Đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công: Đầu tư công chờ 2022

Diendandoanhnghiep.vn Dù có quyết tâm đẩy mạnh đến đâu đi nữa, hơn 1 tháng rưỡi còn lại của năm 2021 cũng khó thể là thời gian đủ cho các Bộ ngành, địa phương hoàn tất nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Do đó, đã đến lúc cần bàn kế hoạch đầu tư công 2022, không để năm sau lặp lại như năm trước.

Nguy cơ... vỡ kế hoạch

Theo Bộ Tài chính thông tin, ước đến hết tháng 10, cả nước đã giải ngân 257.387 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tức còn 44,2% nữa trong kế hoạch chưa thể hoàn tất.

Dịch bệnh là nguyên do trực tiếp, cụ thể khiến giải ngân đầu tư chậm tiến độ. Như mọi lĩnh vực khác bị đình trệ vì giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu bị đứt đoạn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, bên cạnh là không huy động được nhân lực cho các công trình cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố. Các nguyên do này đều là bất khả kháng và không thể làm gì khác.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng trong những tháng đầu năm, quý 1/2021, giải ngân đầu tư rất chậm mặc dù dịch bệnh khi đó chưa căng thẳng ở nhiều địa phương. Hơn thế, ngay cả trong giai đoạn dịch thứ 4 bùng phát thì không phải tất cả các địa phương đều phải áp dụng giãn cách xã hội kéo dài. Vấn đề chậm giao vốn đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra khi Chính phủ đã triển khai giao kế hoạch đầu tư công 1 lần vào ngày cuối cùng của năm 2020, như vậy thì thời gian để các bộ ngành địa phương chịu trách nhiệm phân bổ kế hoạch chi tiết vốn cụ thể sẽ phải độ lùi sang đầu 2021.

Như vậy, kỷ luật giải ngân đầu tư công trong bình thường cùng với việc giao kế hoạch vốn sớm ngay từ những tháng cuối của năm trước, không để các địa phương “ăn” thời gian phân bổ sang năm sau là điều kiện để đầu tư công 2022 thoát ì ạch.

Cần tính trước chuyện đội vốn

2021 là năm đầu tư thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025; năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy cũng còn một nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022, dẫn đến chậm tiến độ.

 Vốn đầu tư công được coi là nguồn vốn “mồi” quan trọng, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư xã hội tham gia vào phát triển kinh tế đất nước. (Dự án đường vành đai 2 Đại La - Minh Khai. Ảnh:Phương Sơn)

Vốn đầu tư công được coi là nguồn vốn “mồi” quan trọng, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư xã hội tham gia vào phát triển kinh tế đất nước. (Dự án đường vành đai 2 Đại La - Minh Khai. Ảnh:Phương Sơn)

Sự “bỡ ngỡ” khởi động giai đoạn 5 năm chắc chắn sẽ không thể lặp lại ở năm thứ 2. Còn 1 yếu tố đã xuất hiện 2021 và có cảnh báo sẽ tiếp tục năm sau, tác động trực tiếp đến các dự án đầu tư 2022, đó là sự tăng giá nguyên vật liệu hàng hóa. Mặc dù tại Việt Nam, lạm phát đang là vấn đề dường như “hơi xa” do nền kinh tế vẫn đang kiểm soát tích cực các biến số vĩ mô, song trên toàn cầu, bóng ma lạm phát đang ngày càng đe dọa nghiêm trọng.

Thêm một lưu ý là không chỉ Việt Nam mới đặt trọng tâm thúc đẩy đầu tư công để kích thích nền kinh tế, mà nhiều quốc gia cũng chọn hướng đi này do đó, sự khan hiếm nguyên vật liệu sẽ còn được đẩy lên. Đình lạm được cho sẽ là vấn đề chung mà thế giới phải đối mặt và Việt Nam, trong bối cảnh còn rất nhiều mặt hàng phụ thuộc nhập khẩu bên ngoài cho cả các dự án hạ tầng cơ sở lẫn sản xuất của khu vực tư doanh, dân doanh, cũng sẽ phải tính đến ứng phó giá cả leo thang.

Làm thế nào để tính toán cho vốn trung chuyển của các dự án, đã được hạch toán từ những năm trước, “bao” được mức tăng giá đột biến mới để các dự án không đội vốn quá mức cho phép, khiến lại phải tính toán trình duyệt… như kịch bản chậm tiến độ của các dự án đầu tư công trước đây, là bài toán mà các Bộ ngành địa phương ngay khi tiếp nhận kế hoạch giao vốn, cần tính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Giải ngân vốn đầu tư công thấp "nằm ở tổ chức thực hiện"

Tại sao cùng một thể chế mà có địa phương đã giải ngân 100% vốn, thậm chí còn vượt số được giao, ứng tiền ra trước để làm, mà có tỉnh chỉ giải ngân được 18%? Đến cuối năm nay, dự báo giải ngân không thể cao được bằng năm 2020, chỉ đạt 80-85%.

Một nguyên nhân khác, là do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả... Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới.

Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm tới sẽ tập trung vào các tuyến đường ven biển chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025. Khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công.

(Nguồn: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội chiều ngày 11/11/2021)

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công: Đầu tư công chờ 2022 tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713477822 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713477822 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10