Chính trị - Xã hội

Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân: Vì sao cần làm ngay?

Trà My 24/12/2024 03:57

Dù lộ trình sửa đổi Luật Thuế TNCN được Bộ Tài chính đặt ra đến cuối năm 2026, nhưng các đoàn đại biểu Quốc hội vẫn liên tục gửi kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sớm hơn.

Điều này không chỉ thể hiện sự bất cập rõ ràng của chính sách hiện hành mà còn phản ánh áp lực từ thực tế đời sống: giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi ngưỡng chịu thuế vẫn "đứng yên" suốt nhiều năm qua.

Trong khi giá cả và nhu cầu của người dân không ngừng thay đổi, sự chậm trễ này có phải là một lộ trình hợp lý hay chỉ là sự chần chừ, bỏ lỡ cơ hội để "khoan sức dân"?

giamtrugiacanh.jpg
Đã có rất nhiều kiến nghị về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Ảnh minh họa: ITN

Trước sức ép từ thực tế chi phí sinh hoạt leo thang, mới đây, các đoàn đại biểu Quốc hội từ TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Long, Trà Vinh đã đồng loạt kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 15-18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế.

Các vị đại biểu nhấn mạnh, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại 11 triệu đồng/tháng đối với cá nhân không có người phụ thuộc đã trở nên lạc hậu, không còn phản ánh đúng tình hình kinh tế xã hội. Thậm chí, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc bị đánh giá là không đủ để đáp ứng các chi phí thiết yếu như giáo dục, y tế, và sinh hoạt hàng ngày.

Những bất cập này không chỉ làm giảm sức mua mà còn gây áp lực lớn lên đời sống người lao động, nhất là nhóm làm công ăn lương vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến động giá cả trong những năm gần đây.

Có thể thấy, những kiến nghị về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không phải là điều mới. Từ tháng 5/2024, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã mạnh mẽ đặt vấn đề này tại nghị trường, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không còn phù hợp với thực tế đời sống. Đến tháng 8/2024, đại biểu từ 6 tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính cần điều chỉnh biểu thuế và mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo tính công bằng.

Hầu hết các ý kiến này đều xoay quanh một điểm chung: Chính sách thuế phải phản ánh đúng những biến động của đời sống xã hội. Khi giá cả tăng cao và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, việc duy trì mức giảm trừ gia cảnh cũ không chỉ gây áp lực cho người lao động mà còn làm giảm tính hợp lý và công bằng của hệ thống thuế. Theo các vị đại biểu Quốc hội, những ý kiến thay đổi không chỉ là yêu cầu cấp thiết từ cử tri, mà còn là thước đo trách nhiệm của chính sách đối với đời sống dân sinh.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh hiện hành, áp dụng từ năm 2020 đã trở nên bất cập và cần được rà soát, đánh giá lại để phù hợp với những biến động về giá cả và mức sống dân cư.

Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ lạm phát và biến động giá cả, việc chờ đợi một chu kỳ sửa đổi luật kéo dài như hiện nay rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.

Người nộp thuế có quyền băn khoăn trong bối cảnh giá cả và chi phí sinh hoạt leo thang mạnh mẽ suốt 4 năm qua, việc duy trì sự "án binh bất động" đến tận năm 2026 là điều khó thuyết phục. Hay, tại sao thuế thu nhập cá nhân liên tục tăng, trong khi mức hỗ trợ thuế lại "đứng yên" và chờ đợi quy trình sửa đổi dài dằng dặc?

Đúng vậy! Giữa một nền kinh tế biến động nhanh, chính sách thuế không chỉ cần bám sát thực tiễn mà còn phải có sự linh hoạt, kịp thời. Việc chậm trễ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ làm giảm sức mua của người dân mà còn khiến sự bất mãn gia tăng khi thuế - vốn dĩ để "chia sẻ gánh nặng xã hội" - lại trở thành gánh nặng cho chính những người lao động. Có lẽ, điều mà cử tri mong mỏi không phải là lời hứa "chờ quy trình," mà là một chính sách mang tính "khoan sức dân" thật sự.

Câu hỏi đặt ra là với 4,4 triệu đồng, liệu có đủ nuôi một đứa trẻ đến trường hay chăm sóc cha mẹ già trong bối cảnh chi phí y tế và giáo dục ngày càng tăng? Cử tri liên tục phản ánh, đoàn đại biểu Quốc hội không ngừng kiến nghị, nhưng hồi đáp vẫn là lời hứa "chờ quy trình".

Có lẽ, chính sách thuế cần tính toán lại, bởi "khoan sức dân" không chỉ là nhiệm vụ tài khóa, mà còn là trách nhiệm xã hội, là sự công bằng mà mọi người lao động đều trông đợi. Chậm trễ đôi khi không phải là lộ trình hợp lý, mà là cơ hội bị bỏ lỡ để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Số thu từ thuế TNCN tăng gần như đều đặn suốt 13 năm qua, với mức tăng gấp 3,8 lần từ 2011 đến 2023. Đáng chú ý, chỉ trong 11 tháng năm 2024, số thu thuế TNCN đã đạt 181.200 tỉ đồng, vượt cả dự toán của năm 2025. Tỷ trọng thuế TNCN trong tổng thu ngân sách nhà nước cũng liên tục tăng, từ 5,33% năm 2011 lên 9,08% năm 2023, cho thấy mức đóng góp ngày càng lớn của người lao động vào ngân sách quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân: Vì sao cần làm ngay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO