Đề xuất ký hiệp định với Hàn Quốc để khắc phục đóng bảo hiểm hai lần

NGUYỄN VIỆT 22/11/2021 16:10

Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc nhằm tránh đóng bảo hiểm xã hội 2 lần, bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi bảo hiểm xã hội người lao động làm việc tại 2 quốc gia.

>> Hướng tới rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Ngày 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Đây là Hiệp định toàn diện về bảo hiểm song phương đầu tiên của Việt Nam được chính phủ 2 nước đàm phán từ năm 2015 và đã thống nhất nhiều nội dung lớn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Việc ký hiệp định này nhằm tránh tình trạng đóng bảo hiểm xã hội 2 lần và bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc tại 2 quốc gia.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trình bày, sự cần thiết của việc ký Hiệp định được đặt trong bối cảnh người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày một tăng lên.

Do đó, đòi hỏi cần có các chính sách để đảm bảo người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền an sinh xã hội, tạo sự bình đẳng về cơ hội cho không chỉ người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam mà còn đối với cả người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại nước ngoài.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị định số 143 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, từ 1/12/2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ tham gia BHXH bắt buộc và được thụ hưởng với 3 chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, từ 1/1/2022 sẽ tham gia và được thụ hưởng thêm 2 chế độ hưu trí và tử tuất.

>> Sẽ giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu?

Cùng với quy định này của Việt Nam, từ 1/1/2022, theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc, người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc cũng sẽ tham gia và được thụ hưởng từ chương trình hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung.

Như vậy, việc bổ sung quy định áp dụng BHXH sẽ phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH, người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam, vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và cũng tương tự đối với lao động Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết bằng việc thỏa thuận thông qua các Hiệp định song phương hoặc đa phương về BHXH.

Báo cáo thẩm tra về việc ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ký Hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần, tối ưu hóa quyền lợi về BHXH cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam.

Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên Hợp Quốc. Về nội dung dự thảo Hiệp định không trái với Hiến pháp và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; việc ký kết Hiệp định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà.

Tuy nhiên, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Hiệp định do dự thảo Hiệp định có nội dung chưa được quy định trong luật của Quốc hội. Ủy ban Đối ngoại và đa số Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tuân thủ quy định của Luật Điều ước quốc tế (Khoản 1, Điều 14).

Một số ý kiến Ủy ban Đối ngoại đề nghị làm rõ các nội dung về tình hình ký kết Hiệp định song phương về BHXH ở các nước trong khu vực và trên thế giới; lợi ích của Việt Nam khi ký Hiệp định. Làm rõ khả năng áp dụng trực tiếp Hiệp định; lộ trình sửa đổi, bổ sung, định hướng sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá toàn diện, đầy đủ và giải trình rõ hơn tác động đối với quỹ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Chế tài xử lý đối với các trường hợp trốn đóng BHXH giữa hệ thống pháp luật của hai nước; mối quan hệ và ảnh hưởng giữa Hiệp định này với các hiệp định song phương khác của hai nước… Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách BHXH và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế (đối với nội dung tính gộp thời gian đóng BHXH).

Nêu ý kiến về việc ký kết Hiệp định, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, việc ký kết phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, phù hợp với luật pháp Việt Nam, đẩy mạnh đàm phán ký kết song phương về bảo hiểm xã hội.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ủy ban TVQH đồng ý về mặt nguyên tắc việc Chính phủ ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.

Đồng thời đề nghị Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung này. Đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế đối với nội dung tính gộp thời gian đóng BHXH.

Tính đến hết năm 2020, có hơn 27.000 lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam; hơn 34.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, hơn 2.000 lao động kỹ thuật cao và hơn 8.000 lao động ngư nghiệp. Đến nay, Hàn Quốc đã ký Hiệp định BHXH có hiệu lực với 29 quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội: Truyền thống dân tộc là tôn sư trọng đạo

    02:00, 20/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Đại đoàn kết tạo nên sức mạnh đổi mới

    01:00, 19/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Trọng trách của Quốc hội là tiếp tục đổi mới

    14:30, 17/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Càng khó khăn, càng phải quyết tâm!

    16:02, 16/11/2021

  • Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch

    13:55, 13/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”

    12:22, 13/11/2021

  • Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù

    10:21, 13/11/2021

  • Quốc hội phê duyệt mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 3,7% GDP

    17:42, 12/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Gói kích thích kinh tế phải chú trọng cả tổng cung, tổng cầu

    15:10, 12/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất ký hiệp định với Hàn Quốc để khắc phục đóng bảo hiểm hai lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO