Nhiều giải pháp để phát triển du lịch đường sắt và xây dựng Ga Hải Phòng trở thành điểm hấp dẫn du khách đang được Hải Phòng triển khai.
“Bắt tay” xây dựng sản phẩm mới
Ga Hải Phòng được người Pháp xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1902. Đây là 1 trong 4 ga chính của tuyến đường sắt dài 99km nối TP Hải Phòng với TP Hà Nội. Đây cũng được coi là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt Nam. Ga Hải Phòng còn là một trong số ít các nhà ga in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại ở Việt Nam, bên cạnh những ga tại Huế (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Ðà Lạt (Lâm Ðồng).
Trải qua 120 năm lịch sử, Ga Hải Phòng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính in đậm kiến trúc Pháp, lưu giữ ký ức một thời của TP Hải Phòng. Không chỉ là điểm tham quan, check-in quen thuộc của du khách, nơi đây còn chứa đựng nhiều giá trị của TP Hải Phòng nói chung và con người nơi đây nói riêng.
Nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường sắt và gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách, mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã “bắt tay” với TP Hải Phòng tổ chức đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” dự kiến đưa vào vận hành 20 toa xe mới trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Thời gian khai trương dự kiến trước ngày 13/5/2025 chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng TP Hải Phòng. Đây không chỉ là hoạt động làm mới sản phẩm du lịch đường sắt mà còn mở ra cơ hội để Hải Phòng nâng tầm trải nghiệm của du khách, định hình sản phẩm du lịch cao cấp.
Trong số 20 toa tàu được đầu tư đóng mới, sẽ có 2 toa VIP với thiết kế khoang 36 ghế gồm 16 ghế sofa đơn, 5 bộ sofa dài với 20 chỗ ngồi được bố trí trong ba không gian khác nhau. Đối với 18 toa còn lại được thiết kế với 56 ghế xoay, nền lát thảm nhựa, trần dán vải hoa trang trí và lắp 2 dọc đèn Led lối đi, có màn hình LCD và khung Led quảng cáo. Đoàn tàu mới này được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đường sắt thu hút và tăng trải nghiệm cho du khách.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dự kiến màu sắc, đường nét và thiết kế của đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” sẽ kết hợp giữa đường nét hiện đại và màu sắc truyền thống Á Đông, với màu xanh lá của lá phượng, màu đỏ của hoa phượng, màu xanh dương của biển cùng những đường nét song song minh hoạ cho sóng biển cũng như cho thành phố Cảng.
Chia sẻ về sự hợp tác này, bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, đoàn tàu du lịch cao cấp mang tên “Hoa Phượng đỏ” không chỉ là phương tiện di chuyển, hành trình trên tàu, mà còn là cơ hội để du khách thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Hà Nội và TP Hải Phòng ngay trên tàu, dễ dàng tham gia Foodtour khi đến Hải Phòng.
Khi đoàn tàu đi vào vận hành sẽ có nhiều nhà hàng tham gia chương trình du lịch đường sắt. Du khách sử dụng vé tàu du lịch sẽ được giảm giá khi sử dụng dịch vụ ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi. Các hoạt động đó sẽ giúp cho Foodtour có sức sống mới, tăng trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, hoạt động này kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ du lịch giữa hai trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của miền Bắc.
"Cú hích" mới
Thực tế, những năm gần đây, việc di chuyển bằng tàu hỏa ngày càng được nhiều du khách lựa chọn, nhất là trong mùa cao điểm du lịch. Hành khách đi tàu chủ yếu là giới trẻ như học sinh, sinh viên và người cao tuổi. Trong đó, phần lớn về TP Hải Phòng để khám phá foodtour và thăm quan các điểm du lịch, di tích lịch sử, bảo tàng tại Hải Phòng. Du lịch đã và đang làm "sống" lại tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, một trong những tuyến đường sắt lâu đời nhất của cả nước.
Ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng chia sẻ, từ khi trào lưu đi trải nghiệm Foodtour Hải Phòng bằng đường sắt bùng nổ, lượng hành khách tăng rất cao. Để phục vụ nhu cầu của du khách, Ga Hải Phòng đã cải tạo, sửa chữa đường qua ga để hành khách đi lại được thuận tiện hơn. Về các thiết bị trên tàu, Tổng công ty đường sắt Việt Nam rất chú trọng đến các ga trên tuyến. Về các thiết bị toa xe, ngành đường sắt đã đưa các thiết bị toa xe chất lượng tốt để phục vụ trên tuyến này.
Theo thống kê, giai đoạn 2022 – 2024, lượng hành khách đi tàu Hà Nội - Hải Phòng tăng đều bình quân 10%/năm, đạt hơn 1,5 triệu lượt khách. Chỉ tính trong năm 2024, hơn 1,5 triệu lượt khách đã đến với TP Hải Phòng bằng đường sắt, tăng so với 1,4 triệu lượt khách của năm 2023.
Dự kiến dịp kỷ niệm 13/5, TP Hải Phòng sẽ đón hàng chục nghìn người dân và du khách thông qua đường sắt. Điều này sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng bứt phá của du lịch đường sắt thành phố năm 2025. Đây cũng là tín hiệu tích cực để ngành đường sắt tiếp tục đổi mới, cải thiện chất lượng dịch vụ và khai thác tiềm năng để thu hút nhiều du khách hơn trong thời gian tới.
Được biết, TP Hải Phòng cũng đang hoàn thiện thủ tục công nhận Ga Hải Phòng là điểm du lịch, điểm check-in và nâng cao trải nghiệm cho du khách ngay từ khi đặt chân đến thành phố. Kế hoạch kết nối du lịch đường sắt với du lịch đường sông, đường biển cũng đang được triển khai nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, nếu như trước đây, lượng khách đi tàu đến TP Hải Phòng để trải nghiệm Foodtour, Citytour chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên, thì nay, việc đưa vào hoạt động các toa tàu hạng sang, nhất là các toa vip sẽ thu hút thêm lượng khách cao cấp đến với Hải Phòng. Đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” cũng sẽ giúp du khách từ Hà Nội và khách du lịch quốc tế đến với Hải Phòng có thêm lựa chọn cao cấp, trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch sôi động trong mùa hè 2025 tại các khu du lịch nổi tiếng của thành phố.
“Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là sản phẩm du lịch đường sắt độc đáo, góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho du khách. Đồng thời mang đến những trải nghiệm mới lạ, giúp du khách khám phá Hải Phòng theo một góc nhìn khác biệt và thú vị hơn. Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng các tour kết hợp giữa tàu hỏa, du lịch biển đảo, City tour và trải nghiệm ẩm thực”, bà Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ.
Ông Trần Văn Hạnh cho biết thêm, hiện nay, không chỉ giới trẻ mà rất nhiều đối tượng, nhóm người lớn tuổi hoặc những người cùng làm việc trong một cơ quan di chuyển bằng đường sắt xuống Hải Phòng rất nhiều. Điều này cũng giúp cho du lịch của Hải Phòng phát triển.