Trong khi doanh nghiệp bày tỏ muốn để thị trường bay theo cơ chế thị trường thì các chuyên gia và người tiêu dùng lo ngại quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi bỏ trần vé máy bay.
Để chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Cục Hàng không đang dự thảo báo cáo tổng kết thi hành luật này. Nổi bật trong đó, Cục Hàng không đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ 3 hãng trở lên.
Cụ thể, Cục Hàng không đề xuất sửa đổi Điều 116 của luật về giá dịch vụ vận chuyển hàng không theo hướng: Trường hợp đường bay có từ ba hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không được quyết định giá vé, thực hiện niêm yết giá theo quy định
Cục Hàng không nhận định, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại “hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ”. Tùy thuộc nhu cầu đi lại của khách, có mùa cao điểm, mùa thấp điểm.
Đồng thời, chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ được nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao để mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách; và ngược lại những chuyến bay muộn, bay ban đêm thường ít hành khách.
Đại diện Vietnam Airlines bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay của Cục Hàng không và cho đây là giải pháp tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cũng như đảm bảo "sức khỏe" tài chính của các hãng hàng không trong nước, năng lực cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài, đủ chi phí duy trì khai thác bay an toàn.
Theo đại diện Vietnam Airlines, hiện ngành hàng không Việt Nam chưa có các cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện các giải pháp chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp vận tải hàng không. Việt Nam chưa có cơ chế để giám sát, theo dõi về chi phí khai thác của các hãng; chưa có cơ chế kiểm soát chống bán phá giá cũng như chế tài để xử lý việc bán phá giá.
"Việc bán phá giá gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không, làm giảm khả năng cạnh tranh với các hãng nước ngoài và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam", đại diện Vietnam Airlines nói và cho rằng việc bỏ trần giá vé máy bay là cần thiết.
Trong khi đó, đại diện Vietravel Airlines - hãng hàng không non trẻ vừa gia nhập thị trường, việc bỏ trần giá vé được cho là một tín hiệu tốt và tạo nhiều cơ hội cạnh tranh hơn.
Chủ tịch Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, đã là cơ chế thị trường thì cần vận hành theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp tham gia thị trường phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, lời ăn, lỗ chịu. Tất cả đều do cách tiếp cận thị trường và vận hành doanh nghiệp.
Về ý kiến e ngại việc bỏ giá trần có thể tạo cơ hội cho các hãng hàng không "bắt tay" đẩy giá, khiến hành khách bị thiệt, đại diện Vietravel Airlines cho hay: Hành khách đi máy bay biết rõ mức giá nào hợp lý. Giờ không chỉ còn một, hai hãng mà có thêm nhiều.
"Hãng hàng không phải tự cân nhắc mức giá đưa ra thế nào để được thị trường chấp nhận, hành khách lựa chọn. Người cầm "roi" chính là khách hàng. Đẩy giá cao vô tội vạ, khách sẽ "phạt" không đi, khi đó doanh nghiệp có tồn tại nổi không?", đại diện Vietravel Airlines nêu rõ.
Theo đại diện doanh nghiệp, ngành hàng không ở Việt Nam hiện nay tính cạnh tranh rất cao, khách hàng có nhiều lựa chọn, nên nếu đẩy giá quá cao, khách sẽ không bay, doanh nghiệp khó tồn tại.
Tuy nhiên, trái ngược với sự đồng thuận của phía các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia và người tiêu dùng lo ngại, đề xuất này đồng nghĩa với “thả nổi” vé máy bay nội địa trên đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên. Bởi thực tế, hiện vé máy bay nội địa có giá tối đa (giá trần) do Bộ GTVT ban hành, nhưng mỗi dịp lễ, tết người dân rất khó tiếp cận được vé giá thấp, đa số phải mua với giá vé gần kịch trần. Trong khi các loại vé khuyến mại đều không áp dụng vào dịp cao điểm, như lễ, tết.
“Vẫn cần giá tối đa với vé máy bay nội địa. Theo chuyên gia này, kinh doanh hàng không là theo mùa, cao điểm và thấp điểm. Vào dịp cao điểm, như Tết Nguyên đán, thậm chí “cháy vé” máy bay”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia, việc nhà nước kiểm soát giá tối đa không phải theo số lượng doanh nghiệp hay thành phần kinh tế tham gia, mà theo vị thế thống lĩnh của từng doanh nghiệp. Việc quy định giá tối đa để ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý, xâm hại tới quyền lợi người tiêu dùng.
Dẫn Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh quy định về sự tham gia điều tiết thị trường của nhà nước, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chuyên gia cho biết, trường hợp đường bay có tối thiểu 3 doanh nghiệp khai thác, khi đó sẽ có ít nhất 1 hãng chiếm thị phần trên 30%, thậm chí cả 3 hãng chia đều thị phần thì mỗi hãng vẫn trên 30%, theo Luật Cạnh tranh, các hãng đã nắm thị phần thống lĩnh thị trường, trường hợp này nhà nước phải quản lý và định giá trần.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, nếu còn doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, nhà nước vẫn phải định giá trần để các doanh nghiệp không tăng giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…
Theo ông Long, chỉ riêng Vietnam Airlines và Vietjet đã chiếm trên 50% thị phần vận tải nội địa, còn theo đường bay như Hà Nội – TPHCM thì 2 hãng này cũng chiếm quá nửa thị phần. “Theo Luật Cạnh tranh, với thị phần như vậy, nhà nước vẫn phải quản lý và định giá trần để ngăn doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá vô tội vạ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, đề xuất của Cục Hàng không bỏ trần giá vé máy bay là chưa căn cứ theo các luật hiện hành”, ông Long nói.
Việt Nam hiện là một trong số ít nước áp giá trần vé máy bay. Cục Hàng không cũng nhiều lần đề xuất bỏ giá trần khi sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng, song chưa được chấp thuận. Nếu đề xuất của Cục Hàng không được thông qua, các đường bay có nhu cầu cao hiện nay, như trên trục Hà Nội – Đà Nẵng – TPHCM – Phú Quốc, hiện có từ 4-5 hãng đang khai thác, các hãng hàng không sẽ được tự định giá.
Có thể bạn quan tâm
“Tắc nghẽn” tại sân bay Tân Sơn Nhất: Cục Hàng không sẽ thu hồi slot của các hãng bay không dùng hết
11:00, 27/04/2021
Doanh nghiệp Việt - Mỹ bắt tay nâng cấp hạ tầng hàng không
00:53, 18/04/2021
Yêu cầu rà soát tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư
08:59, 08/04/2021
Đề xuất hàng không tư nhân được vay hỗ trợ lãi suất gói tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng
11:48, 24/03/2021
Ngành hàng không năm 2021 và những yếu tố tác động đáng chú ý
11:00, 23/03/2021
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Bamboo Airways xin hỗ trợ và chuyện bình đẳng giữa các hãng hàng không
15:52, 21/03/2021