Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế: Vì mục tiêu chung của quốc gia

TRUNG THÀNH – HẢI NGÂN 20/11/2021 04:00

LTS: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Đây được kỳ vọng là “lối tắt” cho Hải Phòng bứt phá.

>>Quốc hội "chốt" 4 địa phương được hưởng cơ chế đặc thù

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu quốc hội TP Hải Phòng khẳng định: Cần xác định tầm nhìn không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước.

Có thể nói, sự khởi đầu này được cho là động lực để TP Hải Phòng kích hoạt các tiềm năng, lợi thế của mình, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Theo ông, Nghị quyết này sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và khơi dậy tiềm năng của TP Hải Phòng thế nào?

Trong thời gian vừa qua, TP Hải Phòng cũng chứng minh là một trong những hình mẫu về phát triển với sự tăng trưởng rất cao và sự thay đổi về diện mạo thành phố cũng dễ nhận thấy. Đây là một động lực rất quan trọng và là tiền đề để Hải Phòng tiếp tục thực hiện những chủ trương, đường lối của mình, cũng như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về việc muốn Hải Phòng trở thành một hình mẫu, một trong những địa phương “đi sớm nhất” từ nay đến năm 2030 về công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Phải nói nghiêm túc với lợi thế về mặt địa lý, Hải Phòng có vị thế về địa chính trị, chiến lược, kinh tế và quốc phòng. Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng, mà còn phát triển để cho đất nước, trở thành một cánh tay nối dài của thủ đô Hà Nội. Đồng thời là cửa ngõ duy nhất gần 300 năm người Pháp đã xác định, không nhầm lẫn nó sẽ là cửa ngõ cho vùng miền Bắc Việt Nam.

Chính vì thế, Nghị quyết Quốc hội mà lần này TP Hải Phòng thực hiện tốt thì nó tiếp tục là nền tảng, là động lực để Hải Phòng thực hiện giai đoạn 2 của chính sách đặc thù mà rồi Quốc hội cũng phải xem xét.

- Vậy giai đoạn 2 của chính sách đặc thù mà ông nói đến là gì?

Thực ra Hải Phòng mong muốn trở thành một khu vực, đô thị mà có một cơ chế, xin một cơ chế đặc thù về thương mại tự do mang tính chất mở. Cơ chế này quá mới, nhưng như thế nó mới tương xứng với vai trò và tầm cỡ của Hải Phòng để trở thành một hình mẫu, điểm đột phá, góp phần thực hiện tư tưởng lớn của Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII.

 Cầu Hoàng Văn Thụ là công trình giao thông đặc biệt với tổng mức đầu tư 2.173 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Hải Phòng.br class=

Cầu Hoàng Văn Thụ là công trình giao thông đặc biệt với tổng mức đầu tư 2.173 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Hải Phòng. Ảnh: H.N

Và Quốc hội thông qua nhóm 4 chính sách đặc thù. Nếu như cơ chế chính sách mới mà Bộ Chính trị xem xét cũng như Quốc hội tiếp tục xem xét, trong đó cơ chế thương mại tự do và mở có thể áp dụng được ở Việt Nam và Hải Phòng có thể được chọn ở điểm đầu thì mong muốn của Hải Phòng tôi nghĩ rằng sẽ được thực hiện. Và cá nhân tôi nghĩ rằng nên mạnh dạn thực hiện.

- Vậy theo ông cần làm gì để có thể vẫn hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương nhưng tránh được phong trào xin cơ chế đặc thù, thưa ông?

Đã gọi đặc thù tức là nó mang tính chất của sự khác biệt, không đồng nhất hoá. Bởi vì cũng có đại biểu băn khoăn rằng: “Vậy thì các tỉnh khác có đặc thù không?”.

Về điều này, tỉnh nào cũng đặc thù, nhưng nó còn tiêu chí về vị trí chiến lược. Vì vậy, tôi cho rằng, cái đặc thù đó, nó phải chú ý vào tháo gỡ các nút thắt thực tiễn mà trong quá trình các địa phương làm.

Như chính giải thích của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: dù thể chế nước ta là một khuôn khổ thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới. Trên cơ sở kết quả thí điểm này chúng ta sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên toàn quốc. Việc thí điểm vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.

- Xin cảm ơn ông!

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Để thực hiện các chỉ tiêu rất cao của Nghị quyết 45, điều Hải Phòng cần là những cơ chế, chính sách đặc biệt. Một số cơ chế đặc thù hiện nay của các địa phương chủ yếu là chuyển một số quyền lực từ các cơ quan trung ương về cấp tỉnh, thành phố. Nếu Hải Phòng cũng chỉ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như thế thì thực chất vẫn là giữ “đồng phục” cơ chế và “chia đều” nguồn lực như các địa phương, chưa thể hiện rõ được tính chất “mới, đột phá”. Nếu tiếp tục phát triển thành phố theo cách thức và cơ chế như vậy, sẽ khó giúp Hải Phòng giải quyết được các vấn đề tương lai, làm tròn sứ mệnh - chức năng đối với nền kinh tế và vùng.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam:

Các lợi thế mà Hải Phòng sở hữu là lợi thế quốc gia. Từ đó, không thể chỉ nhìn Hải Phòng một cách riêng rẽ, là việc riêng của Hải Phòng và xuất phát từ lợi ích của Hải Phòng mà phải là cách tiếp cận tổng thể, toàn cục, vì lợi ích quốc gia và là việc chung của quốc gia. Do đó, Hải Phòng cần mô hình mới, để trở thành đô thị đặc thù hiện đại, sánh vai các thành phố quốc tế. Điều đó sẽ biến Hải Phòng trở thành địa phương khai phá, một hình mẫu cải cách phát triển đột phá của cả nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội

    Quốc hội "chốt" 4 địa phương được hưởng cơ chế đặc thù

    11:09, 13/11/2021

  • Cơ chế đặc thù có tạo nên sự phát triển đặc biệt?

    Cơ chế đặc thù có tạo nên sự phát triển đặc biệt?

    04:00, 13/11/2021

  • Áp dụng cơ chế đặc thù để chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng

    Áp dụng cơ chế đặc thù để chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng

    11:00, 09/11/2021

  • Hôm nay, Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù cho một số địa phương

    Hôm nay, Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù cho một số địa phương

    05:00, 27/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để Hải Phòng thành cực tăng trưởng kinh tế: Vì mục tiêu chung của quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO