Nghiên cứu - Trao đổi

Đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Yến Nhung 12/09/2024 04:30

Góp ý sửa đổi Luật Đầu tư công, nhiều ý kiến đánh giá đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập rất phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.

Giai-phong-mat-bang (1)
Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ - Ảnh minh họa: ITN

Qua đó đã nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng các hồ sơ liên quan, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình 01 kỳ họp.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm đóng góp nhiều ý kiến là việc Dự thảo cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.

Cụ thể, Dự thảo đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, thay vì chỉ với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A như quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật hiện hành.

Theo đó, trường hợp thật sự cần thiết, tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

giai-phong-mat-bang-la-gi0702180718-17165191880341682637242 (1)
Nhiều ý kiến đánh giá đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, song còn một số điểm cần được làm rõ - Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá cao tư duy đổi mới, ưu tiên sự thông thoáng trong Dự thảo, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho rằng, việc cho phép tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập là rất hợp lý, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc triển khai dự án.

“Theo đó, nên ưu tiên cho các dự án nhóm A, B, C quy mô nhỏ có thể xem xét tách hoặc không tách tùy thực tế”, ông Sơn nhấn mạnh.

Từ thực tế địa phương, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đồng thuận về tách giải phóng mặt bằng khỏi các dự án để đảm bảo tiến độ các dự án. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề, việc tách này lại gắn với điều luật về tổng mức đầu tư các dự án nhóm A, B, C.

“Hiện tổng mức đầu tư dự án là tính cả giải phóng mặt bằng, nay tách phần bồi thường rồi thì tính ra sao? Thực tế, nhiều dự án có chi phí xây lắp/thiết bị thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Quy định cần nêu rõ dự án bồi thường bao nhiêu thì tách được. Cần nói rõ để địa phương chủ động thực hiện thủ tục đầu tư của địa phương”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ.

Liên quan đến quy định này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đã được đặt ra từ lâu. Cách đây vài năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình việc này, nhưng khi đó Quốc hội cân nhắc và quyết định rằng sẽ xem xét từng địa bàn, từng dự án, điều kiện cụ thể.

“Khi đó đã lường trước các trường hợp như các dự án giao thông chẳng hạn, chưa có hướng tuyến thì tách dự án bồi thường sẽ có thể gây nhiều hệ lụy về sau. Lần này, Bộ tiếp tục đưa vào Dự thảo, nhưng kèm theo các điều kiện để đảm bảo công tác quản lý nhà nước”, bà Bích Ngọc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO