Đây là góp ý của VCCI tại văn bản góp ý dự thảo Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Có thể bạn quan tâm
20:30, 15/04/2019
04:40, 27/02/2019
14:10, 08/04/2019
Hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay làm tăng chi phí doanh nghiệp
Điều 4a của Dự thảo tập trung vào việc hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thông qua hai quy định: (1) chỉ giải ngân trực tiếp khi khách hàng có lịch sử tín dụng tốt; và (2) tổng dư nợ giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Lý giải cho quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng: “cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay” và “để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả”.
Theo suy đoán, quy định này hướng sẽ có tác dụng trực tiếp hạn chế các khoản nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, giúp bảo đảm thanh khoản và an toàn tài chính. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tình hình nợ xấu cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở mức độ nào, đã có trường hợp công ty tài chính nào mất thanh khoản vì lý do cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp quá mức hay chưa?
Kể cả trong trường hợp đã có công ty tài chính mất thanh khoản vì cho vay tiêu dùng thì liệu có cần thiết phải áp dụng biện pháp này không khi nó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh của các công ty tài chính, khiến cho việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng trở nên đắt đỏ và khó khăn hơn.
VCCI cũng đưa ra lưu ý rằng, cùng là hoạt động cấp tín dụng, nhưng mục tiêu quản lý các ngân hàng khác so với mục tiêu quản lý các công ty tài chính. Đối với các ngân hàng, do huy động tiền gửi từ cá nhân, nên việc bảo đảm thanh khoản, bảo đảm an ninh tài chính – tiền tệ là mục tiêu quan trọng. Do đó, việc áp dụng các quy định để chống nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng là rất cần thiết. Đối với các công ty tài chính thì mục tiêu quản lý theo chúng tôi cần hướng vào việc chống gian lận, lừa đảo, mất an ninh trật tự.
Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc đưa ra chính sách hạn chế giải ngân trực tiếp, cần giải trình rõ hơn về sự cần thiết của quy định này trong bối cảnh đẩy lùi tín dụng đen, đặc biệt là vấn đề thực trạng nợ xấu và tính thanh khoản của các công ty tài chính.
Trong trường hợp cơ quan soạn thảo đưa ra được các lý do và dẫn chứng cụ thể về sự cần thiết của quy định này, thì cũng cần nghiên cứu thêm một số quy định mang tính chuyển tiếp, mềm mỏng hơn.
“VCCI lấy ví dụ như việc không áp dụng Điều 4a.3 về lịch sử tín dụng đối với khách hàng vay trong lần đầu tiên vì lúc này chưa có lịch sử tín dụng để tra cứu. Đưa ra thời gian chuyển tiếp để các công ty tài chính tiến hành phân loại khoản vay và giảm dần các khoản vay giải ngân trực tiếp về mức 30% tổng dư nợ tín dụng”, VCCI nhấn mạnh.
Cung cấp thông tin cho khách hàng vay
VCCI ghi nhận qua thực tế phản ánh nhiều trường hợp có mâu thuẫn giữa khách hàng vay và công ty tài chính xuất phát từ việc khách hàng vay không nắm rõ thông tin về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Đây cũng là cơ hội để một số nhân viên của các công ty tài chính có thể lợi dụng để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của khách hàng như đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua. Giải pháp tốt nhất để chống lại hiện tượng này là các khách hàng vay phải được cung cấp đầy đủ thông tin về quyền và nghĩa vụ của hai bên.
Điều 10.4 và Điều 10.5 của Thông tư 43 đã có quy định yêu cầu công ty tài chính phải (1) cung cấp dự thảo hợp đồng cho khách hàng trước khi ký; (2) giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực nội dung hợp đồng; (3) niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và website; (4) lấy xác nhận của khách hàng về việc đã được cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Tuy nhiên, theo VCCI trên thực tế, có trường hợp công ty tài chính, nhân viên công tài chính không thực hiện đầy đủ quy định này. Pháp luật cũng không có quy định về chế tài hay hệ quả pháp lý bất lợi nào cho các công ty tài chính khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trên.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty tài chính cho khách hàng, có thể nghiên cứu bổ sung một số quy định như sau:
Ngân hàng Nhà nước ban hành một văn bản “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” với dung lượng ngắn gọn (trong một trang giấy). Văn bản này gồm các nội dung: (1) tóm tắt những quyền và nghĩa vụ cơ bản của khách hàng vay tiêu dùng theo quy định của pháp luật, (2) website của NHNN cung cấp thông tin về cho vay tiêu dùng.
Khi giao kết hợp đồng vay tiêu dùng, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng hai bản sao của văn bản trên, một bản khách hàng giữ (có chữ ký của nhân viên giao dịch) và một bản công ty tài chính giữ (có chữ ký của khách hàng).
Trường hợp có tranh chấp, nếu công ty tài chính không xuất trình được bản sao “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” theo mẫu của NHNN và có chữ ký của khách hàng thì không được hưởng lãi suất của khoản vay.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính
Ngoài thông tin do công ty tài chính cung cấp, khách hàng vay cần được cung cấp thông tin từ Ngân hàng nhà nước. Hiện nay, website của Ngân hàng nhà nước đã công bố danh sách các công ty tài chính được cấp phép định kỳ 6 tháng một lần. Việc đăng tải thông tin về các công ty tài chính được cấp phép là rất cần thiết để cung cấp thông tin cho người vay tiền.
Tuy nhiên, các thông tin này mới chỉ dừng lại ở danh sách giấy phép chứ chưa có tác dụng hỗ trợ thông tin cho người vay tiền.
Ví dụ, một khách hàng đang có dự định vay tiền của công ty FE Credit. Khách hàng này muốn biết FE Credit có được Ngân hàng nhà nước cấp phép không và truy cập website của NHNN để tìm hiểu. Cá nhân này sẽ rất khó tìm được thông tin do trong danh sách 16 công ty tài chính được cấp phép thì không có tên FE Credit. Thực tế, FE Credit là tên giao dịch của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank Finance Company Limited). Như vậy, các thông tin trên website của NHNN hiện chưa đủ thân thiện và hữu ích cho người dân cần tra cứu.
Hiện nay, Thông tư 43 cũng đã có quy định công ty tài chính phải báo cáo Ngân hàng nhà nước nhiều thông tin như (1) danh sách điểm giới thiệu dịch vụ, (2) quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng; (3) khung lãi suất. Những thông tin này hoàn toàn có thể được NHNN công khai nhằm giúp khách hàng có thêm thông tin về hoạt động của các công ty tài chính.
Do đó, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, trang thông tin điện tử này sẽ gồm những thông tin sau:
Thứ nhất: Danh sách các công ty tài chính cho vay tiêu dùng được cấp phép cùng với tên giao dịch, địa chỉ, số điện thoại chăm sóc khách hàng, website.
Thứ hai: Danh sách điểm giới thiệu dịch vụ cùng thông tin liên lạc của các công ty tài chính.
Thứ ba: Quy định nội bộ cho vay tiêu dùng mà công ty tài chính đã gửi cho NHNN
Thứ tư: Khung lãi suất cho vay tiêu dùng mà công ty tài chính đã gửi cho NHNN.
Thứ năm: Văn bản Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp (FAQ), và văn bản pháp luật có liên quan.