Trao đổi với DĐDN, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ: Để cải thiện PCI tỉnh đang triển khai bộ chỉ số DDCI hằng năm. Đây là “chìa khóa” giúp tỉnh Điện Biên nâng cao chỉ số PCI.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho hay, doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh trong những năm qua khắp cả nước là điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng... Nhận thức được điều này, Điện Biên luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển trên địa bàn. Đặc biệt là thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), thống nhất quan điểm thay đổi tư tưởng, tác phong làm việc từ “Cấp phép” sang “Phục vụ” doanh nghiệp.
- Việc thay đổi từ “Cấp phép” sang “Phục vụ” doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC đã đạt được những kết quả như thế nào trong thời gian qua thưa ông?
Hiện tỉnh đã cắt giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày làm việc theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2022, xuống còn 1,5 ngày làm việc và ít hơn. TTHC về đăng ký doanh nghiệp được thực hiện liên thông trên môi trường mạng giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc nộp hồ sơ qua mạng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích (4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ nộp hồ sơ qua mạng của tỉnh ước đạt 90%). Như vậy trong thời gian ngắn nhất, chi phí ít nhất, doanh nghiệp có thể thực hiện TTHC về đăng ký doanh nghiệp qua mạng từ xa và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) trên địa bàn tỉnh theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp NVV giai đoạn 2019-2023 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 114/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 02/8/2019, cụ thể với 4 nội dung chính là: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp NVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần tạo nên tốc độ kinh tế khá ấn tượng. Minh chứng, quý I năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 3/8 tỉnh vùng Tây Bắc, xếp thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh thành cả nước.
- Chắc hẳn đây cũng là một trong những giải pháp Điện Biên Cải thiện các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đặc biệt là hai chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giảm 1.8 điểm so năm 2021 (4.29 – 6.09) và Đào tạo lao động giảm 0.84 điểm so với năm 2021 (4.54 – 5.38)?
Đúng vậy! Để cải thiện chỉ số PCI năm 2023, Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy những kết quả tích cực đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là những chỉ số thành phần bị giảm điểm mạnh, cụ thể như, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp NVV giai đoạn 2023 - 2025, nhằm tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy và phát triển mới các loại hình doanhnghiệp, nhất là các doanh nghiệp NVV. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Hỗ trợ doanh nghiệp NVV tăng dần quy mô, áp dụng các mô hình kinh doanh phù hợp để phát triển bền vững, gia tăng tỷ trọng doanh nghiệp vừa và lớn trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hình thành các cụm liên kết ngành, phát triển các doanh nghiệp chế biến, cung ứng gắn với gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh. Từng bước xây dựng các doanh nghiệp dẫn đầu có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý,...
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút đầu tư; xây dựng danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh theo giai đoạn 5 năm; nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được các sở, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, các hoạt động hỗ trợ thường xuyên của Trung tâm Xúc tiến đầu tư trong việc tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về TTHC, kết nối nguồn vốn cho doanh nghiệp NVV, các doanh nghiệp mới thành lập, tập hợp các khó khăn, vướng mắc để đề xuất tháo gỡ. Tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật các thông tin trên website: http://dienbiendpi.gov.vn của Sở KH&ĐT tỉnh Điên Biên.
Với chỉ số Đào tạo lao động, tỉnh đã tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền, các cơ sở đào tạo. Cần có buổi làm việc chính thức giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tại tỉnh để phối hợp trong công tác đào tạo, tuyển dụng. Về đào tạo, cần nắm bắt đúng nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng thừa, thiếu lao động giữa các ngành nghề. Ngoài ra, cơ sở đào tạo nên bổ sung các hoạt động thực tế, tạo điều kiện cho người học có cơ hội tham quan, thực tập tại doanh nghiệp.
Chỉ đạo các cơ sở đào tạo tăng cường công tác cải thiện cơ sở vật chất. Trang thiết bị cũ kỹ, lỗi thời trong đào tạo nghề sẽ khiến lao động không bắt kịp với thực tế khi làm việc tại doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các cơ sở đào tạo mời doanh nghiệp tham gia một số học phần để tăng tính thực tế. Nâng cao phúc lợi cho lao động có trình độ, tay nghề để giữ chân lao động,…
- Thưa ông, thực tế ở một số địa phương có tình trạng trên “trải thảm” dưới “rải đinh” (tỉnh đồng hành phục vụ còn một số cán bộ, huyện, thị) gây khó cho doanh nghiệp ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của tỉnh. Với Điện Biên vấn đề này đã được xử lý ra sao?
Để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn có chủ trương sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh luôn trân trọng, sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà đầu tư thực sự có ý tưởng làm ăn chân chính, góp sức xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển. Tùy vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của mình, các ngành chức năng tỉnh cũng thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, có một thực tế, vẫn còn tình trạng “trên thoáng dưới chưa thông” hoặc “trên bảo dưới không nghe” vẫn còn diễn ra ở một số đơn vị. Trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn “những con sâu làm rầu nồi canh”, vi phạm đạo đức công vụ, thái độ quan liêu, sách nhiễu, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian tới Điện Biên sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở những sở, ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm giải quyết các công việc liên quan trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh công khai, minh bạch, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giao dịch TTHC, giám sát các bước trong quy trình giải quyết công việc để đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhất là xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân với từng công việc cụ thể. Thông qua các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời, quyết liệt luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức ở những vị trí "nhạy cảm", dễ phát sinh tiêu cực; đưa ra khỏi vị trí, bộ máy những trường hợp yếu kém, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Điều đáng nói là, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm đối với những hạn chế, yếu kém của cán bộ trong các lĩnh vực mình quản lý. Có như vậy, doanh nghiệp mới có sân chơi lành mạnh, mạnh dạn đầu tư kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp cho ngân sách và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Điện Biên cũng rất quan tâm và xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên viên ở những bộ phận, vị trí thường xuyên tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc. Cùng với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện nay, tỉnh có các cơ chế thu hút những người có năng lực và đạo đức tốt làm việc trong bộ máy hành chính; kiên quyết xử lý trách nhiệm, luân chuyển, tinh giảm những trường hợp không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ.
>>>Điện Biên nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương
Đặc biệt, tỉnh đang triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) hằng năm. Đây là chìa khóa giúp tỉnh Điện Biên nâng cao chỉ số PCI. Với các chỉ số tương thích chỉ số thành phần của PCI, DDCI sẽ tạo kênh thông tin tin cậy, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành. Qua đó, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng thể, đầy đủ hơn cũng như "chỉ mặt, đặt tên" được các điểm nghẽn, lực cản trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời. Thứ hạng DDCI hằng năm cũng sẽ tạo động lực, áp lực để các sở, ngành, đơn vị, địa phương cải cách, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, giảm sức ỳ để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Từ những chính sách hỗ trợ từ chính quyền các cấp, theo ông doanh nghiệp cần làm gì đồng hành cùng chính quyền?
Chính quyền Điện Biên ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh trong thời gian qua.Tuy nhiên, để tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, an ninh - chính trị ngày càng ổn định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh trên địa bàn,
Điện Biên đề nghị cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cần phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, chủ động có giải pháp dài hạn, ngắn hạn và chủ động trao đổi với chính quyền địa phương để chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển ổn định; tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh trong thực hiện, triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án trên địa bàn; thường xuyên đóng góp các ý kiến tham gia, chia sẻ khách quan về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; các doanh nghiệp cần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao vai trò của các HHDN trong tỉnh, đồng thời phát huy vai trò là chỗ dựa cho doanh nghiệp khởi nghiệp - sáng tạo, phát triển hội viên, nâng cao chất lượng, số lượng các hoạt động, đặc biệt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và kết nối giao thương giữa các tỉnh,...
Song song với đó, để tiến tới hội nhập sâu rộng ở cả trong nước và Quốc tế, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp theo Quyết định số 3179/QĐ-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
22:52, 18/05/2023
12:33, 13/05/2023
03:54, 05/05/2023
04:00, 27/04/2023
23:00, 31/03/2023