Tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến do Vietracimex đề xuất thực hiện có quy mô gần 900ha, tổng vốn đầu tư lên đến 57.640 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
>>>Hòa Thắng gọi vốn trái phiếu khủng, tài sản đảm bảo là dự án dính chặt rừng
Theo đó, Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) vừa có đề nghị thực hiện tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến. Dự án có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 900ha, tọa lạc tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Dự án bao gồm các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch. Tổng vốn đầu dự án khoảng 57.640 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD, đã bao gồm cả lãi vay.
Trong đó, cơ cấu nguồn vốn dự án gồm: khoảng 8.740 tỷ đồng là vốn tự có, khoảng 10.480 tỷ đồng là vốn vay và khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn huy động khách hàng (chiếm 67% tổng mức đầu tư). Dự kiến tiến độ dự án thực hiện trong 7 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư.
Điều đáng chú ý là trong tổng số gần 900ha nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án này có gần 110ha đất rừng nằm trong tổng diện tích khoảng 2.500 ha đất rừng đặc hữu ven biển thuộc khu Lê Hồng Phong.
Được biết, khu đất đề xuất thực hiện dự án có phần chồng lấn với ranh giới quy hoạch khoáng sản Titan (theo Quyết định số 1546 năm 2013 của Thủ tướng). Vietracimex cho rằng, những năm qua việc khai thác Titan thực tế không đem lại hiệu quả như mong đợi và tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản Titan.
Tiền thân của Vietracimex là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Công ty này dần mở rộng quy mô sau nhiều lần sáp nhập với một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Tới năm 2014, Vietracimex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với quy mô vốn điều lệ đăng ký hơn 5.510 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, sau khi SCIC thoái vốn, cơ cấu cổ đông của Vietracimex bao gồm: ông Võ Nhật Thăng, nắm giữ 99,988% vốn điều lệ; Ông Vũ Đức Toàn, nắm giữ 0,011% vốn điều lệ và bà Vũ Thị Mai Loan, nắm giữ 0,001% vốn điều lệ.
Khoảng giữa năm 2020, Vietracimex tăng vốn điều lệ lên hơn 8.510 tỷ đồng. Và tại ngày 31/12/2021, Vietracimex có vốn điều lệ hơn 12.510 tỷ đồng, trong đó ông Võ Nhật Thăng – Chủ tịch HĐQT – góp 12.509,4 tỷ đồng, sở hữu 99,99% vốn cổ phần. Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này vẫn không thay đổi so với thời điểm năm 2018. Theo đó, ông Vũ Đức Toàn góp 595 triệu đồng và bà Vũ Thị Mai Loan góp 60 triệu đồng.
Về kết quả kinh doanh, năm 2021, Vietracimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.259 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ từ 311,4 tỷ đồng lên 316,5 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi ròng tăng từ 6,36% lên 7,43%.
>>>Đẩy mạnh công tác quản lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Mặc dù kinh doanh có lãi, nhưng nhiều năm qua, Vietracimex chịu sức ép lớn từ các khoản chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay và chi phí phát hành trái phiếu. Đỉnh điểm là năm 2020, công ty này ghi nhận tới 782,8 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó chi phí lãi vay và chi phí phát hành trái phiếu là 702 tỷ đồng. Tới năm 2021, hai chỉ tiêu này lần lượt là 628,1 tỷ đồng và 594,1 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vietracimex là 18.543 tỷ đồng, chiếm 42,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay trái phiếu phát hành là 7.502,5 tỷ đồng.
Về hoạt động phát hành trái phiếu chỉ từ tháng 5 đến tháng 12/2021, Vietracimex đã huy động được 2.179 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn được đổ vào 2 dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A và 1B.
Hồi đầu năm 2022, doanh nghiệp này cũng đã phát hành thành công 4.700 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, thu về là 470 tỷ đồng. Đợt phát hành trái phiếu này cũng được Vietracimex dùng tài trợ phương án hợp tác đầu tư (BCC) với Công ty CP Năng lượng Cà Mau 1A để thực hiện dự án nhà máy điện gió Cà Mau 1A.
Trước đó, trong vòng 2 năm (từ đầu tháng 12/2018 đến cuối 2020), Vietracimex cũng đã huy động thành công 3.400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu; trong đó từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 3/2019, doanh nghiệp phát hành 4 đợt trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng.
Ngoài công ty mẹ Vietracimex, các thành viên khác trong hệ sinh thái Vietracimex cũng rất tích cực huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu. Theo đó, tháng 11/2021 Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng đã phát hành thành công 880 tỷ đồng trái phiếu - kỳ hạn 12 năm 4 tháng. Đây là đợt phát hành thứ nhất trong kế hoạch phát hành 2 đợt trái phiếu nhằm huy động 1.880 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận. Và mới đây nhất, vào hồi cuối tháng 5, công ty này cũng đã huy động thành công 545 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4.319 ngày.
Hay như, Công ty CP Năng lượng Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2, trong giai đoạn từ 2019 - 2021 cũng đã huy động thành công 4.150 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Như vậy, chỉ từ năm 2018 đến nay, hệ sinh thái Vietracimex đã huy động thành công gần 12.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, chủ yếu để tài trợ cho các dự án năng lượng và bất động sản.
Đáng lưu ý là hầu hết các đợt phát hành trái phiếu của cả công ty mẹ Vietracimex lẫn các công ty thành viên, ngoài những tài sản đảm bảo khác thì đều được đảm bảo bởi quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng tại dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (nay được đổi tên là Hinode Royal Park) tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Một điều đáng chú ý khác là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 880 tỷ đồng do Công ty Hòa Thắng phát hành vào tháng 11/2021 cũng chính là dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2, với 103,4 triệu cổ phần do Hòa Thắng phát hành. Tuy nhiên, dự án này đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bác đề xuất từ đầu năm 2021 do liên quan đến việc sẽ phải đốn hạ hàng chục ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ để xây dựng dự án. Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp này đã dùng dự án không được chấp thuận để làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên thì khả năng rủi ro cho các trái chủ là điều có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Hòa Thắng gọi vốn trái phiếu khủng, tài sản đảm bảo là dự án dính chặt rừng
14:58, 23/06/2022
“Ùn tắc” lập, phê duyệt quy hoạch: Khơi thông thủ tục đầu tư dự án
01:00, 30/05/2022
Cần thiết và phù hợp khi đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh
00:36, 25/05/2022
Đồng Nai: Cân nhắc các phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án đô thị Biên Hòa 1
18:22, 12/05/2022
Đẩy mạnh công tác quản lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
11:00, 21/07/2022
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong tháng 6 là ai?
05:15, 14/07/2022
Ngân hàng “cầm trịch” phát hành trái phiếu?
16:50, 24/06/2022