Đó là lời nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn hợp tác kinh doanh Nhật Bản-Mekong vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.
Theo TS Vũ Tiến Lộc: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật trong mọi lĩnh vực. Trong đó, hợp tác về kinh tế ngày càng khởi sắc, là điểm nhấn quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệp lực đã mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế 11 quốc gia thành viên và càng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.
Nhân sự kiện kỷ niệm 45 năm Thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản và Chương trình Giao lưu Văn hóa – Thương mại Việt Nam – Nhật Bản lần 4 tại TP Cần Thơ đã có 150 doanh nghiệp Nhật Bản đến giao lưu văn hóa, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại TP.Cần Thơ và một số địa phương trong vùng. Đây cũng là lần đầu tiên khu vực này đón đoàn doanh nghiệp Nhật Bản lớn như vậy. Đặc biệt là Ban tổ chức sự kiện đã tổ chức được cả chuyến bay thẳng khứ hồi để đáp ứng nhu cầu đi lại tiện lợi nhanh chóng cho doanh nghiệp Nhật Bản, hy vọng sắp tới sẽ có nhiều chuyến bay như thế và tiến tới bay thường xuyên đó là mục tiêu mà các địa phương trong vùng cũng nên hướng tới.
Tính đến nay, vùng ĐBSCL đã thu hút 170 dự án FDI Nhật bản với tổng vốn đăng ký tương đương trên 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 10 % trong tổng số vốn FDI của toàn vùng. Tại Diễn đàn nay, 13 tỉnh, thành trong vùng cũng đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Nhật Bản tổng cộng 63 dự án mời gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu tính trên bình diện chung cả nước thì thu hút vốn FDI Nhật Bản của khu vực chỉ chiếm khoảng 4%.
“Tôi nghĩ các nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ xem lợi nhuận là trên hết mà còn nêu cao trách nhiệm xã hội, vì sự phát triển cộng đồng nhất là đối với vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp nhưng phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai như vùng ĐBSCL. Do đó không vì lý do bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH mà khu vực này mất cơ hội thu hút vốn FDI Nhật Bản và các quốc gia khác”, Chủ tịch VCCI nhận định.
TS Lộc chia sẻ: “Việc Cần Thơ tiên phong xây dựng hạ tầng KCN dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản là sự trân trọng, như lời cam kết của chính quyền địa phương về tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, mong muốn khu vực này càng có thêm nhiều KCN theo hình thức như vậy.
Các chuyên gia kinh tế thế giới từng gợi ý Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới. “Bếp ăn” ở đây không chỉ nói riêng về ẩm thực mà nói rộng ra Việt Nam có thể trở thành nguồn cung cấp thực phẩm, nông sản ngũ cốc lớn nhất cho thế giới. Với những lợi thế được thiên nhiên ban tặng về nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết ôn hòa, khu vực ĐBSCL có đủ điều kiện để thực thi mục tiêu đó.”
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng: những tiềm năng của vùng ĐBSCL ít có nơi nào có được, lý do thời gian qua doanh nghiệp Nhật Bản chưa đầu tư ở đây chính là vì họ rất thiếu thông tin về vùng đất này. Người Nhật rất cẩn thận nếu không biết rõ văn hóa, vùng đất con người nơi đầu tư kinh doanh thì dù một đồng họ cũng không dám đầu tư.
Cùng quan điểm trên, ông Noboru Kondo - Chủ tịch Tập đoàn Brain Works chia sẻ: “Khi đầu tư kinh doanh, người Nhật luôn quan niệm: Làm việc gì không quan trọng bằng làm với ai, văn hóa luôn đi trước trong kinh doanh, đầu tư, đó là lý do mà Brain Works phải cân nhắc đến 3 năm mới tiến hành đầu tư tại TP.Cần Thơ”.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ: có 8 lý do mà các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng nên đầu tư tại vùng ĐBSCL, đó là: môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; có vùng nguyên liệu phong phú; có lực lượng lao động dồi dào chi phí thấp; thị trường tiêu thụ tại chỗ rất hấp dẫn; đất sạch dành cho nhà đầu tư còn rất lớn với chi phí thuê đất thấp; dư địa cho nhiều lĩnh vực đầu tư mới như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ICT, logistics, điện gió, bất động sản du lịch, và biến đổi khí hậu tuy nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội đầu tư công trình kỹ thuật công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giám đốc CA Consultants Việt Nam-Seki Takehiko có 13 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam chia sẻ: Khi mới đến Việt Nam ông chỉ là một lao động bình thường. Trước những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, chưa am hiểu văn hóa của nhau nên có nhiều việc làm ông phải hoảng hốt định quay về Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm trụ lại Việt Nam, ông đã cảm thấy thấy mọi việc rất ổn, khi đã hiểu nhau thì không còn thấy khó chịu, ngược lại còn cảm thấy đất nước, con người Việt Nam rất đáng yêu. Từ một người làm công, sau 13 năm ông Seki Takehiko đã thành lập được công ty với quy mô 40 nhân viên và đang làm ăn rất thuận lợi tại Việt Nam.
Theo chương trình, ngày 3/11 bên cạnh diễn đàn Hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mekong, còn có các sự kiện như Hội chợ việc làm Nhật Bản - Japan Job Fair, Hội thảo khoa học quốc tế Giao lưu văn hóa Việt - Nhật vùng ĐBSCL. Ngày 4/11, Ban tổ chức sẽ đưa đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đi khảo sát thực tế Xúc tiến phát triển Du lịch vùng ĐBSCL và cuối cùng là Lễ bế mạc, Chương trình giao lưu văn hóa thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4. Dịp này Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đã trao tặng kỷ niệm chương cho “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp” cho Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống và ông Noboru Kondo - Chủ tịch Tập đoàn Brain Works vì có nhiều thành tích trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản. |