Đây là nhận định của các chuyên gia trước kiến nghị “cứu” nhiều doanh nghiệp BOT thua lỗ.
Trên báo chí, nhiều doanh nghiệp BOT phàn nàn về tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp. Đáng chú ý, việc các nhà đầu tư BOT đường bộ đang rơi vào cảnh gánh nặng nợ nần, thua lỗ do nguồn thu phí sụt giảm, trong khi vẫn phải trả lãi suất ngân hàng và chi phí duy tu tuyến đường là thực trạng đã được dự báo trước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là hệ quả đến từ việc nhiều nhà đầu tư thực hiện dự án BOT kiểu "tay không bắt giặc", làm dự án không bằng tiền doanh nghiệp mà đi vay ngân hàng tới 80-90%, cá biệt có cả dự án lên tới 95-100%.
Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị một số giải pháp để “cứu” nhà đầu tư như: cho phép tăng phí; dùng ngân sách để hỗ trợ hoặc thanh toán các dự án BOT. Tuy nhiên, các phương án này chưa được Quốc hội chấp thuận.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - cho biết, cách ứng xử của Bộ Giao thông Vận tải chưa thuyết phục. Về tổng quan thì toàn bộ rủi ro phía sau các dự án BOT đang đẩy về ngân hàng, người dân gánh chịu.
Phân tích cụ thể hơn, ông Đức khẳng định, việc đầu tư hạ tầng giao thông là trách nhiệm của nhà nước. Trong bối cảnh tài chính còn eo hẹp, nhà nước có thể phát hành trái phiếu vay nợ trong dân, huy động nguồn lực từ xã hội hóa để phát triển hạ tầng.
"Thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT chỉ khi xác định rõ, đó là tuyến đường mới; người dân có quyền lựa chọn đi hay không; thực hiện dự án phải hiệu quả, mang lại giá trị nan tỏa chung cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, quá trình triển khai thực hiện dự án BOT còn nhiều lỗ hổng. Chủ trương đầu tư theo hình thức BOT bị lạm dụng, lợi dụng dẫn tới tình trạng dự án nào cũng có thể đầu tư theo hình thức BOT; dự án BOT đặt trên tuyến chánh, thảm nhựa thu phí như dự án mới, đội vốn, kéo dài thời gian thu phí gây nhiều bức xúc thời gian qua.
Bên cạnh đó, các dự án BOT chủ yếu là chỉ định thầu, khi thực hiện dự án lại chủ yếu đi vay ngân hàng, phần lãi cũng được tính vào tổng mức đầu tư của dự án, đây là điều rất khó hiểu", ông Đức nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Đức, khi dự án được đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp thì quyền lợi mới được gắn liền với trách nhiệm. Lúc đó khái niệm "lời ăn lỗ chịu" là chính xác. Nhưng nếu nhà đầu tư không bỏ tiền đầu tư mà lại đi vay ngân hàng sẽ có hai vấn đề xảy ra.
Thứ nhất: Nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để đội vốn dự án lên gấp nhiều lần. Thực tế, có nhiều dự án đáng 500 tỷ nhưng đã được đẩy lên tới 1 nghìn tỷ, nhà đầu tư chưa cần làm xong dự án đã nắm chắc phần lãi trong tay. Chưa nói tới tình trạng nhà thầu lại là sân sau, sân trước, là cộng sự, nhóm lợi ích thì nhà đầu tư còn hưởng lợi đơn, lợi kép. Cuối cùng, thua thiệt chỉ là nhà nước và người dân phải chịu.
Thứ hai: Về phía ngân hàng cho vay, về nguyên tắc những ngân hàng thương mại cũng là kinh doanh, cũng phải hoạt động dựa trên nguyên tắc "lời ăn lỗ chịu". Cho dự án không hiệu quả vay vốn là trách nhiệm thẩm định, đánh giá của ngân hàng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm, kể cả phải đóng cửa, giải thể, phá sản, không thể đẩy về nhà nước. Nhà nước chỉ phải chịu trách nhiệm trong một số trường hợp bất khả kháng.
Vì thế, việc Quốc hội không chấp thuận các giải pháp giải cứu BOT theo đề xuất của Bộ GTVT là hoàn toàn chính xác. Không nên tạo ra những tiền lệ xấu, dung túng cho cái sai của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc này cũng tạo ra những bất bình đẳng, thiếu công bằng với những doanh nghiệp BOT làm ăn tử tế, nghiêm túc. Do đó, chỉ đề xuất can thiệp với những dự án BOT thuộc trường hợp bất khả kháng, trường hợp đặc biệt, khó khăn do nguyên nhân khách quan.
Thay vào đó, ngành giao thông cần đưa ra những đề xuất hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người dân như: hạ giá phí, tăng tốc độ lưu thông... chứ không phải kêu, xin quyền lợi cho doanh nghiệp", LS Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Trước những lời kêu than của nhiều chủ đầu tư BOT cũng như Bộ GTVT, ông Đức cho rằng cơ quan kiểm toán cần thực hiện kiểm toán độc lập.
Việc kiểm toán nhằm làm minh bạch thông tin đầu tư, hạch toán, thu - chi của dự án, trên cơ sở đó sẽ xác định rõ khó khăn, vướng mắc cũng như đúng sai của các bên để xử lý.
Có thể bạn quan tâm
04:40, 07/05/2021
02:30, 05/05/2021
04:30, 02/05/2021