DDCI là công cụ thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh - Bằng chứng và kỳ vọng đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
Ngày 20/11/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các sở ban ngành và địa phương về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết, phương pháp khảo sát, đánh giá năng lực điều hành.
Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch HHDN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) – “Chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Chính quyền kiến tạo, hành động vì doanh nghiệp đang là mục tiêu hướng tới trong công cuộc cải cách hiện nay mà Vĩnh Phúc hướng tới.
Kết quả xếp hạng DDCI tỉnh Vĩnh Phúc theo từng năm đã tạo “sức nóng” để mỗi sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị, địa phương mình. Từ đó, có những kế hoạch, giải pháp mới, nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo môi trường thông thoáng, thu hút doanh nghiệp tốt hơn.
Những năm qua, HHDN tỉnh luôn thực hiện tốt chức năng tập hợp, đoàn kết hội viên là các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập; đặc biệt thể hiện tốt vai trò “cầu nối” doanh nghiệp với chính quyền tỉnh để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
HHDN tỉnh luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác ngắn và dài hạn tham mưu UBND tỉnh đề ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Hiệp hội cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ và của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp như cập nhật, truyền tải thông tin, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao kiến thức cho lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ chuyên môn thực hiện các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh.
Hằng năm, Hiệp hội tổ chức khảo sát, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại công khai ít nhất 2 lần/năm giữa lãnh đạo UBND tỉnh với chủ doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, Hiệp hội tham gia tư vấn, phản biện các chính sách liên quan đến doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn khởi nghiệp để doanh nghiệp được tiếp cận thông tin từ các chuyên gia kinh tế và mở rộng đầu tư, liên doanh, liên kết. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, tạo sự gắn bó, chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hiệp hội cũng phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hàng chục hội thảo chuyên đề; mở rộng liên kết hợp tác với các trường và các doanh nghiệp khác trong tỉnh. Tổ chức khảo sát, đánh giá phản hồi của doanh nghiệp về năng lực điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI) và chỉ số xanh PGI.
Chủ tịch HHDN tỉnh Phạm Thị Hồng Thủy chia sẻ, với vai trò đầu mối thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hằng năm, Hiệp hội thực hiện điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các sở, ngành, địa phương (DDCI).
Khảo sát DDCI có tác động tích cực, tạo mối quan hệ “bắc cầu” tới Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, PCI Vĩnh Phúc đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền hướng đến người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Hiệp hội đã vận động doanh nghiệp tham gia Chương trình “Gặp gỡ doanh nhân hàng tuần” để giải quyết những vướng mắc kịp thời. HHDN tỉnh thực sự trở thành “cầu nối” giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, tạo sự cởi mở, thân thiện giữa cơ quan sự nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp. Bà Thủy cho hay.
Thực hiện kế hoạch 156/KH-UBND ngày 20-6-2024 của UBND tỉnh về việc khảo sát, đánh giá năng lực điều hành của các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024-2026, theo đó UBND tỉnh giao HHDN tỉnh là đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch nêu trên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đường Trọng Khang, Tổng thư ký HHDN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khảo sát đánh giá năng lực điều hành về DDCI nhằm tiếp tục tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nhằm tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
Khảo sát, đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố (DDCI) thực hiện trong 03 năm 2024- 2026. Trên cơ sở kết quả đánh giá DDCI các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nhận diện được những điểm mạnh cần phát huy, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế của những lĩnh vực được khảo sát, có giải pháp cải thiện chất lượng điều hành góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh những năm tiếp theo.
Thực hiện truyền thông mạnh mẽ về DDCI của Vĩnh Phúc, coi đây là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (PCI) của tỉnh.
Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Tổng hợp thông tin, tiếp tục tạo nền tảng tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua mạng xã hội; tạo kênh chủ động tiếp nhận thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp để công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, kịp thời và thiết thực.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh khuyến nghị tại hội nghị thúc đẩy nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2024 – 2026 của Vĩnh Phúc, đưa ra một số biện pháp nâng cao chỉ số DDCI.
Theo đó, trên cơ sở đưa ra những điểm hạn chế, những “nút thắt” trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính ở đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao, ông Bắc gợi mở một số giải pháp, khuyến nghị đối với các đơn vị tham gia tại hội nghị tập huấn do HHDN tỉnh tổ chức.
Trong bối cảnh mới, Vĩnh Phúc cần tích cực kết nối với các ngành chức năng và xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp để cùng chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; xây dựng văn hoá tổ chức, văn hóa công vụ trong thực hiện dịch vụ công; văn hoá số; văn hóa trong kiến tạo sức mạnh trong đội ngũ... Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Tiến sỹ Nguyễn Phương Bắc nhấn mạnh: “Giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố mà chính là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của doanh nghiệp. Kết quả DDCI là sự cảm nhận, đánh giá khách quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh về chất lượng đồng hành của các đơn vị mà họ trực tiếp tương tác. Có như vậy, mới khơi dậy và thôi thúc được tinh thần, động lực thi đua, cạnh tranh về những nỗ lực trong nâng cao chất lượng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, chưa có một thời điểm nào, tinh thần đổi mới, đồng hành cùng doanh nghiệp được các tỉnh, thành phố chỉ đạo mạnh mẽ như hiện nay. Mặc dù vậy, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, điểm nghẽn quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh toàn tỉnh, tạo sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang nằm ở sự cải thiện còn hạn chế ở các chỉ số thành phần. Việc sửa điểm yếu “Sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở cấp sở, ngành” vẫn chậm được khắc phục.
Việc công bố năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tiếp tục để lại sự kỳ vọng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Kết quả DDCI là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều đó khiến doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện chính sách sau này. Với một phong trào thi đua sôi nổi, đây sẽ là một bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẳng định quyết tâm của tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“DDCI tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tạo sự đoàn kết, làm động lực thúc đẩy cho công cuộc cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp đạt kết quả cao, với phương châm: Suy nghĩ thật, hành động thật, có kết quả thật và được thụ hưởng thật”, ông Nguyễn Phương Bắc nhấn mạnh.