LTS: Cần có một thể chế tương thích và vượt trội để TP. HCM có thể thực hiện được những mục tiêu và tầm nhìn 2030-2045. Xứng tầm là một “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐB TP. HCM) chia sẻ với DĐDN về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.
>>TP HCM miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển với hàng hóa thủy nội địa
- Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế đặc thù cho TP. HCM trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thực sự chín muồi, thưa ông?
Trong quá trình phát triển, TP. HCM luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Cụ thể, TP. HCM đã được Bộ Chính trị ban hành rất nhiều nghị quyết, như Nghị quyết 01 năm 1982, Nghị quyết 20 năm 2002, Nghị quyết 16/2012, đặc biệt là Nghị quyết 31/2022 về những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để thúc đẩy phát triển TP. HCM.
Trong chặng đường phát triển của mình, TP. HCM luôn nỗ lực phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, năng động sáng tạo. TP. HCM luôn giữ vững vai trò là “đầu tàu” kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ và với cả nước.
Trong quá trình 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017, TP. HCM cũng đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện cho Thành phố có thêm cơ chế, thể chế để phát huy tiềm năng và lợi thế của mình.
TP. HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ… TP. HCM có quy mô dân số lớn nhất nước và nằm trong top 20 thành phố đông dân nhất thế giới. Doanh nghiêp của TP. HCM chiếm khoảng 33% – 35%, tương đương 1/3 số lượng doanh nghiệp của cả nước…
Tuy nhiên, TP HCM rất cần có một thể chế để giúp phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, tháo gỡ điểm nghẽn. Quan trọng hơn là phải có một thể chế tương thích và vượt trội để TP. HCM có thể thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã được Bộ Chính trị thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 31/2022 và Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội về mục tiêu và tầm nhìn phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
- Cụ thể, mục tiêu và tầm nhìn đó là gì, thưa ông?
Đó là, đặt TP. HCM trong thế so sánh với các thành phố lớn trên thế giới. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 TP. HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có dịch vụ hiện đại, là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, thương mại, khoa học, công nghệ có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, là “đầu tàu” về kinh tế số, xã hội số. TP. HCM phải trở thành trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ của châu Á.
Như vậy, để đạt được sứ mệnh, kỳ vọng, mục tiêu của Nghị quyết 24/2022 về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31/2022 về phát triển TP HCM của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội thì phải có một thể chế để TP HCM bứt phá vượt trội, tiếp tục giữ vững vai trò “đầu tàu” lan toả sự phát triển của vùng.
Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có những cơ chế chính sách đang nằm trong các dự thảo luật mà chúng ta chuẩn bị thảo luận, thông qua, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Bây giờ thí điểm tại TP HCM thì chúng ta sẽ có thêm những bài học thực tiễn để sơ kết, tổng kết cho việc ban hành luật trong thời gian tới.
Khi thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM thì chúng ta sẽ có được bài học thực tiễn để có thể hoạch định chiến lược phát triển, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong giai đoạn mới, phục vụ cho việc soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIV.
Từ đó cho thấy, việc ra đời nghị quyết mới mang tính cấp thiết, tháo gỡ điểm nghẽn, giúp Thành phố phát triển là “đầu tàu” kinh tế.
- Theo ông, nghị quyết mới nên tập trung vào vấn đề nào để tạo cơ hội cho sự đột phá và sáng tạo, đồng thời nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm “dám nghĩ, dám làm”?
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm nhất định. Do đó, quá trình chuẩn bị nghị quyết mới đã được “ấp ủ” cả năm nay. Với một đô thị đặc biệt như TP. HCM thì hiện nay vẫn còn rất nhiều các điểm nghẽn. Do đó, rất cần một Luật Đô thị đặc biệt trong thời gian tới. Việc triển khai thí điểm một số chính sách đặc thù cũng là cơ sở để sau này chúng ta triển khai, xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.
Nhưng quan trọng hơn, trong nội dung nghị quyết cũng đã bàn đến những vấn đề về quản lý đô thị, môi trường, quy hoạch, phát triển… để huy động được các nguồn lực của xã hội.
TP. HCM huy động vốn đầu tư xã hội của khu vực tư nhân chiếm trên 70%. Cho nên, trong dự thảo nghị quyết lần này chúng ta áp dụng các cơ chế BT, BOT, PPP trên nhiều lĩnh vực, kể cả văn hoá và thể thao. Khi đó mới có đủ điều kiện để đầu tư hạ tầng cho kinh tế-xã hội, giao thông, kể cả văn hoá.
Với quy mô kinh tế lớn nhất nước, đồng thời là một đô thị đặc biệt, trong khi chúng ta chưa có Luật Đô thị đặc biệt thì rất cần có một nghị quyết. Nghị quyết mới này cần có những chính sách, bao phủ trên nhiều lĩnh vực, như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, môi trường, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy, TP. Thủ Đức… Như vậy, ở đây chúng ta đã có sự chọn lọc và tập trung một số chính sách trọng điểm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm