Trước đề xuất cấm thương nhân phân phối xăng dầu mua bán hàng với nhau, giới chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng bởi điều này không có cơ sở, thậm chí đi ngược quy luật thị trường…
Theo đó, Dự thảo nghị định xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, thay thế các quy định trước đây nhằm "lấp" lỗ hổng trong kinh doanh mặt hàng này. Song, nhiều ý kiến đánh giá một số quy định tại dự thảo mới chưa hợp lý.
Điển hình là việc, theo quy định hiện hành, thương nhân phân phối xăng dầu được phép mua hàng từ doanh nghiệp đầu mối và mua chéo lẫn nhau. Tuy nhiên, với dự thảo mới, Bộ Công Thương tính siết lại theo hướng đơn vị phân phối chỉ được mua từ đầu mối, không được mua của nhau.
Vi phạm Luật cạnh tranh
Không đồng tình với đề xuất này, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, thương nhân phân phối là một khâu quan trọng trong lưu thông hàng hoá. Họ không phải trung gian đẩy giá xăng dầu lên. Theo ông Bảo, có nhiều thương nhân phân phối có quy mô lớn hơn cả doanh nghiệp đầu mối, chứ không phải thương nhân phân phối là bé hơn đầu mối. Do đó, không nên hạn chế loại hình thương nhân phân phối. “Đã là thị trường thì thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ, không hẳn lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng đủ lượng hàng, giá cả hợp lý ở từng vùng, từng thời điểm”, ông Bảo nhấn mạnh.
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị, nên có quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau và có thể quy định tỷ lệ là bao nhiêu. Ví như, 50-70% mua thoải mái của doanh nghiệp đầu mối, còn lại 30% mua bán lẫn nhau. Bởi, đây chính là nghiệp vụ điều hoà thị trường.
“Thị trường có biến động bất thường thì điều hoà lượng hàng từ thương nhân phân phối nhiều hàng sang thương nhân phân phối ít hơn. Do đó, đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau là điều cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, ông Bảo góp ý.
>>Lập sàn giao dịch xăng dầu: Cần một lộ trình thích hợp
Mới đây, thẩm định nội dung dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần được làm rõ, trong đó có liên quan đến pháp luật về cạnh tranh kinh doanh. Cụ thể, Khoản 1 Điều 17 dự thảo nghị định quy định "thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu". Song, các thương nhân này lại "không được mua bán xăng dầu lẫn nhau".
"Việc giới hạn như trên về nguyên tắc sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018", Bộ Tư pháp nêu ý kiến thẩm định.
Khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: "Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".
Với quy định ở trên, Bộ Tư pháp cũng lưu ý, đề xuất ở nghị định xăng dầu đối với thương nhân phân phối nêu trên có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường bị nghiêm cấm được nêu tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh, đó là "ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp... phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể".
Đi ngược quy luật thị trường
Cũng góp ý về nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng điều này đang đi ngược lại quy luật thị trường. Theo VCCI, các bên trên thị trường buôn bán xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn.
"Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian đẩy giá bán tăng lên, người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để mua rẻ hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối khác có giá rẻ hơn", VCCI nêu quan điểm.
Theo VCCI, trước đây, Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định hệ thống phân phối 1:1, tức là thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, buộc phải chịu giá cao.
Tuy nhiên, từ Nghị định 80/2023 đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên không còn. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.
>>Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Đơn vị bán lẻ lo bị "bóp" chiết khấu
Đáng chú ý, việc đưa ra đề xuất "các thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu lẫn nhau", Bộ Công Thương giải thích là nhằm tiếp thu ý kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ: "Việc quy định các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn nhau đã gây ra tổng nguồn nguồn tạo ra không chuẩn xác, ảnh hưởng đến điều hòa cung cầu, không những thế còn tạo ra tầng nấc mua qua bán lại để hưởng chênh lệch giá, chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu".
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần giải thích rõ việc thương nhân đầu mối và phân phối đều được nhắc trong kết luận thanh tra, nhưng vì sao chỉ mỗi thương nhân phân phối lại không được mua bán lẫn nhau trong dự thảo mới, còn thương nhân đầu mối vẫn được mua hàng của nhau.
Theo ông Thoả, việc chỉ cho thương nhân phân phối mua hàng của thương nhân đầu mối khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu lo ngại sẽ trao quyền quá lớn cho đầu mối, khiến họ phụ thuộc cả về nguồn cung và lợi nhuận.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Thoả cho rằng, nếu dự thảo không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau thì cần cụ thể hóa thêm những điều kiện trong nghị định.
Cụ thể, quy định một cơ chế liên kết, kết nối chặt chẽ, kiểm soát được lẫn nhau trong hệ thống cung ứng xăng dầu theo "chiều dọc" từ thương nhân đầu mối, đến thương nhân phân phối trở đi thông qua hợp đồng, qua cam kết, có đăng ký hệ thống cung ứng với trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo nguồn, chia sẻ chi phí kinh doanh, chiết khấu với nhau hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khoảng 300 thương nhân phân phối và 32 thương nhân đầu mối.
“Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương có thể hướng dẫn cụ thể các nội dung cam kết, giám sát các cam kết để thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng "chèn ép" lẫn nhau trong kinh doanh”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm