Bên cạnh những giải pháp có thể ban hành thực hiện ngay, trong đề xuất thúc đấy tăng trưởng kinh tế, VCCI cũng đưa ra những giải pháp căn cơ, dài hạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Theo đó, cũng tại văn bản trả lời Công văn số 3652/BKHĐT-TH ngày 11/6/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị nghiên cứu, chuẩn bị các đề xuất chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại (Đề án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục đưa ra những giải pháp căn cơ, dài hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trước thực trạng hiện nay.
Ưu tiên thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường kiểm soát dịch COVID-19
Theo VCCI, ưu tiên thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 là hai mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 nhằm tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế và doanh nghiệp tăng trưởng.
“Thực tế diễn ra trong năm 2020 là bài học cho nền kinh tế toàn cầu, việc nhận thức không đầy đủ mức độ nguy hiểm dẫn đến sự chủ quan trong kiểm soát, phòng chống dịch đã khiến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả những nền kinh tế phát triển rơi vào vòng xoáy suy thoái với quy mô và cường độ lớn hơn so với các cuộc suy thoái do yếu tố kinh tế thuần túy gây ra, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp”, VCCI nhận định.
Ưu tiên, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cũng theo VCCI, sau thời gian tạo được sự chuyển biến, dường như tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại so với khu vực và thế giới, hơn nữa, một số chỉ số có diễn biến tụt hậu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang dồn nguồn lực để thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện “bình thường mới”.
“Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ tiếp dành sự quan tâm, nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thiết thực, thông qua việc rà soát các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa đến tối đa các thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, loại bỏ rào cản bất hợp lý, xây dựng niềm tin kinh doanh trong người dân và trong doanh nghiệp, …, góp phần giảm chi phí kinh doanh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, VCCI đánh giá.
Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài
Trong đề xuất tiếp theo của mình, VCCI cho rằng, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.
“Đại dịch COVID-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc. Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên”, VCCI kiến nghị.
Triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ
Theo VCCI, tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế chứng nhận xuất xứ hiện đại, đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nước, cơ chế này cho phép loại bỏ thủ tục xin chứng nhận xuất xứ tại cơ quan có thẩm quyền, qua đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội. Tự chứng nhận xuất xứ vì vậy cũng được xem là công cụ quan trọng để tăng hiệu quả tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất nhập khẩu.
Cũng theo VCCI, trong một số FTA gần đây, Việt Nam đã cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhưng có bảo lưu về thời gian thực hiện đối với trường hợp chứng nhận của nhà sản xuất xuất khẩu Việt Nam. Thực tế, ngoại trừ 5-6 doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình thử nghiệm trong ASEAN (ATIGA), Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với bất kỳ FTA nào.
Việc bảo lưu chưa thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo FTA được cho là cần thiết để các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam liên quan có đủ thời gian để nâng cao năng lực, làm quen với cơ chế tự chịu trách nhiệm… Cách tiếp cận thận trong này là phù hợp trong thời gian trước đây, khi chỉ có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ và vì vậy chưa kiểm chứng được tác động thực tế.
Tuy nhiên, từ 2020, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi EU theo GSP đã triển khai tự chứng nhận xuất xứ theo yêu cầu của EU (hệ thống REX). Kết quả thực tế cho thấy doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ này, và cũng không có bất cập nào lớn, mang tính hệ thống, được nhận diện trong thời gian qua. Như vậy, rõ ràng việc áp dụng tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu theo các FTA ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, mặc dù trong cơ chế mới này, trách nhiệm của doanh nghiệp được nhấn mạnh và yêu cầu cao hơn, cần lưu ý rằng ngay cả với cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp để làm bằng chứng về xuất xứ, cơ quan cấp chứng nhận cũng chỉ xem xét hồ sơ chứng từ do doanh nghiệp cung cấp là chủ yếu.
Từ thực tế trên, VCCI đề nghị, Bộ Công Thương nghiên cứu để trình Chính phủ quyết định triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo các FTA ngay trong giai đoạn 2022-2024, cụ thể: Triển khai cơ chế tự chứng nhận trong CPTPP sớm hơn thời hạn 2024/2029 mà Việt Nam bảo lưu theo cam kết; Triển khai cơ chế tự chứng nhận trong EVFTA, UKVFTA đồng thời với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP.
Thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng logistics cho xuất nhập khẩu, đặc biệt là với nông thủy sản
Theo thống kê, chi phí logistics nội địa chiếm tỷ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm (30% giá thành nông sản, 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ…) ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Lợi thế thuế quan theo các FTA thậm chí không đủ để bù đắp chi phí logistics gia tăng.
Trong một vài năm trở lại đây, bất cập này đã được nhận diện rất rõ ràng, nhiều sáng kiến, gợi ý đã được đưa ra, tuy nhiên, tình hình chưa có cải thiện, các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý Nhà nước (đặc biệt ở địa phương) vẫn tiếp tục nêu những bất cập vốn đã được đề cập từ các năm trước.
VCCI cho rằng, các giải pháp về logistics, đặc biệt là hạ tầng logistics (chung và theo đặc điểm từng ngành hàng, từng địa bàn), đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ Nhà nước và sự tham gia đồng thời của nhiều Bộ ngành, các địa phương liên quan. Các đề xuất hành động và việc triển khai phải được xem xét bởi cơ quan có thẩm quyền đủ mạnh.
“Do vậy, đề nghị thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng logistics với chức năng chủ yếu: Rà soát thực tế, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định/trình cơ quan có thẩm quyền quyết định về các biện pháp cụ thể giải quyết các vấn đề về hạ tầng logistics; Đầu mối phối hợp các Bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể đã được cấp có thẩm quyền quyết định, thúc đẩy giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Phạm vi ưu tiên của Tổ Công tác này cần tập trung vào: Lĩnh vực hạ tầng logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản; Khu vực kinh tế trọng điểm phía nam (đồng bằng sông Cửu Long)”, VCCI đề xuất.
Bên cạnh một số giải pháp nêu trên, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm một số giải pháp như:
Xây dựng các chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.
Có chính sách tập trung phát triển kinh tế số như Thương mại điện tử, Fintech và logistics để tạo sức đột phá mới cho phát triển nền kinh tế Việt Nam cho giai đoạn hiện nay.
Tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo cho lao động, đặc biệt là những chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 được dự báo còn kéo dài, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Các Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nghiên cứu việc có những chính sách hỗ trợ linh hoạt hơn.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị chính phủ có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp để giảm những chi phí này như chi phí vốn, vận tải, logistics, đất đai, các chi phí về các thủ tục hành chính. Đề nghị tiếp tục thúc đẩy thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, và các chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính như giãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí công đoàn; … Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng giảm: Điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ NSNN; Điều chỉnh giá một số yếu tố đầu vào theo hướng giảm cho doanh nghiệp (giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất; …); Điều chỉnh giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; …
Cùng với đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt là một kiến nghị giải pháp đáng được Chính phủ quan tâm, bởi các dự án này khi được vận hành có vai trò dẫn dắt, thu hút doanh nghiệp ở các khu vực khác nhau có thể tham gia thực hiện trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cũng như tiếp cận tài chính do dịch COVID-19.
“Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu và và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Cần có các chương trình kết nối tiêu thụ và kích thích tiêu dùng trên toàn quốc (ví dụ: có thể tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm theo tuần. Có thể liên kết một số sàn TMĐT để cùng thực hiện hoạt động này). Cần có sự liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp online và tập trung.
Cần lan toả và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chia sẻ được cách thức ứng phó hiệu quả dịch COVID-19 từ những doanh nghiệp đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Với những diễn đàn chia sẻ thông tin như vậy, các ngành hàng có thể cùng nhau nhìn lại những gì đã và có thể sẽ xảy ra trong ngành mình, và bàn hướng tăng cường hợp tác, liên kết để đi tới trong tương lai…”, VCCI kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách hỗ trợ cần đi vào “thực chất”
11:00, 19/06/2021
Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ thực chất, không “bóng bẩy”
04:01, 21/03/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang
20:17, 28/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: TP.HCM tích cực hơn nữa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh
20:05, 26/05/2021
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thuế GTGT
11:10, 12/05/2021