Để đảm bảo tính linh hoạt, tránh tạo gánh nặng cho người nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cần tháo gỡ “nút thắt” liên quan đến quy định về CPI.
Theo đó, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, trong Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới đây, Bộ Tài chính nhìn nhận “mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay cần phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới”.
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tăng mức GTGC cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc nhằm phù hợp với diễn biến chỉ số CPI và các chỉ số kinh tế vĩ mô, xu hướng phát triển cũng như thông lệ quốc tế, góp phần giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng, tránh trường hợp mức giảm trừ “quá cao” sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác; giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh…
Đồng tình với định hướng xây dựng chính sách của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành, mức GTGC chỉ được thay đổi khi CPI tăng 20% là vô cùng bất cập, cho nên việc sửa đổi Luật lần này, cần thiết phải tháo gỡ được “nút thắt” đã và đang tồn tại nhiều năm qua.
Theo Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, quy định này đã gây bức xúc cho người nộp thuế bởi mức GTGC thường chạy theo sau CPI nên rất nhiều năm mới có thể điều chỉnh. Đơn cử, CPI từ năm 2020 đến nay đã tăng trên 10% nhưng vẫn chưa đạt đến 20% nên mức GTGC vẫn đứng yên tại chỗ. Điều này khiến nhiều người làm công ăn lương qua nhiều năm, dù giá hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh mà số thuế phải nộp không được giảm khiến họ phải thắt lưng buộc bụng hơn.
“Trong Luật Thuế thu nhập cá nhân, phương pháp xác định mức GTGC là quan trọng nhất. Ngay cả nâng mức GTGC từ 11 triệu đồng/người/tháng lên 18 triệu đồng như kiến nghị của nhiều tỉnh, thành cũng chỉ có thể giải quyết được tạm thời năm đầu tiên. Những năm sau đó sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng mức GTGC trở nên lạc hậu, đi theo lối cũ. Vì vậy, ban soạn thảo nên bỏ căn cứ dựa theo chỉ số CPI để điều chỉnh mức GTGC”, vị chuyên gia này kiến nghị
Đồng thời bày tỏ, chỉ số CPI được tính bao gồm hơn 700 hàng hóa, dịch vụ, trong khi người nộp thuế chỉ chịu tác động thường xuyên ở một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước. Đó là chưa kể, với sự điều hành của Chính phủ gần đây thì chỉ số CPI sẽ biến động ở mức thấp, khác hoàn toàn với giai đoạn trước đây nên càng không phù hợp để tính mức GTGC.
Vì vậy nên quy định GTGC theo mức lương tối thiểu vùng, "nước lên thuyền lên", mỗi năm lương tối thiểu vùng được điều chỉnh nên phù hợp để tính GTGC. Điều đó sẽ giúp không còn xảy ra trường hợp lương tăng lên hằng năm để bù đắp cho phần mất giá mà thuế lại tăng thêm, làm mất ý nghĩa việc tăng lương của Chính phủ.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cũng cho rằng, quy định mức GTGC theo số cố định và khi chỉ số CPI thay đổi 20% thì mức này mới được thay đổi khiến việc sửa đổi rất chậm.
Theo vị chuyên gia này, thống kê trong 15 năm qua cho thấy, chỉ có khoảng 2 lần điều chỉnh mức GTGC và mỗi lần điều chỉnh tốc độ cũng thấp hơn thực tế, không thỏa đáng cho người nộp thuế. Đó là chưa kể, thu nhập của người dân trong 10 năm qua tăng lên do lạm phát tăng nhưng thu nhập thực tế lại giảm, nhất là những năm dịch COVID-19 bùng phát.
“Từ năm 2020 đến nay, chỉ số CPI đã có nhiều thay đổi mà vẫn áp dụng mức cũ là quá bất hợp lý. Nếu cho thay đổi tự động thì mức GTGC đã phải tăng lên 15 - 16 triệu đồng/người/tháng chứ không phải giậm chân ở mức 11 triệu đồng. Đó là chưa kể lương cơ sở vừa rồi tăng 30%, lương tối thiểu vùng tăng, cũng như các chỉ số khác tăng… do đó cần tăng mức GTGC để không lạm thu, phần thuế ngày càng cao, càng gây gánh nặng cho người nộp thuế”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, việc quy định mức GTGC cố định sẽ dẫn đến tình trạng hàng năm phải trình Chính phủ sửa đổi, nếu không thì lại quay về tình trạng lạc hậu như hiện nay. Về lâu dài, khi sửa đổi luật thuế, ban soạn thảo nên cân nhắc dựa theo mức lương tối thiểu vùng.
“Chẳng hạn hiện nay đang đề xuất tăng mức GTGC lên 18 - 20 triệu đồng/tháng, tương đương 4 - 5 lần lương tối thiểu vùng. Hàng năm, mức lương này tăng lên thì tự động mức GTGC sẽ thay đổi theo mà không cần phải tính toán, trình các cơ quan chức năng sửa đổi. Đây là phương án khá phù hợp khi thay đổi mức GTGC. Ngoài ra, chi phí lớn nhất của người lao động là cho y tế, giáo dục và nhà ở. Cần đưa những chi phí đặc thù này vào luật. Trong một số trường hợp đặc biệt như người phụ thuộc là khuyết tật, người cao tuổi có bệnh điều trị dài tốn nhiều chi phí thì tỷ lệ này có thể bằng 70 - 100% mức GTGC đối với người nộp thuế”, ông Nguyễn Ngọc Tú góp ý.