Đề xuất quy định mới về cấp, quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC

NGỌC LAM 01/06/2022 01:38

Bộ Công an đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

>>>Các thành viên ABAC đồng hành cùng APEC phục hồi kinh tế

Theo dự thảo, thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) là một loại thị thực do cơ quan có thẩm quyền của nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc khối APEC tham gia Chương trình.

Dự thảo nêu rõ, thẻ ABTC có giá trị sử dụng trong 05 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn. Khi thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng, nếu người được cấp thẻ vẫn có nhu cầu đi lại trong khối APEC, thì làm thủ tục đề nghị cấp thẻ mới.

Thẻ ABTC có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh vào các nước và vùng lãnh thổ thành viên tham gia Chương trình thẻ ABTC có tên trên thẻ khi người mang thẻ xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ. Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nước và vùng lãnh thổ thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ đó.

Doanh nhân Việt Nam và doanh nhân nước ngoài mang thẻ ABTC có trách nhiệm xuất trình thẻ ABTC và hộ chiếu cho người làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh khi xuất cảnh, nhập cảnh tại sân bay của các nền kinh tế thành viên.

Doanh nhân mang thẻ ABTC sẽ được ưu tiên làm thủ tục xuất nhập cảnh tại khu vực dành riêng ở sân bay của các nền kinh tế thành viên.

Doanh nhân nước ngoài sử dụng thẻ ABTC nhập cảnh Việt Nam được đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế cấp chứng nhận tạm trú 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh và trước thời hạn của hộ chiếu 1 tháng.

Trường hợp thẻ ABTC còn thời hạn dưới 90 ngày thì cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn của thẻ.

Được biết, sau 15 năm tổ chức thực hiện Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, bên cạnh những kết quả tích cực thì thời gian qua, Quy chế đã bộc lộ bất cập, hạn chế và phát sinh một số vấn đề:

Thứ nhất, quy chế hiện chưa có quy định chi tiết về thủ tục hành chính tiếp nhận, xử lý tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, dẫn đến việc UBND cấp tỉnh không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp chứng minh tư cách pháp nhân cũng như không có căn cứ đánh giá về năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng hợp tác của các doanh nghiệp.

Do không có một quy định chung nên mỗi tỉnh, thành phố lại áp dụng tiêu chí riêng để xem xét cho phép doanh nhân được sử dụng thẻ. Điều này dẫn đến việc thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể về thành phần hồ sơ cũng như điều kiện được cấp thẻ ABTC để các địa phương có cơ sở xem xét cho phép doanh nhân được sử dụng thẻ và thực hiện thống nhất.

Thứ hai, Quy chế chưa quy định trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý thẻ ABTC của các doanh nghiệp và việc sử dụng thẻ ABTC của các doanh nhân được cấp, cũng như chế độ báo cáo tình hình quản lý và sử dụng thẻ theo định kỳ.

Việc phối hợp trao đổi thông tin về cấp thẻ ABTC cho doanh nhân giữa Bộ Công an với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được kết nối thường xuyên, nên địa phương không nắm được những trường hợp UBND cấp văn bản cho phép doanh nhân sử dụng thẻ nhưng không được Bộ Công an cấp thẻ. Do đó, cần phải có quy định về việc này.

Thứ ba, theo Quy chế thì cấp thẩm quyền xét, cho phép sử dụng thẻ ABTC gồm có Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Tuy nhiên, thực tế giải quyết hồ sơ có nhiều doanh nhân thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… đề nghị cấp thẻ ABTC. Quy chế hiện chưa quy định cấp thẩm quyền nào được xét, cho phép sử dụng thẻ đối với doanh nhân thuộc các tổ chức này nên cần phải có quy định cụ thể để thực hiện.

Thứ tư, ngày 20/11/2020, tại Tuần lễ cấp cao APEC, Thủ tướng Úc đã chính thức thông báo triển khai thẻ ABTC điện tử. Thẻ ABTC điện tử là phiên bản kỹ thuật số của thẻ ABTC cứng, cho phép doanh nhân xuất trình thẻ ABTC qua “ứng dụng” trên thiết bị thông minh. Mỗi nền kinh tế thành viên APEC sẽ quyết định lộ trình chuyển đổi từ thẻ ABTC cứng sang sử dụng thẻ ABTC điện tử cho các doanh nhân của mình. Tính đến nay đã có 10 nước thành viên phát hành thẻ ABTC điện tử.

Thứ năm, theo Quy chế hiện nay thì thẻ ABTC đang được hiểu là một loại giấy tờ cấp cho doanh nhân (thẻ ABTC cứng). Do đó, cần thiết phải sửa đổi Quy chế để có cơ sở pháp lý cho việc triển khai cấp thẻ ABTC điện tử cho doanh nhân Việt Nam và kiểm soát đối với doanh nhân nước ngoài sử dụng hình thức thẻ này nhập cảnh.

Thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022, theo đó một số thủ tục cấp thẻ ABTC của doanh nhân Việt Nam được nâng lên cấp độ 4. Để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Quyết định này cần phải sửa đổi Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC.

Điều kiện để được xét cho phép sử dụng thẻ ABTC

Doanh nhân đang làm việc thực tế tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Có nhu cầu đi lại thường xuyên, ngắn hạn để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ hoặc tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên APEC.

Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp phải có các hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh trực tiếp với đối tác nước ngoài hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia Chương trình thẻ đi lại doanh nhân APEC.

Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên, chấp hành đúng quy định của pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội.

Doanh nhân phải từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự.

Không thuộc các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 36 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch nước: Các thành viên ABAC cần đồng hành cùng APEC phục hồi kinh tế

    03:43, 12/11/2021

  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư APEC và quốc tế

    16:27, 11/11/2021

  • Chủ tịch nước đề xuất 3 giải pháp với cộng đồng doanh nghiệp tại APEC 2021

    15:00, 11/11/2021

  • 44% lãnh đạo doanh nghiệp APEC chọn Việt Nam để đầu tư

    11:00, 18/12/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất quy định mới về cấp, quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO