Để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, giải quyết khó khăn từ thực tiễn, Hải Phòng đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Hải Phòng là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch. Để tiếp tục cụ thể hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết khó khăn từ thực tiễn, Hải Phòng đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.
Báo cáo tại Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Dự thảo Nghị quyết gồm 3 Chương với 12 Điều, được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn: Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chính sách còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nhóm chính sách mang tính đặc thù, đột phá hơn nữa về tài chính, đầu tư tổ chức bộ máy và con người. Sớm giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho Thành phố sớm hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao.
Theo Dự thảo Nghị quyết gồm 6 nhóm chính sách lớn về: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; chế độ cán bộ công chức, viên chức và khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, về quản lý đầu tư, Dự thảo Nghị quyết phân cấp, phân quyền cho UBND thành phố Hải Phòng trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, rút ngắn thời gian thực hiện. Đồng thời tăng thêm tính chủ động cho thành phố trong việc thu hút thu hút đầu tư và phát triển cảng biển, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, định hướng phát triển.
Đối với nhóm chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, cơ quan soạn thảo đề xuất 5 chính sách, trong đó, tiếp tục thực hiện thí điểm chính sách về nợ chính quyền địa phương thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động vốn đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách.
Tiếp tục thực hiện thí điểm bổ sung ngân sách Thành phố từ số tăng thu ngân sách trung ương để đảm bảo nguồn lực phát triển thành phố. Việc này nhằm giải quyết vấn đề bổ sung nguồn lực trong nước để Thành phố thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tạo sự chủ động cho địa phương trong việc tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất chính sách mới, đó là: “Thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon”. Chính sách này nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng công tác quản lý, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng cường thu ngân sách, hoàn thiện cơ chế tài chính, khai thác hiệu quả các nguồn thu.
Đối với các chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng 7 chính sách. Trong đó, UBND Thành phố được thực hiện bán nhà ở cho các hộ dân có tên trong hợp đồng thuê nhà ở chung cư thuộc tài sản công hình thành từ sau năm 1994 đến năm 2025; Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn Thành phố; quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn Thành phố.
Về chính sách liên quan tới khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng chính sách về thí điểm các chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Thí điểm hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; Thí điểm chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn Thành phố;…
Tại đề án, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng quy định thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại TP Hải Phòng (gọi tắt là Khu TMTD Hải Phòng) được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu TMTD Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu chức năng đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật được bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng trong Khu TMTD Hải Phòng đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu TMTD Hải Phòng, Dự thảo Nghị quyết quy định Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu TMTD Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ hơn vấn đề phân cấp, đưa vào phần chuyển tiếp để đảm bảo phù hợp với chủ trương hiện nay. Cân nhắc xem xét lại quy định, rà soát lại từ ngữ nhằm đảm bảo thống nhất về từ ngữ trong Dự thảo, tương thích với các luật hiện hành.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tốt nhất có thể cho việc phát triển kinh- tế xã hội của Hải Phòng, vì lợi ích chung, đồng thời xây dựng các quy định để đảm bảo thực hiện vấn đề trên…
“Trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, chúng tôi thấy hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Hải Phòng để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định.