Đề nghị Quốc hội giám sát đất đai ở 3 vị trí sắp làm đặc khu

Vân Du 07/06/2018 11:42

Tại phiên làm việc sáng 7/6, đại biểu Thái Trường Giang đã đề nghị Quốc hội giám sát đất đai ở 3 vị trí sắp làm đặc khu.

Sáng 7/6, Quốc hội đã cho ý về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Phát biểu góp ý, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng: Chương trình giám sát năm 2018 mặc dù đã được thông qua năm 2017, vì những thực tiễn phát sinh trong thời gian gần đây đề nghị Quốc hội xem xét lại.

Đại biểu Thái Trường Giang 

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ rút thời gian thuê đất đặc khu, không giữ 99 năm

    Sẽ rút thời gian thuê đất đặc khu, không giữ 99 năm

    11:43, 07/06/2018

  • Đặc khu cần gì nhất?

    Đặc khu cần gì nhất?

    05:35, 07/06/2018

  • Có 3 đặc khu, Hà Nội và TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế

    Có 3 đặc khu, Hà Nội và TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế

    16:02, 06/06/2018

  • Thủ tướng: Cho thuê đất 99 năm không phải mấu chốt của Luật đặc khu

    Thủ tướng: Cho thuê đất 99 năm không phải mấu chốt của Luật đặc khu

    08:30, 05/06/2018

Đại biểu Giang ví vụ trong dự kiến năm 2019 chúng ta giám sát đất đai giai đoạn 2014-2018, nếu được thì chúng ta lồng ghép làm một chương trình giám sát ở 3 khu mà chúng ta chuẩn bị thông qua đặc khu kinh tế. Vấn đề đất đai ở đó sử dụng chuyển đổi mục đích, giao dịch như thế nào để có cơ sở đánh giá kỹ vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

“Nếu được đề nghị giám sát vấn đề đó và để chặt chẽ thì Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chúng ta cần phải cân nhắc cẩn trọng, lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này, tiến hành kiểm tra đất ở các khu đó và thông qua trong kỳ họp tới thì sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội hôm thảo luận về kinh tế-xã hội”. – đại biểu Giang nói.

Liên quan đến hình thức báo cáo kết quả giám sát các chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, theo vị đại biểu này, vừa qua chương trình giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, có những chuyến đi giám sát rất hay, “nhưng sau đó chúng ta lại nghe các báo cáo giám sát, tôi có cảm giác khô cứng”. – ông Giang nhìn nhận.

Ông đề nghị các đoàn giám sát đi thực tế sau này có những video clip hoặc báo cáo bằng power point trên hội trường này để minh họa sống động các đợt đi giám sát của chúng ta sẽ làm báo cáo sinh động hơn và đại biểu cũng sẽ theo dõi tốt hơn thay vì nhận được một tập tài liệu dày nhưng không thể đọc hết, không theo dõi được hết chương trình giám sát và kết quả giám sát của chúng ta sẽ trở nên khô cứng, không sinh động.

Tại nghị trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, chúng ta nên tập trung vào 2 chuyên đề đang rất nóng, rất bức xúc hiện nay. Một là chính sách pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi, nói gọn là chính sách dân tộc miền núi. Hai là quản lý, sử đụng đất đai đô thị. “Đây là 2 vấn đề rất cần thiết”. – đại biểu Nhưỡng khẳng định.

Riêng vấn đề giám sát chính sách dân tộc miền núi, đại biểu Nhưỡng cho rằng, chưa có bất kỳ một cuộc giám sát tối cao nào của Quốc hội về vấn đề này, hầu hết những năm qua chúng ta đều tập trung vào vấn đề kinh tế - xã hội cũng là tương đối nóng bỏng nhưng đây là vấn đề chưa được quan tâm thích đáng. Một số cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân và các Ủy ban của Quốc hội cơ bản giải quyết vấn đề theo khoanh vùng mang tính chất lẻ tẻ, thực sự hiệu lực của giám sát chưa mang lại những kết quả lớn. Chính vì vậy, vấn đề chính sách đối với đồng bào dân tộc và đồng bào sinh sống ở miền núi luôn được đại biểu Quốc hội đề cập.

“Bà con hiện rất trông chờ vào sự hoạch định chính sách và hoạch định cả về mặt nhận thức, không chỉ là giải quyết các chính sách lẻ tẻ để khắc phục khó khăn và chúng ta phải có vấn đề lâu dài cả về thể chế, nhận thức và hành động. Chúng ta thấy đây là khu vực chịu đựng rất nhiều khó khăn, thiên tai luôn rình rập, vừa qua thiên tai mang lại thiệt hại vô cùng to lớn cả về người và của, nhưng thực sự chúng ta chưa có chính sách căn cơ nên tôi đề nghị nếu không chú ý khu vực này sẽ rất khó khăn sau này trả lời ý kiến của nhân dân và cử tri đối với đồng bào”. – ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, tại khoản 4 Điều 5 của Hiến pháp chúng ta đã quy định rất rõ, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước. "Chúng ta đánh giá xem có thực sự toàn diện chưa, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến khu vực này nhưng tôi khẳng định chưa có sự toàn diện. Hiện nay một trong những tính toàn diện đó là chúng ta chưa thể chế hóa được đường lối của Đảng, chưa cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp bằng một đạo luật để có căn cứ điều chỉnh trực tiếp và cao nhất về chính sách dân tộc và miền núi. Về mặt hình thức có thể nói chúng ta còn đang thiếu sót về vấn đề này. Tôi đề nghị phải thực hiện ngay cuộc giám sát này vào năm 2019. Đó là về chương trình giám sát”. – đại biểu Nhưỡng đề nghị.

Ông cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết về việc giao chỉ tiêu giám sát cho các đại biểu Quốc hội để nâng cao vai trò và vị trí của đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng để thực hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.

“Tôi thấy trong những năm qua đây là vấn đề chúng ta còn bỏ ngỏ. Chính vì thế đại biểu nào tự giác thì thực hiện, còn đại biểu không tự giác thì chúng ta không thực hiện. Như thế có nghĩa là chúng ta chưa thực hiện được hết trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội trước nhân dân. Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội, nghiên cứu để ban hành một nghị quyết về vấn đề này”. – ông Nhưỡng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề nghị Quốc hội giám sát đất đai ở 3 vị trí sắp làm đặc khu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO