Chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ xây nhà trẻ hoặc chi phí gửi trẻ cho lao động cần được khuyến khích thông qua ưu đãi của Nhà nước theo pháp luật về thuế.
Tại Điều 145, Bộ Luật Lao động năm 2012 có quy định, người sử dụng lao động có nghĩa vụ “... Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ..”. Quy định về nghĩa vụ này trên thực tế, tính khả thi rất thấp, hầu như chỉ có một số rất ít doanh nghiệp lớn của Nhà nước mới có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, về đội ngũ giáo viên nuôi dạy trẻ...
Trách nhiệm chính phải là Nhà nước
Việc hỗ trợ một phần chi phí gửi nhà mẫu giáo cho lao động nữ cũng là thách thức với các doanh nghiệp, do đó, để nâng cao tính khả thi của quy định này cần có chính sách khuyến khích của Nhà nước khi người sử dụng lao động thực hiện biện pháp hỗ trợ của doanh nghiệp, thể hiện việc cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và Doanh nghiệp.
Do đó, nhóm nghiên cứu của tổ chức Investing in Women vừa đề xuất đưa vào Bộ Luật lao động sửa đổi là khuyến khích doanh nghiệp tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh Đào Ngọc Dung nhận định, Nhà nước phải bảo đảm các chính sách và hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung.
“Để giải quyết vấn đề này, cần có sự cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm của cả Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó, trách nhiệm chính phải là Nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm về nhà trả, lớp mẫu giáo cho con em người lao động.
“Chính sách khuyến khích, ưu đãi bao gồm cả xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo và những chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người lao động có con đang trong thời gian gửi trẻ, mẫu giáo, bình đẳng cho cả lao động nam hay lao động nữ, thay vì như hiện nay chỉ quy định cho lao động nữ”, Bộ trưởng nói.
Thực tế, cả nước hiện có 328 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, thu hút được hơn 120 tỷ USD vốn FDI, 800.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Có tới hơn 3 triệu lao động hiện đang làm việc tài các khu công nghiệp, khu chế xuất này, lao động nhập cư chiếm phần lớn.
Đặc điểm lao động của công nhân ở các khu chế xuất – khu công nghiệp là sự tăng ca thường xuyên và thu nhập không đủ chi tiêu cho cuộc sống đắt đỏ ở đô thị lớn khiến đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ đang ở mức thấp. Chi phí nuôi con chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu hàng tháng của các gia đình người lao động nhập cư. Phần lớn công nhân muốn được gửi con ở trường mầm non công lập vì giá cả hợp lý và độ an toàn cao.
Tuy nhiên, những công nhân nhập cư không có hộ khẩu thường trú nên rất khó xin vào trường công vốn đã quá tải. Ngoài ra, công nhân thường xuyên tăng ca cũng đắn đo với trường.
Do đó, Bộ trưởng Bộ LĐ_TB&XH đánh giá, nhà trẻ, lớp mẫu giáo là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đa số người lao động trong các khu công nghiệp tập trung là lao động nhập cư, tuổi đời còn trẻ, đang trong thời gian sinh đẻ và nuôi con nhỏ.
Từ phía doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng cần chủ động và tích cực trong việc thực hiện những chính sách này. “Xác định những chi phí này chính là những chi phí cho đầu tư, phát triển – là những chi phí mang lại lợi ích bền vững và lâu dài cho doanh nghiệp chứ không phải là những gánh nặng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Dung nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm cần có sự chung tay của Nhà nước để đẩy mạnh việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động, bà Jane Hodges, Giám đốc bình đẳng giới, Tổ chức Investing in Women cho rằng: “ Đề xuất này sẽ tạo ra sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Chìa khóa trong đề xuất báo cáo tác động chính sách là để đảm bảo rằng gánh nặng chi phí không rơi vào vai người sử dụng lao động, và rằng Nhà nước có vai trò ở đây –đáp ứng các yêu cầu trong các hiệp ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO – rằng cần đảm bảo không có rào cản tham gia lao động đối với cả phụ nữ và nam giới.”
Do đó, nhóm nghiên cứu của tổ chức Investing in Women nhấn mạnh: “Chi phí của người sử dụng lao động khi thực hiện các biện pháp này và các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng khác được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo pháp luật về thuế”.
Cụ thể mức hỗ trợ doanh nghiệp
Theo đó, nhóm dẫn dụ ví dụ tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp xây dựng cơ sở chăm sóc trẻ tại nơi làm việc cho người lao động có thể yêu cầu giảm tới 25% đối với khoản chi phí cho hoạt độn của cơ sở chăm sóc trẻ, cộng với giảm 10% thuế tối đa lên đến 150.000 USD cho bất cứ nguồn lực nào trong một năm.
Có thể bạn quan tâm
13:39, 17/10/2018
10:28, 17/10/2018
05:35, 30/09/2018
Trả lời về vấn đề này, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, hiện nay đa số các doanh nghiệp còn khó khăn nên chưa có điều kiện thực hiện hoặc cũng có doanh nghiệp có thể có điều kiện nhưng vì lợi nhuận nên không làm.
Do đó, ông Lợi cho biết, Dự thảo luật đang quy định theo hướng khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động, nhưng chỉ là khuyến khích, không có tính bắt buộc nên không thể có chế tài xử lý.
“Theo tôi cần nghiên cứu tham vấn ý kiến của các bên trong quan hệ lao động để quy định được cụ thể mức hỗ trợ thì tốt hơn. Tuy nhiên, phải có điều kiện do các bên thỏa thuận hoặc nêu nguyên tắc làm căn cứ trong thương lượng tập thể để các bên thống nhất quyết định và chỉ ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể”, ông Lợi nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, vấn đề này cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, thiết chế của công đoàn và bản thân người lao động để hài hòa lợi ích.