Để giảm phiền hà cho người bệnh khi chuyển viện

LAM SONG 27/12/2023 01:00

Thủ tục chuyển viện theo bảo hiểm y tế (BHYT) lên tuyến trên hoặc về tuyến dưới còn nhiều phức tạp và mất thời gian.

Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người bện bỏ điều trị theo bảo hiểm y tế.

Theo quy định, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh muốn chuyển lên tuyến trên thì phải xin giấy chuyển tuyến. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp người bị bệnh nặng đi khám ở thành phố, nhưng bị yêu cầu quay về quê nhà để xin giấy chuyển tuyến, gây mệt mỏi, phiền hà cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân.

Theo thống kê, hiện đã có trên 93% người dân tham gia bảo hiểm y tế, con số này sẽ còn tăng lên. Điều đó có nghĩa mỗi thay đổi về thủ tục, mỗi sự thuận lợi hơn của bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng đến từng người dân.

fff

Nhiều người dân ngại thủ tục rườm rà nên đã không sử dụng BHYT khi chuyển viện.

Việc nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng hiệu quả sử dụng ít ỏi do thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp, trong khi người bệnh đó có nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến y tế chuyên sâu và do danh mục thuốc của tuyến cơ bản còn hạn hẹp đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Làm sao để những người bệnh này sử dụng được thẻ, bảo đảm quyền lợi của người đã dành thu nhập nhiều chục năm để đóng phí bảo hiểm, đó chính là điều các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi nhất lúc này.

Mới đây, tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã phản ánh ý kiến của cử tri về vấn đề này. Theo đó, vị đại biểu này cho biết, có rất nhiều ý kiến về việc bệnh nhân khi đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện, gây phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng "barie đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ", đồng thời đề nghị đẩy mạnh tiến trình thông tuyến trong lần sửa đổi Luật BHYT sắp tới, để người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc chuyển bảo hiểm có hai ý nghĩa. Thứ nhất, để quản lý quỹ cho BHYT và không để vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều với những bệnh thông thường. Thứ hai, để giải quyết vấn đề này đại biểu đề xuất, cơ sở y tế tuyến huyện làm được các kỹ thuật gì thì cần công khai danh mục đó, còn kỹ thuật nào không làm được thì đương nhiên người dân được phép chuyển mà không cần phải xin giấy chuyển.

Trước những ý kiến trên, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam cho rằng, việc quản lý khám chữa bệnh tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết. Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế, đồng thời nhu cầu khám chữa bệnh tập trung ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả với các trường hợp không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh.

Điều này, theo ông Lê Văn Phúc không chỉ gây quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên, gây phiền hà cho chính người bệnh mà còn gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng.

Vẫn theo vị Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, giấy chuyển tuyến vẫn là thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân rất mệt mỏi khi phải thực hiện việc xin giấy chuyển viện, nhất là những người bệnh nặng. Mặc dù có nhiều cố gắng, thế nhưng giữa các bệnh viện địa phương và trung ương vẫn sự chênh lệch về nhiều mặt, khiến xu hướng chuyển tuyến bệnh nhân nặng cao hơn.

Ở một góc độ khác, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế thừa nhận tình trạng nhiều người mắc bệnh mạn tính, phải đi tái khám nhiều lần trong năm, mỗi lần tái khám lại bị yêu cầu phải có giấy chuyển tuyến/chuyển viện mới được thanh toán bảo hiểm y tế. Nhiều bệnh nhân không đủ kiên nhẫn xin giấy chuyển nên tự bỏ tiền đi khám dịch vụ, không được thanh toán bảo hiểm y tế.

"Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng có tình trạng này", bà Trang nói và cho biết thêm rằng Bộ đã có nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn liên quan đến giấy hẹn khám lại, đặt lịch khám lại.

Theo bà Trang, Chỉ thị số 25 năm 2020 của Bộ trưởng Y tế quy định các cơ sở phải phân luồng người bệnh hẹn tái khám, thực hiện hệ thống hẹn lịch trên điện thoại, online để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi. Bộ Y tế thường xuyên có công văn đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện việc này.

Bộ Y tế đang nghiên cứu cách làm đơn giản hơn về giấy hẹn tái khám. Theo đó thay vì bắt buộc phải là lãnh đạo cơ sở y tế ký giấy này như hiện nay thi có thể phân cấp cho các trưởng khoa, phòng trong cơ sở khám chữa bệnh để nhiều người có thể ký giấy này, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi.

Theo bà Trần Thị Trang, giấy chuyển tuyến điện tử có thể tích hợp vào ứng dụng thẻ bảo hiểm y tế, mã thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh hoặc mã định danh công dân hoặc thông qua hệ thống VssID của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Người bệnh đến cơ sở yêu cầu giấy hẹn tái khám có thể mang thẻ bảo hiểm y tế điện tử hoặc mã định danh công dân trình cơ sở tiếp nhận để được khám chữa bệnh, hưởng bảo hiểm y tế theo quy định. Hoặc thông qua hệ thống VssID, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tự tra cứu. Sau thời gian chạy thử, Bộ Y tế sẽ có hiệu chỉnh và ban hành chính thức.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân. Việc giảm thủ tục phiền hà cho người dân khi đi khám chữa bệnh phải bảo đảm sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên tuyến trên.

Được biết, trong văn bản gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nêu ý kiến cần nghiên cứu, quy định áp dụng thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên sâu như ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật, lao kháng thuốc, HIV. Những trường hợp này hiện vẫn phải xin giấy chuyển tuyến lại mỗi năm, mà mỗi lần chuyển là một lần cam go.

Với những trường hợp bệnh mạn tính và đã chuyển nơi cư trú (nhưng hộ khẩu vẫn ở quê cũ), nên chăng xem xét cấp thẻ bảo hiểm hoặc cho phép khám chữa bệnh tại nơi ở mới, thay vì mỗi năm phải về quê một lần xin giấy chuyển tuyến với thủ tục khó khăn.

Bên cạnh đó là có quy định minh bạch về việc tuyến y tế cơ bản (quận huyện) điều trị bệnh gì và tuyến y tế chuyên sâu (tuyến tỉnh, trung ương) không điều trị danh mục gì, để việc chuyển tuyến được thuận lợi hơn, tránh xin - cho. Đồng thời xem xét có giấy chuyển tuyến điện tử để người bệnh thuận lợi hơn, thay vì giấy chuyển tuyến bản cứng như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • BHXH Điện Biên: Trao tặng 740 sổ BHXH, 20 thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn

    09:17, 26/12/2023

  • BHXH Việt Nam: Công khai, minh bạch, hiệu quả trong xây dựng, phân bổ dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT

    18:46, 21/12/2023

  • Hoàn trả chi phí thuốc BHYT: Cần quy định cụ thể, chi tiết

    11:29, 20/12/2023

  • BHXH Việt Nam: Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và sửa luật BHYT

    02:30, 20/12/2023

  • BHXH Việt Nam: Quyết liệt đôn đốc thu, giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN xuống mức thấp nhất

    15:06, 14/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để giảm phiền hà cho người bệnh khi chuyển viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO