Ngày 20/4, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo), Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh TNHH (EVNHCMC), Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTRANS).
Phát biểu tại diễn đàn, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thông tin về vấn đề tăng trưởng xanh của Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo ông, Việt Nam tiếp tục phải thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện tại Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia hiện còn bộc lộ một số hạn chế, bao gồm chưa nhận thức đầy đủ vai trò trong tham gia thực hiện tăng trưởng xanh ở các cấp; lối sống xanh chưa trở thành trào lưu trong xã hội, nhận thức xã hội còn hạn chế. Từ đây, ông đưa ra đề xuất cần lồng ghép tăng trưởng xanh vào giáo dục. Cần đưa vấn đề này vào đào tạo ngay từ đầu, từ cấp mầm non để tạo văn hóa xanh từ trong nhận thức, để mỗi người trở thành công dân xanh thì mới có xã hội xanh và tăng trưởng xanh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam, năng lượng tái tạo có nhu cầu năng lượng điện có tỷ trọng tăng cao nhất, tốc độ tăng trưởng cũng là tăng cao nhất. Từ đó, ông cho biết 6 kịch bản phát triển tổng thể năng lượng, trong đó chỉ ra rằng ở Kịch bản phát triển bình thường A0, tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 192 triệu TOE năm 2030 và lên 438 triệu đến năm 2050, tốc độ tăng trung bình là 6,5%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Tốc độ tăng trưởng các dạng năng lượng tái tạo như mặt trời và gió sẽ ở mức cao trong giai đoạn này. Ở kịch bản cơ sở mục tiêu trung bình A1 và mục tiêu cao A2, nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ được giảm xuống đáng kể với mức 173 triệu TOE ở kịch bản A1, 161,5 triệu TOE ở kịch bản A2 vào năm 2030.
Tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng sạch là xu hướng tất yếu, cần ưu tiên chuyển dịch công bằng và bền vững. Điện gió và điện mặt trời là hai khu vực có tiềm năng lớn, thu hút nhiều vốn đầu tư, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành trung tâm Phát triển sáng tạo xanh phát biểu tại hội nghị. Chuyển dịch năng lượng mang lại lợi ích lớn về môi trường làm việc trong lành, ít bụi bẩn và ít rủi ro hơn cho sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, mức lương người lao động trong ngành mới này cũng được đánh giá là cạnh tranh và xếp hạng tốt.
Trong khuôn khổ chương trình, bà Lê Thị Thoa, cán bộ cao cấp dự án BEM và CIRTS thuộc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (Đức) đã giới thiệu một số dự án của tổ chức đang đầu tư vào Việt Nam về lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đó là hai dự án đang được triển khai là Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững tại Việt Nam (BEM) và dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS).
Tham gia hội thảo còn có TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình bày về vấn đề vận động nguồn lực phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững và những định hướng phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về vấn đề năng lượng tái tạo trong giai đoạn mới và phương hướng phát triển năng lượng gắn với thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm