngành nhạy cảm. Đồng thời, Mỹ đang tăng cường hạn chế đầu tư và bán công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc, vì cho rằng những mối quan hệ như vậy có thể gây ra mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn coi Trung Quốc là một thị trường thiết yếu, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm đến các quốc gia khác để đầu tư mới. Một cuộc khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung với các thành viên trong năm nay cho thấy 34% đã dừng hoặc giảm đầu tư theo kế hoạch vào Trung Quốc trong năm qua, tỷ lệ cao hơn so với những năm trước.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ vẫn bày tỏ sự quan tâm đến việc tăng cường mối quan hệ giữa 2 nước. Trong năm qua, chính quyền ông Biden đã cử nhiều quan chức hàng đầu tới Trung Quốc để cố gắng làm rõ với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách cắt đứt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh dù phải tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia.
>>"Cơn ác mộng" với ngành bán dẫn
Ông Jude Blanchette, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại CSIS, cho rằng sự tương tác giữa các quan chức Trung Quốc và khu vực doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm cố gắng gửi tín hiệu rằng Trung Quốc vẫn là một nơi hấp dẫn để kinh doanh, bằng chứng là các công ty này sẽ đổ xô đến gặp Tập Cận Bình và ăn tối với ông ấy.
Chuyến thăm sắp tới sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Tập tới Hoa Kỳ kể từ năm 2017, khi ông gặp Tổng thống Donald J. Trump tại khu bất động sản Mar-a-Lago ở Florida. Kể từ đó, quan hệ kinh doanh Mỹ-Trung đã thay đổi mạnh mẽ, nổi bật bởi các cuộc chiến tranh thương mại và tranh giành công nghệ tiên tiến và ảnh hưởng địa chính trị.
Bữa tối và tiệc chiêu đãi có sự góp mặt của ông Tập sẽ là một phần của “Hội nghị thượng đỉnh CEO” kéo dài hai ngày diễn ra bên lề cuộc họp lớn hơn của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC).
Ông Biden dự kiến sẽ gặp ông Tập vào thứ Tư tới, trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ sau một năm, dự kiến sẽ thảo luận về mối quan hệ kinh doanh và công nghệ, cũng như các vấn đề như liên lạc giữa quân đội các nước, và các thỏa thuận mới về quản lý trí tuệ nhân tạo.
Đối với Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cũng muốn giảm bớt sự hoài nghi của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, sức tiêu thụ hàng hóa và sản xuất đều giảm sút.
Ông Blanchette cho biết các quan chức Trung Quốc sẽ coi cuộc gặp là cơ hội để cố gắng thay đổi quỹ đạo của Mỹ trong việc kiểm soát công nghệ mà nước này đã áp đặt lên Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ khó có thể thay đổi lập trường của mình.
“Tôi nghĩ đây sẽ là một trong những vấn đề gây căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Và tôi chắc chắn rằng điều này sẽ được thông báo tới Bắc Kinh”, ông Blanchette nói.
Có thể bạn quan tâm
Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
03:30, 10/11/2023
Xe điện Trung Quốc trước nguy cơ vỡ “bong bóng”
04:30, 09/11/2023
Đừng “ăn xổi ở thì” tại thị trường Mỹ
04:30, 05/11/2023
Xung đột Israel - Hamas: Những hậu quả khó lường với Mỹ
03:30, 03/11/2023
Mỹ có nguy cơ phải can thiệp cùng lúc nhiều xung đột quân sự
03:30, 30/10/2023