Nghiên cứu - Trao đổi

Đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, nên hay không?

Gia Linh 18/02/2025 04:30

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng, mà còn gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế…

Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), thu hút sự quan tâm không chỉ của các chuyên gia, các nhà làm luật mà cả dư luận xã hội.

de-xuat-danh-thue-tien-lai-tiet-kiem-nen-hay-khong-1.png
Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng, mà còn gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Ảnh minh hoạ

Góp ý cho dự án này, UBND TP Cần Thơ cho rằng nhà điều hành nên nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, Cần Thơ đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với quy mô tiết kiệm nhỏ, chỉ đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm các khoản tiền gửi lớn.

Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị miễn thuế TNCN cho khoản thu từ lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ, và các khoản đầu tư dài hạn để khuyến khích tiết kiệm và phát triển kinh tế.

Phản hồi trước các đề xuất nói trên, Bộ Tài chính cho biết ngân sách Nhà nước định hướng cơ cấu lại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó mở rộng cơ sở thuế, hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Cùng với đó, chính sách miễn, giảm, giãn thuế đảm bảo tính trung lập. Việc này được thực hiện theo Nghị quyết 07/2016 của Bộ Chính trị.

Tại dự thảo, cơ quan này cũng dẫn kinh nghiệm của các nước cho thấy: Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc áp thuế với thu nhập từ lãi suất. Hay tại Hàn Quốc, tiền lãi cũng là thu nhập phải nộp thuế TNCN. Ngược lại, một số quốc gia cho phép giảm trừ với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp khi tính thuế TNCN.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đối tượng miễn giảm cần được nghiên cứu để phù hợp với chủ trương, thực tiễn và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Về mở rộng cơ sở thu thuế, việc áp thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không được Bộ Tài chính đề cập tới tại dự thảo gần nhất. Cơ quan này hiện chỉ tính mở rộng theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại... là thu nhập chịu thuế.

Theo quy định hiện hành, có 10 loại thu nhập chịu thuế, trong đó có tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, thừa kế, quà tặng.

Hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi.

Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế, đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng từng được đưa ra vài năm trước đây. Một số ý kiến đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm với các khoản tiền gửi lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.

Từng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia về tài chính, ngân hàng cho rằng, nếu áp dụng thuế này sẽ gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Lập luận của ông Lực đưa ra là lãi tiền gửi tiết kiệm bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng sẽ giảm. Khi đó lãi suất có thể sẽ bị đẩy lên. Và doanh nghiệp sẽ càng khó khăn.

"Việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước phát triển là bình thường nhưng Việt Nam thì lại chưa nên đặt ra. Hơn nữa, đây cũng không phải là nguồn thu quá quan trọng đối với ngân sách", ông Lực thẳng thắn nói.

Đồng quan điểm, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, đề xuất này không khả thi vì không hợp lý. Theo luật sư Nhung, bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết tất cả thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác.

Theo phân tích của luật sư Lê Thị Nhung, việc đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các hệ thống ngân hàng. Bởi tổng tài sản của các ngân hàng thương mại, phần lớn từ 80 - 90% là từ nguồn huy động vốn.

Theo đó, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm thì người dân chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… Do vậy, việc đánh thuế này sẽ có nguy cơ khiến nguồn tiền từ huy động vốn sẽ bị giảm đi.

“Không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng mà còn làm méo mó thị trường tài chính, gây khó khăn cho việc quản lý cho các cơ quan nhà nước. Điều đáng nói không chỉ khó quản lý về thuế mà nhiều ngân hàng sẽ tìm cách này hay cách khác để hỗ trợ người gửi tiền sao không bị đánh thuế”, luật sư Nhung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, nên hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO