Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đầu tư công: Giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 02/11/2024 04:30

Với nhiều quy định nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong triển khai các dự án, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế…

Dự thảo Luật Đầu tư công gồm 07 Chương, 109 Điều, trong đó, Dự thảo sửa đổi 44 Điều, trong đó có 16 Điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 Điều; bãi bỏ 07 Điều.

sua-luat-dau-tu-cong-24.6..1.1.2.jpg
Dự thảo Luật Đầu tư công gồm 07 Chương, 109 Điều với nhiều kỳ vọng trong tháo gỡ vướng mắc về đầu tư công - Ảnh minh họa

Các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Nhóm chính sách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục cũng như làm rõ các khái niệm, thuật ngữ nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

Theo cơ quan chủ trì xây dựng luật, Luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục được bài toán “có tiền mà không tiêu được”, đùn đẩy trách nhiệm và tránh tạo cơ chế xin - cho… trong triển khai các dự án đầu tư công thời gian qua.

Nhìn nhận về Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi như đề xuất của Chính phủ sẽ góp phần hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý toàn diện trong triển khai kế hoạch đầu tư công, giảm thiểu thủ tục hành chính; giảm thiểu sự lúng túng, e ngại của các bộ, ngành và địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, sử dụng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

sua-luat-dau-tu-cong-24.6..1.1.1.jpg
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với các đề xuất của Chính phủ về phân cấp, phân quyền - Ảnh minh họa

Tham gia góp ý, đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bày tỏ sự đồng tình với nhiều đề xuất của Chính phủ về phân cấp, phân quyền. Như, phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

“Như vậy, Chính phủ đề xuất phân cấp triệt để cho các bộ, cơ quan trung ương trong việc quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A. Đề xuất này vừa thực hiện chính sách phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của bộ, cơ quan trung ương, vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án nhóm A quy mô lớn, có ảnh hưởng đến địa bàn nhiều địa phương”, ông Khải nhìn nhận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cũng tán thành đề xuất quy định việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho UBND các cấp, bởi sự phân cấp mạnh mẽ này sẽ tạo sự chủ động cho UBND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công.

Nhất trí với đề xuất phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ nhằm cắt giảm trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phân tích, nếu không phân cấp, thì việc xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 6 - 7 tháng để thực hiện 11 bước), gây ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn.

“Theo dự kiến, việc phân cấp này sẽ cắt giảm được nhiều trình tự, thủ tục (giảm được 5 bước, giảm thời gian khoảng 3 tháng), sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, đại biểu Nghĩa chia sẻ.

Cùng với các ý kiến đã nêu, đánh giá về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) không ít ý kiến cũng bày tỏ, nội dung sửa đổi đã “đụng vào và chạm tới” những vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn của các dự án đầu tư công.

Vì thế, các ý kiến cho rằng, Luật cần sớm được thông qua như đề xuất của Chính phủ theo quy trình một kỳ họp. Bởi, hiện đang trong quá trình bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030, nếu 2 kỳ họp mới thông qua luật sẽ làm chậm hoặc làm lệch hẳn công tác xây dựng kế hoạch đầu tư này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Đầu tư công: Giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO