Trước đề xuất tăng thuế đất phi nông nghiệp của Bộ Tư pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào đối tượng đầu cơ, bỏ hoang, có chính sách khuyến khích nếu sử dụng hiệu quả…
>>Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”
Theo đánh giá của Đoàn Giám sát của Quốc hội, thời gian qua, hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng phải ghi nhận rằng, bên cạnh tình trạng bỏ hoang, nhiều diện tích đất cũng được đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Do đó, góp ý cho dự thảo đề xuất tăng thuế đất phi nông nghiệp đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến hoàn thiện, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung đánh thuế cao với đất bỏ hoang, đầu cơ, mạnh tay xử lý đất vi phạm, lấn chiếm. Đồng thời, khuyến khích đối với người được giao, cho thuê đất đưa đất vào sử dụng hiệu quả.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tăng thuế bất động sản phải giữ nguyên tắc, không tăng thuế trên tài sản mà cải cách thuế trên tài sản. Nghĩa là thuế không đánh vào người nghèo mà đánh vào hoạt động đầu cơ, tích trữ đất, không đưa đất vào sử dụng.
Theo ông Võ, đất lấn chiếm cần thẳng tay thu hồi. Nếu đánh thuế đất này coi như thừa nhận việc lấn chiếm. Còn những trường hợp có đất đúng pháp luật mà không sử dụng thì mới tính thuế với tỷ suất cao. Đơn cử như đất bỏ hoang.
Song song với đó, nhà nước cần chính sách khuyến khích giảm thuế nếu sử dụng đất tốt, hiệu quả cao. "Chúng ta không chỉ nhăm nhăm nâng tỷ suất thuế mà không có sự động viên sử dụng đất hiệu quả", ông Võ nói.
>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa thể hiện đầy đủ quyền giám sát của công dân
Cùng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, tăng thuế cần thiết xem xét mức đánh thuế phù hợp. Trước hết phải rà soát lại hết các loại thuế, phí liên quan đến từng loại đất, tài sản, xem nó đang chịu những loại thuế, phí nào. Từ đó để cân đối tăng, giảm từng loại thuế, phí cho hợp lý.
Đồng thời, cân đối thu nhập của người dân với các chi phí liên quan, trong đó có chi phí nhà ở, xem nhà ở, nhà trọ chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập? Các chi phí khác như học hành, ăn uống, hoạt động phục vụ sức khoẻ, đi lại... chiếm bao nhiêu chi phí.
Từ sự rõ ràng, mình bạch đó, chúng ta mới giải thích được lý do vì sao tăng. Không thể chỉ căn cứ vào tỷ lệ GDP hay phần trăm nguồn thu ngân sách để đòi hỏi phải bằng tỷ lệ thuế các nước khác. Thuế của chúng ta chỉ dựa trên cơ sở thu nhập, mức sống của người dân trong nước.
"Cơ sở để chúng ta đưa ra mức thuế không chỉ phụ thuộc vào giá trị tài sản mà còn phụ thuộc vào mức sống, mặt bằng chung của xã hội..., nâng làm sao để người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích. Khi và chỉ khi hài hoà được lợi ích giữa nhà nước và nhân dân thì chính sách đó mới thành công", ông Thịnh nói.
Trước đó, trong dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Bộ Tư pháp đề cập, thuế sử dụng đất ở thấp. Cụ thể: thuế suất 0,03% đối với đất trong hạn mức, 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 - 3 lần hạn mức.
Dự thảo cho rằng, điều này đã dẫn đến chủ sử dụng đất không bị tác động nhiều từ thuế đất, bỏ hoang đất. Do đó, dự thảo định hướng, quy định ngưỡng chịu thuế, nâng mức thuế suất đối với đất ở (đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở) và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế.
Bộ Tư pháp cũng đề xuất quy định mức thuế suất cao (bằng mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế đang dự kiến áp dụng đối với đất ở) với đất lấn chiếm, đất bỏ trống, đất chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng theo đúng quy định; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích.
Có thể bạn quan tâm