Hội Liên hiệp phụ nữ VN phối hợp với Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tọa đàm đánh giá kết quả thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 939).
Đề án 939 đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tiềm năng sáng tạo, tinh thần tự lực, tự tin; tạo điều kiện cho phụ nữ trong tỉnh hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, vươn lên làm giàu.
Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định nội dung vận động, hỗ trợ sinh kế, cải thiện cuộc sống, sáng tạo khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, ngay từ khi TƯ Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã chủ động nghiên cứu, tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật, khảo sát nhu cầu thực tiễn, phân tích khó khăn, hạn chế, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, lồng ghép thực hiện các chủ trương của tỉnh có liên quan đến thành lập doanh nghiệp và Hợp tác xã để triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 40 lớp tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên về kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, ý tưởng kinh doanh; lập kế hoạch kinh doanh; lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh…
Hỗ trợ 6 mô hình sinh kế cho 30 hội viên nghèo tại các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo, Yên Lạc, Tam Dương; hỗ trợ 270 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ hơn 30 ý tưởng khởi nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ với tổng số vốn gần 3 tỷ đồng…
Cùng với đó, các cấp hội đã duy trì và thành lập hơn 30 mô hình hợp tác xã/tổ liên kết/tổ hợp tác; 100% tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới do phụ nữ thành lập và điều hành được hỗ trợ thủ tục thành lập, vốn, kiến thức…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai Đề án 939; đồng thời đề xuất, kiến nghị với Hội LHPN Việt Nam một số nội dung như tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, khởi nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại; lồng ghép các hoạt động đề án và nguồn vốn huy động xã hội hóa...
Doanh nhân nữ không chỉ kiên trì, bền bỉ chèo lái hoạt động kinh doanh vượt qua các khó khăn dịch bệnh, mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết dấn thân vào các lĩnh vực mới.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, các doanh nghiệp, hợp tác xã còn có một số doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ bị hạn chế về quy mô, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã là năng lực và trình độ quản trị còn hạn chế, thiếu bài bản, chuyên nghiệp và chưa tiệm cận được các chuẩn mực, thông lệ tốt của khu vực và thế giới.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026 - 2035, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế; hỗ trợ phụ nữ đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh doanh và khởi nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, khởi nghiệp...