Phương án quy định quy mô vốn tối thiểu để có thể được áp dụng hình thức đầu tư PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đang nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành liên quan.
Nâng đời Nghị định 63/2018/NĐ-CP
Theo thông tin từ Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là một trong những cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến sớm nhất đối với các nhóm vấn đề chính sách then chốt trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Luật PPP).
Trước đó, vào cuối tháng 3/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 1979/BKHĐT-QLĐT đề nghị 19 bộ, cơ quan ngang bộ; Kiểm toán Nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh cho ý kiến đối với 10 nhóm chính sách then chốt cần nghiên cứu, thống nhất trong quá trình xây dựng Luật PPP.
Cần phải nói thêm rằng, góp ý từ phía Bộ GTVT được các chuyên gia đánh giá là rất nặng ký bởi trong tổng số 336 dự án PPP đã được ký kết, thực hiện trong phạm vi cả nước, các dự án hạ tầng giao thông chiếm tới 65,47%, trong đó chủ yếu được thực hiện theo loại hợp đồng BOT và BT.
Theo đó, đối với quy mô dự án áp dụng PPP, theo Bộ GTVT, do các dự án đầu tư theo hình thức PPP có đặc thù là trình tự thủ tục quy định rất chặt, thời gian hợp đồng thường kéo dài, cần có các cam kết của phía cơ quan nhà nước. Mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước về đầu tư theo hình thức PPP nhằm thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội, song thực tế, các dự án PPP quy mô nhỏ thường hiệu quả không cao, người sử dụng khó nhận biết được giá trị của dịch vụ, nên có thể phản đối, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự.
Có thể bạn quan tâm
20:22, 22/04/2019
00:00, 19/04/2019
07:30, 30/03/2019
06:30, 27/03/2019
Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả đầu tư các dự án PPP, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, Bộ GTVT thống nhất lựa chọn phương án cần quy định quy mô tối thiểu cho dự án PPP.
“Tổng mức đầu tư dự án tối thiểu là 1.200 tỷ đồng mới đầu tư theo hình thức PPP. Trường hợp các dự án có quy mô nhỏ, nhưng phải cấp thiết đầu tư, Nhà nước sẽ cân đối nguồn vốn để đầu tư”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đề xuất.
Trong công văn xin ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có khá nhiều quốc gia đã quy định quy mô tối thiểu các dự án được chọn triển khai theo hình thức PPP (Canada - 100 triệu USD; Australia, Singapore - 50 triệu USD; Anh - 25 triệu USD)... Hơn nữa, do chi phí giao dịch của các dự án PPP khá cao, nếu thực hiện các dự án có quy mô nhỏ sẽ dẫn đến không hiệu quả.
Cần bảo lãnh Chính phủ
Trong Công văn số 3551, một lần nữa, Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quan điểm cần phải có bảo lãnh Chính phủ khi triển khai tại các dự án PPP.
Theo ông Nhật, từ thực tiễn triển khai các dự án PPP ngành GTVT thời gian qua, phản hồi của các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế) đối với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang lựa chọn nhà đầu tư cũng như kinh nghiệm tại một số quốc gia phát triển hình thức PPP cho thấy, đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP cần các bảo lãnh như bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh vốn vay.
Về loại hợp đồng, các dự án chủ yếu thực hiện theo hình thức BOT và BT. Cụ thể, có 140 dự án BOT (chiếm 41,67%) với tổng vốn đầu tư 1.138.538 tỷ đồng, 188 dự án BT (chiếm 55,95%) với tổng vốn đầu tư là 465.118 tỷ đồng. |
Lý giải vì sao cần xin ý kiến đối với nội dung bảo lãnh Chính phủ trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nội dung này xuất phát từ chính yêu cầu của các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng trong quá trình triển khai 2 dự án PPP giao thông là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Tân Vạn - Nhơn Trạch đối với cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với một số rủi ro về doanh thu, khả năng chuyển đổi ngoại tệ và trách nhiệm của Chính phủ.
Trên thực tế, việc chưa có công cụ tài chính (như mô hình Quỹ đầu tư PPP mà các nước áp dụng) và các công cụ bảo lãnh rủi ro cho dự án (bảo lãnh doanh thu, lưu lượng, chuyển đổi ngoại tệ, thay đổi quy hoạch...), dẫn đến việc thực hiện các dự án PPP thực tế vẫn bế tắc, nên không hấp dẫn khu vực tư nhân.
Để tháo gỡ nút thắt này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính triển khai nghiên cứu và báo cáo kết quả nghiên cứu thí điểm áp dụng cơ chế bảo lãnh cho các dự án ngành giao thông theo hình thức PPP. Tại Văn bản số 11107/BTC-ĐT ngày 12/9/2018, Bộ Tài chính đã khẳng định, việc áp dụng các hình thức bảo lãnh là điều kiện cần để tiếp tục khuyến khích đầu tư tư nhân.
“Trong bối cảnh quy định pháp luật hiện hành, việc thực hiện cơ chế này còn vướng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công. Do đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện nội dung này trong quá trình xây dựng Luật PPP”, Công văn số 1979 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Tính đến tháng 1/2019, các bộ, ngành, địa phương đã ký kết, thực hiện tổng cộng 336 dự án PPP, với tổng vốn đầu tư 1.609.335 tỷ đồng.